Vắc xin giảm nguy cơ tử vong vì Covid-19 tới 11 lần

Số người nhiễm Covid-19 dù đã tiêm phòng tiếp tục tăng nhưng nguy cơ tử vong của họ không cao.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa cung cấp thêm bằng chứng về hiệu quả của vắc xin Covid-19 trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và các trường hợp nhiễm bệnh dù đã tiêm chủng.

"Khi biến thể Delta lây lan ở Mỹ, dữ liệu 2 tháng qua ghi nhận, những người chưa được tiêm vắc xin có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao hơn khoảng 4,5 lần, khả năng nhập viện gấp 10 lần, nguy cơ tử vong gấp 11 lần”, Giám đốc CDC Rochelle Walensky thông tin.

Kết quả nghiên cứu mới của CDC là dấu hiệu cho thấy việc tiêm phòng tăng cường có thể trở nên cần thiết trong những tháng tới đối với nhiều người.

Vắc xin giảm nguy cơ tử vong vì Covid-19 tới 11 lần

Ảnh minh họa: Netral

Hiện nay, tỷ lệ những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn bị nhiễm bệnh đã tăng lên khi biến thể Delta phổ biến.

Các nhà khoa học từng nhận định những người được tiêm phòng đầy đủ sẽ chiếm khoảng 10% các trường hợp mắc bệnh từ cuối tháng 6 đến hết tháng 7 ở Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này là 18%. Thống kê phù hợp với sự suy giảm khả năng bảo vệ của vắc xin chống lại virus SARS-CoV-2.

Dù khả năng bảo vệ khỏi nhập viện và tử vong của vắc xin Covid-19 vẫn ở mức tương đối cao, CDC cũng công bố thêm bằng chứng về sự suy giảm hiệu quả của vắc xin ở những người Mỹ cao tuổi.

Theo dữ liệu từ hàng trăm bệnh viện và phòng khám chăm sóc khẩn cấp, hiệu quả chống nhập viện ở người từ 75 tuổi trở lên thấp hơn đáng kể so với bệnh nhân trẻ tuổi.

CDC trước đây đã báo cáo hiệu quả của vắc xin chống lại việc nhập viện dường như giảm theo thời gian trong các nhóm tuổi khác, mặc dù vẫn duy trì trên 80% cho đến tháng 7.

Kết quả mới được đưa ra khi Mỹ cho biết đang tiến hành kế hoạch triển khai các mũi tiêm nhắc lại trên toàn quốc. Các bang vẫn chờ sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và các khuyến nghị chính thức từ hội đồng chuyên gia tư vấn vắc xin của CDC.

Pfizer dự kiến là vắc xin đầu tiên nhận được sự chấp thuận của FDA cho mũi tiêm tăng cường. Việc xem xét dự kiến diễn ra vào tuần tới, trước thời điểm triển khai tiêm chính thức vào cuối tháng 9.

Các quan chức y tế Mỹ cũng hy vọng sẽ cấp phép tiêm nhắc lại cho những người nhận vắc xin của Moderna và Johnson & Johnson vào những tuần tới, trong khi chờ thêm dữ liệu từ các hãng dược. 

Với dữ liệu thu thập được ở nước ngoài, Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai các liều vắc xin bổ sung cho những người có nguy cơ cao.

Các quan chức y tế Israel đã thông báo cho Mỹ về kết quả chương trình tiêm tăng cường của họ.

"Israel là một hiện tượng rất thú vị để quan sát, bởi họ dường như đi trước trong mọi phản ứng với đại dịch, bao gồm cả việc sử dụng vắc xin", Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, nói.

Theo các nhà khoa học của Đại học Yale, việc triển khai tiêm vắc xin tăng cường sớm có thể giảm tỷ lệ nhiễm bệnh lên đến 68%.

An Yên (Theo CBS)

Theo vietnamnet.vn
back to top