Vì sao dân phản ứng dữ dội với dự án khu liên hợp gang thép Hòa Phát?

(khoahocdoisong.vn) - Người dân đang phản ứng dữ dội, cáo buộc dự án Hòa Phát Dung Quất mở rộng (115ha) đang gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường dân sinh... Trong khi đó, tỉnh Quảng Ngãi đang muốn điều chỉnh 48ha đất lâm viên sang đất tái định cư cho các dự án của Hòa Phát.

Chủ tư thi công, dân gọi là phá hoại

Hiện, dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát đã và đang triển khai hoạt động. Đồng thời, dự án Hòa Phát Dung Quất mở rộng (115ha) đã tổ chức kiểm kê và tiến hành bồi thường một phần diện tích đất nông nghiệp. Có khoảng 335 hộ sẽ phải di chuyển chỗ nhường đất cho dự án.

Theo phản ảnh của người dân, việc vận hành dự án Thép Hòa Phát Dung Quất đã gây ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư về tiếng ồn, bụi, mùi hôi. Đồng thời, trong khi khu tái định cư chưa xây dựng,  người dân còn chưa được bố trí chỗ ở mới, tại khu vực đang triển khai dự án 115ha mở rộng, chủ đầu tư đã cho thi công, san ủi quanh một số phần mộ thân nhân, nhà cửa, vật kiến trúc của người dân...

Hoạt động thi công này cũng tàn phá nhiều tuyến đường dân sinh tại địa phương. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn khoan nổ mìn tại mỏ đá Đồi Sáo, ảnh hưởng tới nhà dân. “Những sự việc trên đã gây bức xúc lớn trong nhân dân” – lãnh đạo chính quyền xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn) xác nhận.

Căng thẳng lên cao từ đầu tháng 8/2019, có khoảng 30 hộ dân kéo tới cổng Công ty Hòa Phát đề nghị giải quyết những vấn đề nêu trên. Tới giữa tháng 8, người dân tiếp tục kéo đến Công ty Hòa Phát yêu cầu giải quyết một lần nữa. Ngày 30/9, người dân lại tập trung tới cổng Hòa Phát để đề nghị được giải quyết. Cả 3 lần này, UBND xã Bình Thuận đều phải đến hiện trường nhằm vận động, giải thích và vận động người dân giải tán, chờ giải quyết.

Ngày 15/10 vừa qua, người dân tiếp tục kéo tới Công ty Hòa Phát gây áp lực yêu cầu giải quyết các vấn đề gây bức xúc. Dù UBND xã đã tiếp tục vận động, giải thích, nhưng một số người dân vẫn "bám trụ" tại cổng công ty để gây áp lực. Việc người dân kéo đến công ty Thép Hòa Phát còn có khả năng tái diễn trong thời gian tới.

Trong thẩm quyền của mình, UBND xã Bình Thuận đã kiến nghị BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn và Công ty Thép Hòa Phát giải quyết các yêu cầu của người dân.

Cụ thể là giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường như tiếng ồn, bụi, mùi hôi. Hai là, bồi thường diện tích đất nông nghiệp của người dân mà Thép Hòa Phát Dung Quất đã san ủi. Ba, tính toán phương án bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, tái định cư ổn định lâu dài cho người dân trong vùng dự án (do hiện tại tình trạng ô nhiễm môi trường đang gây bức xúc lớn). Cuối cùng, đề nghị Thép Hòa Phát Dung Quất tu sửa các tuyến đường dân sinh, có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng nổ mìn ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Dự án Hòa Phát Dung Quất đang gây bức xúc cho người dân vì gây ô nhiễm môi trường.

Dự án Hòa Phát Dung Quất đang gây bức xúc cho người dân vì gây ô nhiễm môi trường.

Đặc cách cũng phải chờ

Cuối tháng 9, Thép Hòa Phát Dung Quất có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi và BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi với nội dung: “Đề nghị đặc cách giao trước khu đất khoảng 3,6ha đất thuộc quy hoạch Khu dân cư Tây Bắc Vạn Tường 3 để GPMB làm hạ tầng tái định cư phục vụ nhu cầu cấp bách của người dân”.

