PGS. TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện các đơn vị chức năng đang xét nghiệm nhiều mẫu thử để có căn cứ khoa học mới đưa ra kết luận chính thức.
TS. Đỗ Duy Cường cho biết, có 8 bệnh nhân là họ hàng trong gia đình được chuyển lên từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tối ngày 5/5.
Sau 2 ngày điều trị, sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định và đều được ra viện vào chiều ngày 7/5. Điểm chung của các bệnh nhân là cùng ăn tiết canh dê tại một bữa cỗ chuẩn bị đám cưới của người trong họ.
"Chúng tôi đợi kết quả khẳng định vi sinh vật trong 1-2 ngày tới, tuy nhiên nhiều khả năng không phải là do liên cầu lợn có trong tiết canh" – PGS Cường cho biết.
Bệnh nhân ngộ độc sau ăn cỗ điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình |
Như KH&ĐS đưa tin trước đó, qua lời kể của gia đình các bệnh nhân, trưa ngày 1/5, gia đình có ăn tiết canh dê (dê giết mổ tại Ninh Bình, chuyển tiết và thịt dê ra), nhân tiết canh là tai, gan, cuống họng lợn đã luộc chín, ngoài ra có các món giò pha bì, gà rang, tôm kho, canh cua, cà. Bữa cỗ có 20 mâm, khoảng 120 người cùng ăn.
Đến ngày 4/5, ông P.T.T, SN 1957, người ăn bữa cỗ, có biểu hiện sốt nhẹ, ho, khó thở, đau tức 2 cạnh sườn, đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình lúc 16h ngày 4/5. Đến 20h cùng ngày, diễn biến bệnh nặng hơn, bệnh nhân được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị và tử vong sáng ngày 5/5 với chẩn đoán là nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, ngừng tuần hoàn và gout.
Theo lời kể của con trai ông T., ông bị gout 2 năm nay, chưa có biến chứng. 10 ngày trước khi ăn cỗ, ông có vết thương ở ngón chân cái (không rõ chân nào), mưng mủ, sau đó ông húng hắng ho, đau tức 2 bên sườn và khó thở nhẹ.
Báo cáo của TTYT TP Thái Bình cho thấy, 9 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Thái Bình đã xin xuất viện và về y tế cơ sở tiếp tục theo dõi.