Từ vụ Asanzo, cần phân định hàng “made in Vietnam’

(khoahocdoisong.vn) - Liên quan đến thông tin sản phẩm điện tử của Tập đoàn Asanzo là hàng Trung Quốc đội “lốt” Việt Nam, CEO Asanzo, ông Phạm Văn Tam, khẳng định hàng Asanzo là hàng Việt Nam theo đúng luật, nhưng từ đây cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc xác định thế nào là sản phẩm “xuất xứ Việt Nam”?!

Chuyện thương hiệu

Cụ thể, trả lời báo chí, ông Phạm Văn Tam khẳng định, smartphone và tivi của Asanzo gắn mác ‘made in Vietnam’ là không sai, bởi chúng được lắp ráp, đóng gói thành phẩm, dán bao bì và tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam, có dịch vụ bảo hành – bảo trì tại Việt Nam. Và nếu tính trên hóa đơn, giá trị tỉ lệ linh kiện nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm như tivi của Asanzo đạt từ 60-70%, còn lại khoảng 30-40% là sản xuất nội địa. Asanzo tự lắp ráp rồi có các nhà cung cấp Việt Nam tham gia nên ghi xuất xứ Việt Nam.

Ông Tam cũng nói thêm: “Tôi chưa bao giờ thấy có công văn theo kiểu: công ty nào đó phải sản xuất/nhập bao nhiêu linh kiện thì mới được ghi ‘made in Vietnam’. Nhà nước cũng chưa bao giờ có quy định là sử dụng 60% hay 70% linh kiện nước ngoài là không được ghi ‘made in Vietnam". 

CEO Asanzo cũng dẫn ví dụ,  Apple là công ty thương hiệu chứ không phải là nhà sản xuất. Apple vẽ ra các bản thiết kế, quy chuẩn, hệ điều hành và thuê các công ty bên thứ 3 làm gia công. Các công ty này thực hiện nhưng vẫn đóng dấu Apple. Hoặc như Xiaomi - một hãng công nghệ nối tiếng của Trung Quốc - cũng chỉ thuê gia công, chứ không trực tiếp sản xuất điện thoại. 

Thực tế, hiện hầu hết sản phẩm, đặc biệt sản phẩm công nghệ - kể cả là sản phẩm có thương hiệu cao cấp - của rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đều được gia công ở nước khác. Các hãng sở hữu thương hiệu chỉ chịu trách nhiệm kiểm định  và đứng tên bảo hành chất lượng sản phẩm. Ngay tại Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp như Sunhouse, Kangaroo, Karofi, Korihome... đều quảng cáo là “hàng Việt Nam”, tuy nhiên thực tế các doanh nghiệp này đều nhập linh kiện một phần, hay toàn bộ, rồi sau đó về Việt Nam lắp ráp lại.

Một doanh nhân giấu tên cho hay, hiện “rất rất nhiều” doanh nghiệp Việt Nam đang làm thương hiệu theo cách trên. Thường doanh nghiệp sẽ đăng ký sản xuất rất nhiều mặt hàng, nhưng thực tế chỉ sản xuất vài mặt hàng, còn lại là nhập. Tất nhiên, các doanh nghiệp này vẫn luôn quảng cáo sản phẩm đạt tiêu chuẩn của chủ sở hữu thương hiệu. Đây chỉ là thủ thuật marketing khi bán hàng, doanh nhân nêu trên nói.

Nhưng với Asanzo, doanh nghiệp này bị cáo buộc đã "cố tình xé tem nhãn Trung Quốc" hoặc dán đè lên tem xuất xứ Trung Quốc, thể hiện việc cố tình che dấu, lừa dối khách hàng về xuất xứ các linh kiện trong sản phẩm. Và đó là hành vi lừa dối người tiêu dùng có chủ ý.  Asanzo sẽ không bị bắt lỗi nếu để nguyên tem nhãn Trung Quốc trên các linh kiện và chỉ dán nhãn ở ngoài vỏ là "Assembled in Vietnam" (lắp ráp ở Việt Nam) - doanh nhân này nói.

