Dự án có đất rừng phòng hộ
Tháng 11/2016 khi Công ty TNHH MTV đầu tư dịch vụ Thiên Ý - do bà Hồ Quỳnh Hương làm Giám đốc - đã báo cáo ý tưởng đầu tư Dự án khu du lịch sinh thái Thiên Ý với UBND tỉnh Quảng Ngãi và sở, ban, ngành liên quan tại một cuộc họp.
Thời điểm này dự án được đề xuất với quy mô lên đến 58,9ha, nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến 2,86ha đất rừng phòng hộ và 7,22ha đất quy hoạch rừng sản xuất, đồng thời phần lớn diện tích đất hiện trạng trồng dương. Chính vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã lưu ý các cơ quan chức năng, việc thu hồi phần diện tích đất rừng phòng hộ theo quy định phải thông qua HĐND tỉnh, phải làm thủ tục thanh lý rừng, trồng rừng thay thế theo quy định.
Mặt khác, UBND tỉnh cũng yêu cầu phải có phương án thỏa đáng đối với 27 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án và các hộ còn lại thuộc thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi khả năng tiếp cận khoảng 4km bờ biển thuộc dự án, ảnh hưởng lớn đến sinh kế.
Tháng 3/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký gửi văn bản xin ý kiến chấp thuận chủ trương Dự án khu du lịch sinh thái Thiên Ý tới Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Ngãi. Thông số dự án cơ bản không đổi so với đề xuất ban đầu của chủ đầu tư: gồm các hạng mục biệt thự, nhà lắp ghép theo mô đun, khách sạn cao cấp; tổng vốn đầu tư 252,32 tỷ đồng (vốn góp của chủ đầu tư 126,16 tỷ đồng); thời gian hoạt động 49 năm (từ ngày được cấp chủ trương đầu tư).
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - ông Trần Ngọc Căng - cũng lưu ý: so với quy mô dự án (58,9ha trong đó gần 52,48 ha đất thu hồi là đất trồng dương trải dài 4km dọc biển), thì năng lực vốn, kinh nghiệm hoạt động của Công ty Thiên Ý là chưa tương xứng. Thứ hai, về suất đầu tư trên mỗi hecta dự án, nhà đầu tư chưa thực sự “mạnh dạn”.
Tháng 6/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chấp thuận chủ trương cho Công ty Thiên Ý đầu tư dự án Khu du lịch và dịch vụ sinh thái Thiên Ý với mục tiêu xây dựng “Khu du lịch và dịch vụ sinh thái chuẩn 5 sao quốc tế”.
Trong đó, tổng diện tích đất dự kiến khoảng 58,9ha, phân chia thành các hạng mục gồm Khu du lịch nghỉ dưỡng (20,9ha), khu du lịch văn hóa cộng đồng (26,2ha, gồm khách sạn 500 phòng, khu đón tiếp chính, khu vui chơi giải trí cộng đồng...), và khu resort tiêu chuẩn 5 sao (11,8ha) tại thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi. Tổng vốn đầu tư lúc này được xác định khoảng hơn 252,327 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ 5 tháng sau, đến tháng 11/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Theo đó, quy mô dự án co lại còn 49,2ha, bao gồm: khu du lịch nghỉ dưỡng được co lại còn 17,36ha, khu du lịch văn hóa cộng đồng còn 23,88ha, và khu resort 5 sao còn 7,96ha.
Ngày 08/9/2016, Sở KHĐT Quảng Ngãi đã làm việc với Công ty TNHH MTV Đầu tư Dịch vụ Thiên Ý (Ảnh: Trung tâm xúc tiến đầu tư Quảng Ngãi). |
Văn bản quy hoạch lạ
Việc điều chỉnh diện tích dự án Khu du lịch và dịch vụ sinh thái Thiên Ý từ 58,9ha xuống 49,2ha chưa dừng lại ở đó, vì đến tháng 11/2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành một văn bản quy hoạch khá “lạ” để hỗ trợ dự án này. Cụ thể, tại Quyết định 1111/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - ông Trần Ngọc Căng - ký ngày 29/11/2018 - có 02 nội dung chính, vừa điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu Khu du lịch Mỹ Khê tỷ lệ 1/2000 vừa phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu du lịch và dịch vụ sinh thái Thiên Ý.
Trong đó, Quy hoạch phân khu Khu du lịch Mỹ Khê được điều chỉnh phần diện tích khoảng gần 2,3ha các lô C2.1 và C2.3 từ đất dịch vụ du lịch thành đất dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật thuộc Khu resort 5 sao. Điều chỉnh giảm diện tích khu nghỉ dưỡng thuộc các lô C1.1, C1.2, C1.3 từ khoảng 7ha xuống còn 3,3ha để bố trí các công trình dịch vụ và nghỉ dưỡng dạng lắp ghép. Đặc biệt, phần còn lại của các lô C2.1, C2.3, C1.1, C1.2, C1.3 điều chỉnh thành đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
Còn với Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu du lịch dịch vụ sinh thái Thiên Ý, thì tổng diện tích chỉ còn 25,3ha. Trong đó, Khu resort 5 sao vẫn là 7,96ha, đất khu du lịch nghỉ dưỡng 17,34ha, đồng thời bỏ hẳn khu du lịch văn hóa cộng đồng (không còn nằm trong quy hoạch chi tiết). Đáng lưu ý, theo quy hoạch này, trong khu resort 5 sao (7,96ha) thì có 1,32ha đất rừng sản xuất, 2,1ha đất rừng phòng hộ, 2,29ha đất dịch vụ. Trong khu du lịch nghỉ dưỡng (17,34ha) cũng có tới 10,4ha là đất rừng phòng hộ, 2,33ha là đất rừng sản xuất + khu nhà nghỉ dạng lắp ghép, 0,96ha đất dịch vụ.
Văn bản thẩm định của Sở Xây dựng Quảng Ngãi ngày 16/11/2018 có giải thích lý do cho việc lập phương án quy hoạch chi tiết Khu du lịch dịch vụ sinh thái Thiên Ý, nhưng lại đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phân khu Khu du lịch Mỹ Khê, là nhằm hạn chế ảnh hưởng đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất hiện trạng, đồng thời tránh chồng lấn với Ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Ngãi.
Nói cách khác, việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 Khu du lịch và dịch vụ sinh thái Thiên Ý đã dẫn đến phải đề xuất điều chỉnh cục bộ cả quy hoạch phân khu Khu du lịch Mỹ Khê 1/2000. Nhưng dù điều chỉnh quy hoạch với mục tiêu để bảo vệ rừng phòng hộ, thì quy hoạch chi tiết Khu du lịch dịch vụ sinh thái Thiên Ý vẫn có khá nhiều diện tích là đất rừng sản xuất và đất rừng phòng hộ.
Điều này phần nào được giải thích bởi yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Thiên Ý khi triển khai dự án thì "Tuyệt đối không được chặt phá cây trong khu vực rừng phòng hộ, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất (nếu có) phải được cấp thẩm quyền xem xét, chấp thuận theo đúng quy định trước khi xây dựng công trình". Và, việc xây dựng các tuyến đường nội vùng của dự án chỉ được lợi dụng những khoảng trống không có cây rừng, các tuyến đường mòn hiện hữu để tạo đường đi, không được làm ảnh hưởng đến cây rừng phòng hộ".
Tức là, Công ty Thiên Ý được phép triển khai dự án trong khu vực có rừng, nhưng về nguyên tắc lại không được phá rừng. Nếu muốn "chặt một cây" trong vùng dự án, thì cũng phải có tờ trình xin phép. Điều này cũng có nghĩa UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa điều chỉnh quy hoạch "mẹ" cho vừa với quy hoạch "con" của doanh nghiệp, và vừa nhận trách nhiệm ký duyệt cho phá rừng, nếu dự án "con" có đề xuất. Có ai tin triển khai một dự án du lịch hàng chục ha trong khu vực có rừng lại không dẫn tới việc phá rừng?