Việt Nam không thiếu những giống lúa tiền tỷ cho năng suất cao.
Lọt top quốc tế
Hiện nay rất nhiều người cho rằng gạo Việt Nam chỉ được về mặt số lượng chứ chất lượng chưa tốt, vì thế, muốn ăn gạo ngon, chúng ta lại đi nhập từ nước ngoài, ví dụ gạo Thái có thương hiệu, trong khi thực tế Việt Nam đã có những giống lúa cho chất lượng rất tốt, thậm chí có nhiều giống lúa còn được xếp vào top những giống lúa ngon nhất thế giới.
GS. VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam cho biết: Việt Nam là nước có sự đa dạng về các giống lúa, chỉ riêng đồng bằng sông Cửu Long cũng có tới hơn 100 giống lúa. Nhiều người cho rằng, chúng ta chưa có gạo ngon nên gạo của Việt Nam không có thương hiệu. Gạo không thương hiệu là do chúng ta chưa biết cách làm thương hiệu, chứ thực tế, chúng ta có rất nhiều giống lúa cho gạo ngon không thua kém những giống gạo chất lượng của Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
GS. VS Trần Đình Long giải thích thêm, khi xét về chất lượng lúa gạo, người ta xét trên 3 góc độ thương phẩm, nấu nướng, và dinh dưỡng. Về thương phẩm, với giống lúa cho gạo hạt dài phải có độ dài trên 7mm, hạt gạo trong, tỷ lệ bạc bụng thấp; với gạo hạt tròn không quan trọng độ dài nhưng phải đảm bảo dẻo nhưng không dính.
Về nấu nướng, gạo ngon phải là gạo có mùi thơm, cơm dẻo, mềm, không dính. Về dinh dưỡng gạo ngon là gạo có hàm lượng protein cao khoảng 10-11% (trong khi gạo thông thường hàm lượng protein chỉ khoảng 7-8%).
Nhiều giống lúa của chúng ta đã đạt được những chỉ tiêu trên. Ví dụ ở đồng bằng Sông Cửa Long thì có giống hạt dài OM, giống ST…. Không chỉ có giống hạt dài, mà chúng ta cũng đã có những giống lúa hạt tròn có chất lượng tốt, như giống ĐS1…
Các giống lúa này cho chất lượng gạo ngon không kém, thậm chí còn ngon hơn nhiều loại gạo chất lượng cao của thế giới. Các loại gạo này đều có giá thành cao, từ 600 USD/tấn, thậm chí đến 800 – 1200 USD/tấn, mang đến những cánh đồng trồng lúa có giá trị hàng tỉ đồng, làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người rằng Việt Nam không có gạo ngon.
“Đấy là bước tiến lớn của khoa học Việt Nam. Các giống này không chỉ cho chất lượng tốt mà còn giúp nâng tầm gạo Việt trên thị trường quốc tế”, GS. VS Trần Đình Long khẳng định.
Tại Hội nghị quốc tế về thương mại gạo năm 2017 vừa được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc), giống gạo ST24 của Việt Nam đã vinh dự xếp thứ hai trong ba loại gạo ngon nhất thế giới.
Không quá chăm chú vào chất lượng cao
Mặc dù chúng ta đã có được những giống lúa có chất lượng cao, tuy nhiên, theo GS.VS Trần Đình Long điều này không có nghĩa chúng ta sẽ bỏ hết các giống lúa khác chỉ để chuyên trồng các giống lúa cho chất lượng cao. Hiện, ở đồng bằng sông Cửa Long có 2 – 3 giống lúa chất lượng cao, đồng bằng sông Hồng có 1 – 2 giống lúa chiếm 30 – 40% thị phần. Con số này là phù hợp. Bởi cần nhớ rằng, thị trường có nhiều phân khúc khác nhau, từ lúa chất lượng cao đến trung bình và bình dân.
Hơn thế, riêng với gạo, việc thích hay không thích đôi khi còn do gu thưởng thức, thói quen dinh dưỡng của từng người, từng khu vực. Ví dụ, người Việt mình thích gạo hạt dài có mùi thơm, cơm để nguội ăn vẫn ngon; nhưng cũng ở Châu Á, người dân Hàn Quốc, Nhật Bản lại thích ăn gạo hạt tròn, cơm dẻo, mềm, hàm lượng dinh dưỡng cao.
Tương tự, Việt Nam có loại gạo tám đặc sản rất ngon, rất được người dân Việt Nam ưa chuộng bởi mùi thơm ngát của gạo, tuy nhiên, thị trường nước ngoài lại không thích vì cho rằng nó có mùi hôi “cứt dán”.
Vì vậy, thay vì dồn vào chỉ chuyên trồng gạo chất lượng cao, chúng ta xác định phân khúc thị trường, nhu cầu của thị trường để kết hợp trồng đa dạng các giống lúa; đồng thời, tổ chức tốt khâu sản xuất, khâu sau thu hoạch để tăng cường giá trị sản phẩm.
Đức Anh