'Vaccine Covid-19 về Việt Nam chưa nhiều không phải vì thiếu tiền'

Vaccine về Việt Nam chưa nhiều "không phải vì chúng ta thiếu tiền, hay phải chờ xã hội hóa mà bởi vì nguồn cung khan hiếm", theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Gặp đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến và ủng hộ Quỹ vaccine, sáng 4/6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói nguyên tắc của Chính phủ là huy động toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia chống dịch.

Chính phủ hoan nghênh tất cả doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đóng góp, đồng hành để Việt Nam có vaccine sớm nhất, tiêm được cho nhiều người và an toàn nhất có thể, "để có miễn dịch cộng đồng sớm, quay lại cuộc sống bình thường như cộng đồng quốc tế".

Từ cuối năm 2019, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19 đã xác định nhiều khả năng nCoV còn tồn tại lâu, chỉ khi nào có vaccine hoặc thuốc đặc trị thì mới ngăn chặn được dịch bệnh này. Vì vậy Việt Nam đã đặt ra quyết tâm phải có vaccine sớm nhất.

Đầu năm 2020, Bộ Y tế được giao tiếp xúc với tất cả các công ty có tiềm năng sản xuất vaccine trên thế giới để đàm phán mua, nhập khẩu vaccine hoặc nhận chuyển giao công nghệ. Đến tháng 8/2020, Bộ Y tế đã ký hợp đồng mua vaccine của công ty Astra Zeneca. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Bộ Y tế được giao triển khai nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước.

Căn cứ vào đề nghị của Bộ Y tế, Chính phủ đã chỉ đạo tổng lực đàm phán, chuẩn bị nguồn kinh phí mua vaccine.

"Chính phủ mong muốn người dân, doanh nghiệp đóng góp công sức, trí tuệ, rồi mới đến tiền bạc vào phòng, chống dịch nói chung, việc tiếp cận nguồn vaccine nói riêng. Chính phủ thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vaccine", ông Đam nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Đình Nam

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Đình Nam

Theo Phó thủ tướng, trong lúc vaccine là giải pháp chống dịch hữu hiệu nhưng đang khan hiếm, tâm lý chung của từng người, từng doanh nghiệp, ngành nghề... đều muốn được tiêm trước. Nhưng không thể vì doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ kinh phí mua vaccine mà lấy đi cơ hội của những người chịu rủi ro nhiều hơn, cần được ưu tiên tiêm trước theo nghị quyết 21 của Chính phủ và nguyên tắc tiếp cận công bằng vaccine của Liên Hợp Quốc.

Ông cho hay nghị quyết 21 đã quy định diện ưu tiên tiêm vaccine là những người làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ thiết yếu như vận tải, hàng không, điện lực, du lịch. Bộ Y tế cần sớm cập nhật thêm nhóm rủi ro cao là công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường, các địa điểm tiếp xúc với nhiều người hay phải làm việc trong môi trường kín... Đưa các nhóm này vào diện khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình trạng sức khoẻ để đánh giá sàng lọc ban đầu, chuẩn bị cho công tác tiêm vaccine.

Thời gian tới, các doanh nghiệp, cá nhân có thể đóng góp vào chiến lược vaccine bằng nhiều phương thức khác nhau, bảo đảm sử dụng các nguồn đóng góp minh bạch. "Chính phủ không yêu cầu doanh nghiệp phải trả kinh phí tiêm vaccine cho người lao động", Phó thủ tướng nêu rõ.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần tạo mọi điều kiện để việc nhập khẩu vaccine thuận lợi, không để bất kỳ doanh nghiệp nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vaccine ngay mà lại không mua về được. Nếu vướng mắc, Bộ Y tế không tháo gỡ được thì cần trình ngay lên Chính phủ giải quyết. Những nguồn vaccine thông qua các tổ chức môi giới phải được kiểm tra kỹ trước khi đề xuất với Bộ Y tế.

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho hay tất cả vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép, dù nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam cũng vẫn được nhập khẩu.

Vaccine chưa được WHO cấp phép nhưng đã có nước chấp nhận sử dụng, thì khi có đơn vị nào tiếp cận được, Bộ Y tế sẽ cấp phép ngay theo thủ tục rút gọn, tối đa 5 ngày. "Tất cả những doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để có vaccine sớm nhất", ông Cường nói.

Tại cuộc họp, đại diện hiệp hội  doanh nghiệp da dày, thủy sản, dệt may, điện tử đều bày tỏ trông chờ vaccine để duy trì sản xuất liên tục, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đáp ứng các đơn hàng, tận dụng cơ hội phát triển.

Các thành viên Eurocham chấp nhận tự trả chi phí để tiêm cho người lao động và thành viên gia đình họ; đồng thời đề nghị minh bạch và cơ chế chia sẻ công bằng giữa các doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ vaccine.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành quy định cách ly phù hợp với các chuyên gia nước ngoài đã được tiêm vaccine.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, tổng số liều vaccine phòng Covid-19 Việt Nam đã đàm phán được là 170 triệu và từ tháng 8 sẽ tiếp tục nhập về với số lượng lớn.

Theo vnexpress.net
Lại chuyện lợi dụng quyền lực… phải trả giá nặng nhất?!

Lại chuyện lợi dụng quyền lực… phải trả giá nặng nhất?!

Những người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng quyền lực trong hai vụ án liên quan Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn gần đây cho thấy, đồng tiền, lòng tham đã làm lu mờ phẩm chất, sự liêm chính dẫn đến sa ngã trước những “viên đạn bọc đường”.
Thu hồi Bath Gel - MM Professional của Công ty Mỹ Nguyên

Thu hồi Bath Gel - MM Professional của Công ty Mỹ Nguyên

Sản phẩm Bath Gel - MM Professional (chai 35ml, số lô 19/10/2023; ngày sản xuất 19/10/2023) của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Mỹ Nguyên (Công ty Mỹ Nguyên) bị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc.
back to top