Vấn đề đặt ra, các doanh nghiệp (như Asanzo) hiện đểu có thể ghi nhãn hàng hóa là "Made in Vietnam", dù hàm lượng chi tiết, linh kiện sản xuất ở Việt Nam rất thấp và cũng không rõ là thành phần nào, có tính công nghệ hay không... Điều đó cho thấy quy định thế nào là "Made in Vietnam hiện đang rất thiếu rõ ràng. Và đó là nguy cơ thiệt hại tiềm tàng với hàng hóa "Made in Vietnam", khi thiếu các tiêu thức để phân biệt, định danh như là xuất xứ từ một quốc gia có hàng hóa có chất lượng cao.

Và quản thương hiệu

Thực tế, hiện rất khó có thể nói một sản phẩm làm ra chỉ do một đơn vị, một quốc gia sản xuất từ A đến Z. Việc các doanh nghiệp nhập linh kiện, nguyên liệu từ nhiều nước - trong đó có Trung Quốc - để sản xuất sản phẩm và bán là không sai. Còn theo quy định, doanh nghiệp đăng ký thương hiệu trên lãnh thổ Việt Nam và được Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận thì đó là thương hiệu Việt, và được bảo hộ. Tuy nhiên, nếu nhập hàng nguyên chiếc, dán nhãn “made in Vietnam” để bán là sai phạm.

Nhưng điểm khó hiện nay là chưa có định nghĩa rõ ràng nào về xuất xứ hàng hóa tiêu thụ nội địa. Hiện các quy định chính về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam gồm Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8.3.2018 của Chính phủ và Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 03.4.2018 của Bộ Công Thương về xuất xứ hàng hóa.

Các quy định này nêu khái niệm "hàng hóa có xuất xứ không thuần túy" và định nghĩa "tỷ lệ phần trăm giá trị” không thấp hơn từ 30% trở lên thì hàng hóa đó được coi là có xuất xứ Việt Nam. Nhưng cả Nghị định 31 và Thông tư 05 đều chỉ áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu ra khỏi Việt Nam. Chưa có quy định lấy các tiêu chí của Thông tư 05 để coi đó là "hàng Việt Nam" hay hàng "sản xuất tại Việt Nam".

Việc thiếu quy định rõ ràng về tỷ lệ sản xuất, chế biến ở Việt Nam, chiếm bao nhiêu phần trăm trong giá trị sản phẩm, nên doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước sẽ rất lúng túng khi không biết phân định một sản phẩm có phải là "hàng Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam". 

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho biết, xuất xứ hàng hoá định nghĩa cụ thể tại Điều 3.14 của Luật Thương mại năm 2015 với 2 ý là nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất toàn bộ hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản mà không đề cập đến lắp ráp.

Ông Đức đề nghị, cần quy định thế nào là sản xuất, lắp ráp trường hợp nào mới xuất xứ nguồn gốc tỷ lệ bao nhiêu, không nói chung chung. Và từng sản phẩm khác nhau cần có quy định cụ thể, ô tô sẽ khác một cái xe đạp, hay một chiếc ti vi.

Tiêu chí hàng “made in Vietnam” nên phải đáp ứng 2 tiêu chí là hàm lượng giá trị phải quá 50%, hoặc không có sản phẩm tương tự của nhà sản xuất khác mà phải tập hợp nhiều thứ, lắp ráp tạo ra một sản phẩm mới, không thể y chang như một sản phẩm đã hoàn chỉnh hay gần hoàn chỉnh, ông Đức gợi ý.

Còn nếu chưa có quy định rõ ràng, các doanh nghiệp gian dối vẫn có thể lợi dụng sự chưa rõ ràng đó để tự khoác lên mình chiếc áo hàng Việt để làm các chiêu trò marketing. Điều này, trực tiếp sẽn gây ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty sản xuất chân chính tại Việt Nam.

Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao bà Vũ Kim Hạnh thừa nhận, vụ việc của Asanzo đã gây hoang mang cho những doanh nghiệp chân chính, vì hiện nay có không tí các doanh nghiệp hành xử như Asanzo nhưng qui mô nhỏ hơn, ít truyền thông ồn ào táo bạo hơn nên chưa được phát hiện.

Mới đây, dù chưa có kết luận điều tra, nhưng Hội đã quyết định tước quyền sử dụng nhãn hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao với Asanzo, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn tử tế.

Theo Đời sống
Thực hư bọ biển siêu rẻ

Thực hư bọ biển siêu rẻ

Có phần thịt được đánh giá là ngon hơn tôm hùm nên bọ biển là một trong những loại hải sản có giá hàng triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây, bọ biển được bán khắp trên chợ hải sản online với giá rẻ chưa từng thấy.
back to top