Nêu trong văn bản, Công ty cho biết đã tích cực phối hợp với BQL, UBND huyện Bình Sơn và các cơ quan liên quan triển khai GPMB khu 115ha (thuộc Khu liên hợp mở rộng). Tuy nhiên, tại mặt bằng 115ha này có nhiều dân cư sinh sống có yêu cầu các cơ quan giải quyết khẩn cấp về tái định cư.

Trước yêu cầu cấp bách trên, Công ty đã phối hợp với các cơ quan đề xuất nhiều mặt bằng để xem xét giải quyết (thông qua các văn bản của Hòa Phát từ tháng 3 tới cuối tháng 8 vừa qua). Tới cuối tháng 8, giới chức tỉnh Quảng Ngãi và các Sở ngành đã kiểm tra, họp bàn chỉ đạo BQL giao đất cho Hòa Phát tự làm tái định cư để bố trí tái định cư cho các dự án của Hòa Phát. Ngày 7/9, Hòa Phát có văn bản đề xuất một số vị trí và sau đó (ngày 16/9) được BQL thống nhất, báo cáo UBND tỉnh.

Hiện, UBND tỉnh đã giao các Sở ngành xem xét để hướng dẫn Công ty. Tuy nhiên, Hòa Phát nêu, trước yêu cầu cấp bách về tiến độ dự án và bức xúc của những hộ dân giáp ranh Khu liên hợp thuộc mặt bằng 115ha về tái định cư, Công ty đề xuất được “tạo điều kiện” đặc cách giao trước khu đất 3,6ha thuộc quy hoạch Khu dân cư Tây Bắc Vạn Tường 3 (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn) để triển khai GPMB làm hạ tầng bố trí TĐC cho người dân.

Cùng ngày, Thép Hòa Phát Dung Quất có văn bản gửi BQL và huyện Bình Sơn về việc đề nghị xác định nghĩa trang để người dân di dời mộ tại mặt bằng dự án mở rộng 115ha và các dự án vệ tinh của doanh nghiệp thuộc xã Bình Thuận.

Hòa Phát cho biết, việc GPMB khu 115ha đang rất khó khăn (trong đó có việc di dời mộ) - ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ dự án (theo chủ trương của tỉnh tại văn bản ngày 18/4/2018 thì phải hoàn thành bồi thường, GPMB khu này trong quý I/2019).

Theo thống kê, dự kiến phải di dời khoảng hơn 3.800 ngôi mộ (khu 115ha có khoảng 600, dự án Bến cảng tổng hợp khoảng 173 và còn lại là dự án Khu hậu cần cảng). Trong đó, cấp bách hơn cả, BQL và huyện Bình Sơn giải quyết ngay là bố trí mặt bằng nghĩa trang để di dời khoảng 600 ngôi mộ (khu 115ha) trước mùa mưa theo yêu cầu của người dân, tiến độ dự án và đề nghị của xã Bình Thuận.

Sau khi Hòa Phát có văn bản kiến nghị vào 12/7, Bí thư tỉnh ủy đã có cuộc họp chỉ đạo giao BQL và huyện Bình Sơn nhanh chóng giải quyết vấn đề di dời nêu trên (đầu tháng 8). Tới đầu tháng 9, UBND xã Bình Thuận có văn bản kiến nghị xem xét đầu tư xây dựng và mở rộng mặt bằng Nghĩa địa xã Bình Trị để phục vụ di dời mộ (đặc biệt là 600 ngôi thuộc khu 115ha). Tuy nhiên, tới 30/9, vẫn chưa có mặt bằng để di dời – gây bức xúc cho người dân trong vùng dự án, Hòa Phát nêu trong văn bản.

Theo Khoa học & Đời sống
Đắk Lắk xác minh xe có dấu hiệu quá tải

Đắk Lắk xác minh xe có dấu hiệu quá tải

Ngày 21/03, Chỉ huy Đội CSGT Công an TP Buôn Ma Thuột cho biết đang xác minh, xử lý các phương tiện vi phạm sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí. Đồng thời sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để kiểm tra, xử lý.
"Bát nháo" khai thác cát trên sông Krông Ana

"Bát nháo" khai thác cát trên sông Krông Ana

Sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông, tàu hết đăng kiểm vẫn hoạt động, xe chở cát có dấu hiệu "né" qua trạm cân,… là những nguyên nhân gây ra tình trạng "bát nháo" trong khai thác khoáng sản trên sông Krông Ana, Đắk Lắk.
back to top