Mặt Trăng nằm gần đường chân trời có cảm giác lớn hơn bình thường. Ảnh minh họa.
1. Hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra khi nào?
Hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng đứng thẳng hàng với nhau, trong đó Trái Đất đứng giữa. Vì vậy, hiện tượng này chỉ xảy ra vào những ngày trăng tròn.
Khác với nhật thực, nguyệt thực có thể nhìn thấy ở bất cứ nơi nào đang là ban đêm trên Trái Đất và có thể quan sát dễ dàng bằng mắt thường.
2. Khi hiện tượng nguyệt thực xảy ra, mặt trăng có màu đỏ
Vì sao kích thước Trái Đất hoàn toàn có thể che kín được Mặt Trời nhưng khi hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra, Mặt Trăng không bị tối đi hoàn toàn mà sẽ chuyển từ màu cam sáng tới màu đỏ rực?
Theo lý giải của các nhà khoa học, hiện tượng này xảy ra là do ánh sáng Mặt Trời đã “lượn” qua bầu khí quyển Trái Đất và phản chiếu lên Mặt Trăng. Trong hành trình đó, ánh sáng sẽ bị lọc bởi không khí và khói bụi trên Trái Đất.
Ánh sáng có bước sóng ngắn sẽ bị lọc ra, chỉ còn lại ánh sáng có bước sóng dài đến được Mặt Trăng. Trong đó, ánh sáng đỏ có bước sóng dài nhất nên khi hiện tượng nguyệt thực toàn phần xảy ra Mặt Trăng có màu đỏ.
Một số bất thường trên Trái Đất có thể làm cho Mặt Trăng có màu đỏ hơn. Đó có thể là núi lửa phun trào khiến cho một lượng bụi lớn được “phóng” vào bầu khí quyển. Lúc này, bầu khí quyển Trái Đất sẽ “lọc” ánh sáng mạnh hơn khiến cho màu đỏ của Mặt Trăng thêm đậm.
Khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, nếu Mặt Trăng nằm gần đường chân trời thì sẽ có hình ảnh lớn hơn. Đây là ảo giác do mắt người “so sánh” kích thước Mặt Trăng với các vật nhỏ hơn như tòa nhà, lùm cây, dãy núi khiến chúng ta có cảm giác Mặt Trăng lớn hơn bình thường.
Theo Tiền Phong