Hình minh họa.
Dốc ý cầu người tài
Có hai hình thức tiến cử là được tiến cử và tự tiến cử. Đầu triều Lê Sơ, việc tiến cử giới thiệu người hiền tài rất được đề cao và đã trở thành trách nhiệm mà các chức quan từ tam phẩm trở lên, mỗi người phải tiến cử một người ở trong triều hay ngoài thôn dã, đã làm quan hay chưa làm quan.
Đến thời vua Lê Thánh Tông, chủ trương này trở thành chế độ của nhà nước, bên cạnh chế độ khoa cử đã rất phát triển và hoàn thiện.
Chiếu chỉ năm 1463 của vua Lê Thánh Tông viết: “Ta lưu tâm việc trị nước, dốc ý việc cầu tài, thường nghĩ những người tài làm được việc còn bị khuất ở hàng dưới, chìm lấp ở thôn quê, nên tìm hỏi người giỏi, mơ tưởng không quên”.
Năm 1467, vua Lê Thánh Tông ra sắc chỉ “các nha môn chọn các lại viên xuất thân nho học để bổ các chức, đều cho quan phụ trách công bằng xem xét mà tiến cử” và “sai triều thần tiến cử chức quan huyện cương trực biết trị kẻ gian tà, mỗi người cử một viên”.
Người tiến cử phải lấy tước vị, phẩm hàm của mình để đảm bảo rằng người được tiến cử là có tài năng, xứng đáng với chức vụ được giao và phải chịu trách nhiệm về sự tiến cử đó.
Nhà vua quy định rõ ràng: “Lục bộ, Lục khoa và Ngự sử đài mà tiến cử bậy thì chịu tội giáng hay bãi chức. Nếu tiến cử được người giỏi thì nhất định sẽ được trọng thưởng”.
Đến năm 1483, tư tưởng này được đưa vào Quốc triều hình luật: “Những người làm nhiệm vụ cử người mà không cử được người giỏi thì bị biếm hoặc bị phạt theo luật nặng nhẹ; nếu vì tình riêng hoặc vì ăn tiền mà tiến cử thì xử nặng thêm hai bậc”.
Mặt khác, vua Lê Thánh Tông đã phê phán các quan không thực thi chính sách tiến cử là “bọn bịt đường của bậc hiền tài, khơi nguồn cho kẻ cầu may”.
Tự tiến cử
Hình thức ít được áp dụng hơn là tự tiến cử, thường xuất hiện trong tình trạng đất nước có chiến tranh hoặc xã hội có những biến động lớn về chính trị – xã hội.
Các nhân vật tự tiến cử thường là những nhân tài ẩn cư trong dân gian. Lịch sử chứng kiến sự xuất hiện của những nhân tài như Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, Đào Duy Từ,… là những vị đại thần có công với nước đã gia nhập nghiệp quan trường bằng con đường này.
Chế độ tiến cử đã giúp các triều đại bổ sung một lượng không nhiều quan lại, nhưng thực tế cho thấy, các quan lại được bổ dụng thông qua chế độ này thường có tài năng xuất chúng và có cống hiến lớn lao cho các triều đại mà họ phục vụ. Quan trọng hơn, chế độ tiến cử quan lại đã nuôi dưỡng trong dân chúng một niềm tin người hiền tài thật sự trong xã hội sẽ không bị bỏ sót.
Con đường thứ ba vào quan trường bằng chế độ tập ấm và nhiệm tử. Chế độ phong kiến, ngôi vua là cha truyền con nối nên dẫn đến trong việc tuyển quanlại có thể lệ tập ấm, con cái quan lại thì có suất để được bổ nhiệm làm quan, mà không phải qua thi cử.
Điều này được ghi trong “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh. Chế độ tập ấm ở Việt Nam thời phong kiến chỉ có tính chất như một phần thưởng để động viên quan lại, chứ không phải nguồn chính để tuyển dụng người vào bộ máy nhà nước.
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu