Vi phạm trật tự xây dựng cần xử lý nghiêm minh, quyết liệt

(khoahocdoisong.vn) - Cần xử lý nhanh các vi phạm về trật tự xây dựng bởi nếu xử lý chậm thì việc phải xử lý sẽ ngày càng khó hơn. Do đó, cần làm rõ về những sai phạm quy định và phương án xử lý, rạch ròi trách nhiệm của các lực lượng tham gia trong lĩnh vực này.

Kéo giảm hành vi vi phạm

Mới đây, tại hội nghị trực tuyến về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn TPHCM, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tính từ 15/12/2019 đến 15/3/2020, Sở tiếp nhận 8.356 Giấy phép xây dựng, giảm 116 Giấy phép xây dựng so với cùng kỳ năm 2019.

Thanh tra Sở đã phối hợp UBND cấp xã, cấp huyện, Ban Quản lý các Khu đô thị mới, Khu chế xuất - Khu công nghiệp tăng cường thực hiện kiểm tra với 21.850 lượt kiểm tra. Qua đó, phát hiện 179 công trình vi phạm TTXD (sai phép là 99 trường hợp, không phép là 80 trường hợp).

Theo ông Lê Hòa Bình, tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TPHCM tiếp tục được kéo giảm, giảm 6,5 vụ/ngày so với thời điểm trước khi thực hiện tăng cường quản lý (6 tháng đầu năm 2019), tỷ lệ giảm là 76,65%. Hạn chế được tình trạng vi phạm xây dựng tràn lan, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTXD.

Bên cạnh đó, việc ban hành, triển khai quy chế phối hợp quản lý TTXD, kế hoạch liên tịch tăng cường công tác quản lý TTXD giữa Sở Xây dựng và UBND quận, huyện đã góp phần nâng cao hiệu quả trong phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm xây dựng.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, chỉ thị 23 của Thành ủy thành phố (về nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng) đã tạo ra sự lan tỏa về ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hoặc có những hành vi lợi dụng những chính sách bất cập trong quy định pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm TTXD trên địa bàn thành phố. Do đó, số vụ vi phạm TTXD giảm sâu.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM sẽ xem việc tăng cường quản lý TTXD và xử lý nghiêm những vi phạm TTXD là việc làm thường xuyên, kiên trì, từng bước đưa vào quản lý chặt chẽ. Thực hiện tốt chỉ tiêu theo phương châm “phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời, xử lý nhanh, kiên quyết và theo quy định pháp luật”.

Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện quy định, quy trình cấp giấy chứng nhận và cấp phép xây dựng theo hướng rõ ràng, đơn giản, rút gọn trên cơ sở tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, tập trung rà soát các sai phạm, phân loại sai phạm, căn cứ thực tiễn và tính phù hợp của các vị trí cụ thể để đề xuất hướng giải quyết căn bản đối với từng sai phạm trước đây nhưng theo từng thời điểm quy định pháp luật để tháo gỡ cho người dân. Ngoài ra, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan xử lý vi phạm.

Một căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh.

Một căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh.

Tại hội nghị, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM yêu cầu trong thời gian tới các sở, ngành, quận, huyện cần quyết liệt hơn để về đích 1 năm sơ kết Chỉ thị 23. Trong đó, làm rõ hơn về những sai phạm quy định và phương án xử lý; rạch ròi trách nhiệm của các lực lượng tham gia trong lĩnh vực này. TPHCM sẽ xử lý nghiêm minh, quyết liệt các đối tượng đầu nậu, doanh nghiệp cố tình lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Đồng thời, xem xét có tình, có lý đối với những người dân đang có nhu cầu rất lớn về nhà ở.

Bên cạnh đó, cần xử lý nhanh các vi phạm về TTXD. Bởi vì, nếu xử lý chậm thì việc phải xử lý ngày càng khó hơn, với nguyên tắc, mục tiêu cuối cùng là làm sao việc quản lý xây dựng càng giảm dần các hành vi vi phạm và chuẩn hơn về quy định.

Lực lượng tham gia phải minh bạch

Mới đây, Sở Nội vụ TPHCM cũng đã có tờ trình gửi Chủ tịch UBND TPHCM về Đề án thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng thuộc UBND quận, huyện. Theo kết quả rà soát thuộc đề án, lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng lớn (gần 1.000 biên chế), được bố trí phân tán tại khối cơ quan Sở Xây dựng và 24 đội thanh tra địa bàn quận, huyện khác nhau. Điều này dẫn đến công tác nắm bắt tư tưởng, tâm tư tình cảm và công tác quản lý, giáo dục công chức, thanh tra viên, nhân viên chưa kịp thời, còn hạn chế.

Theo Sở Nội vụ, tình hình vi phạm trật tự xây dựng tại một số địa phương còn phức tạp, do công tác phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận - huyện, phường, xã - thị trấn còn hạn chế. Một số trường hợp, quan điểm xử lý công trình vi phạm giữa 2 bên chưa thống nhất, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Trong 6 năm chuyển lực lượng Thanh tra xây dựng về Sở Xây dựng (từ 2013 - 2019) đã có 409 trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, nội quy cơ quan trong lực lượng thanh tra xây dựng phải phê bình, kiểm điểm, kỷ luật. Trong đó có 14 công chức bị buộc thôi việc, các mức còn lại là cảnh cáo, khiển trách, phê bình. Thậm chí, có công chức đội thanh tra xây dựng huyện Nhà Bè bị khởi tố trách nhiệm hình sự. 

Cũng trong khoảng thời gian này, TPHCM có khoảng 15.000 vụ vi phạm xây dựng. Trong đó, xây dựng không phép là hơn 8.500 trường hợp, chiếm 71% tổng số công trình vi phạm trên toàn địa bàn. Ngoài ra, tỷ lệ chấp hành các quyết định xử phạt hành chính còn thấp: từ năm 2013 - 2017 là 55% và từ năm 2018 - 2019 dưới 50%.

Theo Sở Nội vụ, chính quyền địa phương là cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm chính trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị nên cần thiết có một lực lượng chuyên môn, chuyên trách để giúp chính quyền địa phương thực hiện công tác này. Do đó, thành lập thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện quản lý là cần thiết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hoạt động công vụ hiện nay.

Trước đó, TPHCM thành lập lực lượng Thanh tra xây dựng trực thuộc UBND các quận - huyện và xã phường theo Quyết định 89 của Thủ tướng năm 2007. Đến năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 26 quy định Thanh tra xây dựng còn hai cấp là Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở. Theo đó, toàn bộ thanh tra xây dựng tại TPHCM đưa về Sở Xây dựng quản lý. Ở cấp quận, phường chỉ còn các Đội trật tự đô thị phụ trách trật tự lòng đường, vỉa hè.

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top