Chi tiết lạ
Ngày 16/11/1998, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1042/QĐ-TTg, phê duyệt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng Khu đô thị An Phú - An Khánh (Quận 2, TP.HCM) cho Công ty Phát triển và kinh doanh nhà (HDTC) làm chủ đầu tư.
Sau đó, đến ngày 13/08/1999, Thủ Tướng Chính phủ mới ban hành quyết định 783/QĐ-TTg giao đất cho HDTC để đầu tư hạ tầng cơ sở Khu đô thị An Phú – An Khánh, TP.HCM.
Tháng 11/1999, Kiến trúc sư trưởng TP. HCM đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết sử dụng đất khu đô thị mới An Phú - An Khánh, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 131ha.
Thời điểm đó Khu đô thị An Phú - An Khánh được chia làm 5 khu vực A, B, C, D và E. Trong đó, các khu A, B, C và D được quy hoạch là khu ở và công trình công cộng (nhà trẻ, mẫu giáo, trường học,...); Khu E được bố trí ở Trung tâm khu đô thị với chức năng là trung tâm dịch vụ công cộng (khách sạn, siêu thị,...).
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, trước điểm được Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt dự án (16/11/1998), giữa HDTC và cá nhân bà Văn Bảo Ngọc đã ký tới 04 hợp đồng chuyển nhượng đất nền tại Khu đô thị An Phú - An Khánh.
Cụ thể, ngày 24/9/1998, Công ty Phát triển và kinh doanh nhà và bà Văn Bảo Ngọc đã thống nhất ký kết hợp đồng chuyển nhượng nền đất để xây dựng nhà theo Hợp đồng bán nhà trả tiền nền và hạ tầng số 32/HĐ-APAK và 33/HĐ-APAK.
Theo hợp đồng, HDTC nhượng cho bà Văn Bảo Ngọc 02 nền nhà trong khu đô thị mới An Phú-An Khánh, vị trí nền số 14 và 15 đường Song Hành, Khu A, tổng diện tích khuôn viên mỗi nền là150m2 với giá trị hợp đồng mỗi hợp đồng là 367,5 triệu đồng, phương thức thanh toán mỗi hợp đồng được chia làm 3 đợt.
Trong đó, đợt 1: bà Văn Bảo Ngọc thanh toán cho HDTC số tiền là: 183,75 triệu đồng, tương ứng với 50% giá trị Hợp đồng trong vòng 7 ngày sau khi ký hợp đồng; Đợt 2, bà Ngọc thanh toán cho HDTC số tiền là: 110,25 triệu đồng, tương ứng với 30% giá trị hợp đồng trong vòng 7 ngày kể từ khi HDTC sang nền; Đợt 3, bà Ngọc thanh toán cho HDTC số tiền là: 73,5 triệu đồng tương ứng với 20% giá trị hợp đồng còn lại trước khi HDTC giao nền và giấy phép xây dựng cho bà Văn Bảo Ngọc.
Đến ngày 20/10/1998, Công ty HDTC tiếp tục ký tiếp hai hợp đồng bán nhà trả tiền nền và hạ tầng số 153/HĐ-APAK và số 154/HĐ-APAK cho bà Văn Bảo Ngọc với nội dung hợp đồng thống nhất ký kết hợp đồng chuyển nhượng nền đất để xây dựng nhà, vị trí 61 và 62 đường Số 7, khu A khu đô thị mới An Phú - An Khánh, tổng diện tích khuôn viên mỗi nền là 150 m2, với tổng giá trị mỗi hợp đồng là 322,5 triệu đồng, cũng với phương thức thánh toán chia làm ba đợt.
Đợt 1, bà Ngọc thanh toán cho HDTC số tiền là: 161,25 triệu đồng, tương ứng với 50% giá trị Hợp đồng trong vòng 7 ngày sau khi ký hợp đồng; Đợt 2, bà Ngọc thanh toán cho HDTC số tiền là: 96,75 triệu đồng, tương ứng với 30% giá trị hợp đồng trong vòng 7 ngày kể từ khi HDTC sang nền; Đợt 3, bà Văn Bảo Ngọc thanh toán cho HDTC số tiền là: 64,5 triệu đồng tương ứng với 20% giá trị hợp đồng còn lại trước khi HDTC giao nền và giấy phép xây dựng cho bà Ngọc.
Như vậy, qua 04 hợp đồng mua bán đất nền trên có thể thấy sự bất hợp lý trong giá trị pháp lý tại các lần giao dịch này. Cụ thể là tại thời điểm Công ty HDTC và bà Văn Bảo Ngọc đã ký 04 hợp đồng bán đất nền Khu đô thị An Phú - An Khánh thì Thủ tướng chưa ban hành các Quyết định phê duyệt đầu tư hạ tầng cơ sở dự án, và Quyết định gia đất cho HDTC thực hiện dự án.
Thông tin bổ sung là tại thời điểm ký hợp đồng mua nền đất (24/9/1998), bà Ngọc khi đó chưa đủ 18 tuổi. Đồng thời, người ký tên trong hợp đồng lại là bà Nguyễn Thị Hạnh - mẹ bà Ngọc.
Người mua đất nền là ai?
Theo tìm hiểu của phóng viên, bà Văn Bảo Ngọc - cá nhân tham 04 hợp đồng mua bán đất nền khu đô thị An Phú - An Khánh chính là con gái của ông Văn Thanh Liêm, người đang Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây - một trong những doanh nghiệp liên kết của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Công ty Bia Sài Gòn Bình Tây được thành lập từ năm 2005, đến ngày 09/07/2018 Công ty CP Bia Sài Gòn - Phủ Lý và Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Ninh Thuận chính thức sáp nhập vào Công ty CP Bia Sài Gòn Bình Tây.
Và ngày 14/08/2018 Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Bình Tây chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (SABIBECO GROUP) với 5 nhà máy thành viên với tổng công suất sản xuất đạt 520 triệu lít bia/năm, gồm: Nhà máy Bia Sài Gòn - Hoàng Quỳnh (Quận Bình Tân - TPHCM), Nhà máy Bia Sài Gòn - Bình Dương (Thị xã Dĩ An - Bình Dương). Nhà máy Bia Sài Gòn - Đồng Tháp (Thành phố Cao Lãnh - Đồng Tháp), Nhà máy Bia Sài Gòn - Ninh Thuận (Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm - Ninh Thuận), và Nhà máy Bia Sài Gòn - Phủ Lý (Thành phố Phủ Lý - Hà Nam).
Theo báo cáo tình hình đầu tư năm 2018, Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây còn liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp như: Công ty CP Bao Bì Sabeco - Sông Lam, Công ty CP Vận tải và Giao nhận Bia Sài Gòn, Công ty CP Bia Sài Gòn - Long Khánh. Điều dễ nhận thấy, tất cả các công ty liên kết trên đều do ông Văn Thanh Liêm giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT.
Ngoài ra, ông Văn Thanh Liêm cũng là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam. Tại đây, ông Liêm và các thành viên trong gia đình đã tham gia nắm giữ số lượng cổ phần nhất đinh. Trong đó, thời điểm năm 2017 ông Liêm sở hữu 182.673 cổ phần, con gái ông Liêm là bà Văn Bảo Ngọc sở hữu 1.766.660 cổ phần, vợ ông Liêm là bà Nguyễn Thị Hạnh và con trai là Văn Thảo Nguyên mỗi người sở hữu 400.000 cổ phần. Riêng cá nhân ông Văn Thảo Nguyên hiện còn là thành viên HĐQT, và Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây.