Chiều 23/3, tại phiên họp thứ 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý về dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu.
Thay mặt Chính phủ báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường.
Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng một lít; dầu diesel, dầu mazut, mỡ nhờn là 1.000 đồng một lít, kg. Riêng mức giảm thuế với dầu hoả là 70% so với mức thuế hiện hành, về còn 300 đồng một lít.
Thời gian giảm loại thuế này bắt đầu từ 1/4/2022 đến 31/12/2022. Sau thời điểm này, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ quay về mức đang áp dụng, là 3.800 - 4.000 đồng với xăng, 2.000 đồng một lít với dầu.
Thống nhất với mức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu theo đề xuất của Chính phủ, nhưng Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ các căn cứ để xác định và đề xuất mức giảm đều 50% đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Cụ thể, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho biết, giá dầu trên thế giới hiện nay giảm mạnh từ 20 - 30 USD/thùng so với thời điểm Chính phủ dự thảo Tờ trình (giữa tháng/3/20222), do đó mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu cần được cân nhắc lại một cách có cơ sở.
Theo đó, Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng nên giảm đối với mặt hàng xăng xuống mức 2.500đ/lít, tương đương giảm gần 38% so với mức hiện hành; các mặt hàng dầu (dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn) giảm 50%; dầu hỏa giảm 70% so với mức hiện hành.
Thậm chí có ý kiến cho rằng, giá dầu thô biến động lớn, khó lường nên xây dựng phương án giảm thuế bảo vệ môi trường theo mức biến động của giá dầu thô để bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, cân đối ngân sách nhà nước.
Cụ thể, giá dầu thô < 80USD/thùng giữ mức thuế như quy định hiện hành; giá dầu thô từ 80USD - 130USD/thùng có thể giảm 1.000đ/lít đối với xăng, các mặt hàng khác giảm tương ứng (giảm 25% so với hiện hành); giá dầu thô từ 130USD/thùng trở lên thì giảm 1.500đ - 2.000đ/lít (tương đương giảm 38%-50% so với hiện hành).
Cũng có ý kiến cho rằng giảm thuế bảo vệ môi trường không phù hợp với bản chất và nguyên tắc tính thuế của thuế bảo vệ môi trường, không bảo đảm tính công bằng đối với các đối tượng đang chịu thuế. Việc giảm thuế này cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, dễ tạo ra dư luận cho rằng Việt Nam không hướng đến mục tiêu giảm tác động có hại đến môi trường.
Do đó, thay vì giảm thuế bảo vệ môi trường, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ nên đề xuất điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để bình ổn giá các mặt hàng xăng dầu.