Viện thẩm mỹ Lavender by Chang phớt lờ xử phạt của cơ quan chức năng?

Thẩm mỹ viện Lavender By Chang nhiều lần bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM xử phạt vì sai phạm trong quá trình hoạt động.

Ngày 13/6, Thanh tra Sở Y tế TP HCM công bố danh sách xử phạt vi phạm hành chính của bộ phận khám chữa bệnh từ ngày 8/6 đến ngày 9/6. Trong đó, Công ty TNHH Lavender Sài Gòn (Thẩm mỹ viện Lavender By Chang - Phòng khám chuyên khoa Da Liễu), địa chỉ 61 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM có hành vi quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Với sai phạm trên, Công ty TNHH Lavender Sài Gòn bị phạt 45 triệu đồng. Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế yêu cầu cơ sở trên phải tháo gỡ, xóa quảng cáo vi phạm.

Liên tục bị xử phạt

Thẩm mỹ viện Lavender By Chang đã nhiều lần bị Thanh tra Sở Y tế TP HCM “tuýt còi”, vì sai phạm trong quá trình hoạt động.

Cụ thể, tháng 8/2016, viện thẩm mỹ này bị Sở Y tế TP HCM xử phạt 700.000 đồng vì hành vi “lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật”.

Tháng 12/2018, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết, đơn vị này xử phạt vi phạm hành chính đối với Viện thẩm mỹ Lavender 25 triệu đồng.

Cuối năm 2019, Lavender tiếp tục bị thanh tra Sở Y tế TP HCM phạt 30 triệu đồng vì quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép.

Sau nhiều lần bị xử phạt, ngày 30/06/2020, Viện thẩm mỹ Lavender chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh về trụ sở mới tại địa chỉ 60A Võ Văn Tần (phường 6, quận 3); đồng thời, đổi tên thương hiệu thành Viện thẩm mỹ Lavender by Chang.

Tháng 3/2021, Thanh tra Sở Y tế TP HCM ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với Viện thẩm mỹ Lavender by Chang thuộc Công ty TNHH Lavender Sài Gòn (tại địa chỉ 61 Trương Định, phường 6, quận 3, TP HCM), vì có hành vi quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung. Thanh tra Sở Y tế yêu cầu Viện thẩm mỹ Lavender by Chang phải tháo gỡ, xóa quảng cáo nội dung trên.

Xử phạt Viện thẩm mỹ Lavender By Chang


Xử phạt Viện thẩm mỹ Lavender By Chang

Cần có biện pháp xử lý mạnh mẽ

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho rằng, cơ sở thẩm mỹ viện liên tục vi phạm về quảng cáo cũng như hoạt động, cần phải có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn nữa để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ quyền lợi của khách hàng, sức khỏe nhân dân.

Luật sư Cường dẫn Nghị định 109/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ là một trong những loại hình phòng khám chuyên khoa. Để được cấp giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, thẩm mỹ viện cần phải đáp ứng điều kiện cụ thể.

Quá trình hoạt động phải tuân thủ các quy định của luật khám chữa bệnh và văn bản pháp luật liên quan, trong đó có Luật Quảng cáo. Nếu vi phạm luật này, cơ sở hoạt động thẩm mỹ sẽ bị xử phạt hành chính, mức độ nghiêm trọng có thể bị tước giấy phép hoạt động.

“Thẩm mỹ viện Lavender By Chang nhiều lần vi phạm và bị xử phạt hành chính, với các hành vi khác nhau. Nếu sau khi xử phạt, cơ sở kinh doanh tiếp tục phạm lỗi tương tự, cố tình không khắc phục, cơ quan chức năng sẽ áp dụng mức phạt cao hơn, đồng thời áp dụng các biện pháp hành chính bổ sung như tạm đình chỉ hoạt động, tước giấy phép có thời hạn hoặc vĩnh viễn, nếu hành vi vi phạm đến mức phải xử lý nghiêm khắc”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở thẩm mỹ viện hiện nay tới 50 triệu đồng, có thể tước giấy phép trong một số trường hợp, cụ thể quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo, tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 129/2021/NĐ-CP) của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Với lĩnh vực quảng cáo, tùy hành vi vi phạm cụ thể, tổ chức, cá nhân có thể bị phạt đến 100 triệu đồng, bị áp dụng hình phạt bổ sung và những biện pháp khắc phục hậu quả.

Nếu bị xác định là quảng cáo gian dối, người thực hiện hành vi bị xử phạt hành chính hoặc kết án mà còn vi phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật Hình sự.

Viện thẩm mỹ Lavender By Chang


Viện thẩm mỹ Lavender By Chang

Trách nhiệm thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng địa phương

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư kết nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội - dẫn Điều 20 Luật Quảng cáo 2012, quy định điều kiện chung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ: Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có tài liệu chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.

Hành vi quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước xác nhận của Viện thẩm mỹ Lavender by Chang, có thể thấy, từng bị xử lý tháng 3/2021. Để xảy ra tình trạng tái diễn như vậy, trước hết, trách nhiệm thuộc về chính chủ cơ sở viện thẩm mỹ, cố tình vi phạm pháp luật, bất chấp các quy định để thực hiện hành vi vi phạm, nhằm thu lợi nhuận.

Ngoài ra, phải nói đến trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng địa phương, khi để cơ sở liên tiếp thực hiện hết hành vi vi phạm trong thời gian dài.

Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 20 triệu đến 25 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Ngoài ra, bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ một tháng đến 3 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp quảng cáo thuốc, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà vi phạm 2 lần trở lên trong 6 tháng.

“Như vậy, đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước xác nhận của Viện thẩm mỹ Lavender, viện thẩm mỹ này có thể bị tước giấy phép hoạt động và buộc phải ngừng hoạt động từ một đến 3 tháng theo quy định của pháp luật”, luật sư Hùng nêu quan điểm.

“Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ thường xuyên vi phạm pháp luật, đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần, cơ quan chức năng cần làm rõ lần xử phạt vi phạm hành chính sau đã đủ sức răn đe hay chưa, hành vi có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội quảng cáo gian dối hay không, để xem xét xử lý hình sự trong một số trường hợp, nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp không chỉ vi phạm quy định về quảng cáo, mà còn vi phạm quy định về khám chữa bệnh, hoạt động của phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, thì tùy hành vi vi phạm cụ thể mà tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị áp dụng những biện pháp hành chính và chế tài hành chính theo quy định của pháp luật, trong đó không loại trừ trường hợp tước giấy phép có thời hạn hoặc tước giấy phép vĩnh viễn.

Nếu hành vi được xác định là lừa dối khách hàng, thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa dối khách hàng theo quy định tại điều 198 Bộ luật Hình sự” - luật sư Đặng Văn Cường nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), 5 năm trở lại đây, nhu cầu làm đẹp tăng mạnh, Việt Nam đối mặt làn sóng các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ "chui". Rất nhiều cơ sở không phép như spa, cửa hàng cắt tóc gội đầu, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ cũng làm phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ.

Khách hàng rất khó phân biệt được trung tâm, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép với "Viện thẩm mỹ" thực tế chỉ có chức năng chăm sóc da, tóc, móng tay…

Giống như mọi can thiệp y khoa khác, các phẫu thuật, thủ thuật thẩm mỹ luôn tiềm ẩn nguy cơ. Từ góc độ bác sĩ, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà nhận thấy, có 3 chốt an toàn mà nhà quản lý và người đi phẫu thuật thẩm mỹ nên lưu ý:

Thứ nhất, chỉ cơ sở y tế được cấp phép của Bộ Y tế, Sở Y tế mới có chức năng thực hiện phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ.

Thứ hai, bác sĩ thực hiện phẫu thuật cần được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và có bằng cấp, chứng chỉ đầy đủ.

Thứ ba, tất cả loại thuốc được sử dụng và chất liệu đưa vào cơ thể đều phải đảm bảo được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Tư vấn từ bác sĩ chuyên ngành sâu trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nào không bao giờ thừa. Nâng cao hiểu biết khoa học vẫn là chốt an toàn lớn nhất để mỗi người bảo vệ mình trước sự nhiễu loạn của các dạng thức quảng cáo thẩm mỹ hiện nay.

Theo Đời sống
back to top