Theo đại diện Bộ Công Thương, do dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nước ta, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã có động thái siết chặt quy trình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu dẫn tới tình trạng ùn ứ hàng hóa nghiêm trọng.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm với các cơ quan phía Trung Quốc để đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt –Trung cũng như trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương.
Đầu tháng 12, Bộ trưởng Bộ Công Thương một lần nữa có thư gửi tới các đối tác phía Trung Quốc (Bộ trưởng Thương mại, Tổng cục trưởng hải quan, Bí thư Quảng Tây) đề nghị các giải pháp cụ thể tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới.
Tuy nhiên, đến nay, tình trạng xe container ùn ứ tại cửa khẩu Móng Cái chờ xuất hàng sang Trung Quốc vẫn xảy ra nghiêm trọng. Chủ xe phải bù lỗ cả triệu đồng mỗi ngày để chạy máy lạnh bảo quản hàng hóa và trả chi phí cho lái xe.
Trước đó, tại các cửa khẩu Lạng Sơn tình trạng ùn ứ nghiêm trọng cũng đã xảy ra. Bộ Công Thương đã gửi khuyến cáo doanh nghiệp tìm giải pháp khắc phục.
TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL cho rằng: "Câu chuyện ùn ứ, mắc kẹt hàng hóa tại các cửa khẩu với Trung Quốc vốn không có gì mới, và nó đã xảy ra thường xuyên và nhiều năm qua. Nếu để ý sẽ thấy, cứ vào dịp gần Tết Nguyên đán, khi vào vụ thu hoạch, hoặc khi nước bạn chuyển trạng thái đóng mở thông quan thì chúng ta luôn luôn nằm trong thế bị động".
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc mà chưa chuẩn bị tâm thế để tìm hiểu thị trường này cũng như về nhu cầu, xu hướng và đặc tính tiêu dùng của thị trường thì rất khó thành công.
Hiện nay nông sản Việt chỉ mới bán qua cửa khẩu biên giới Trung Quốc, trong khi nông sản Thái Lan đã thâm nhập sâu vào nội địa. Việt Nam cần phải giải quyết vấn đề này…