Một mẫu xe của VinFast.
Đơn giản như thể lòng lợn tiết canh
Với tôi, ô tô từ vi mô đến vĩ mô đều đơn giản như thể lòng lợn tiết canh. Vậy nên tôi mới dừng tay rượu nút lá chuối, làm ấm trà bồm, xuống phím bàn về vụ này. Ngõ hầu cấp cho anh chị em tý thông tin hay chất liệu mà cãi nhau.
Để trả lời câu hỏi, sau 2 năm VinFast có ra dc xe không, chúng ta phải có cái nhìn tổng quan về ngành ô tô thế giới.
Thông thường để ra một mẫu xe mới tinh, từ động cơ, hộp số đến gầm bệ body, các hãng xe sẽ tiêu tốn từ 600 triệu – 1,5 tỷ USD trong khoảng thời gian tối thiểu 4 năm.
Do giá thành làm xe quá cao mà lợi nhuận mỗi ngày một giảm (năm 2016, ở top 5, Hyundai lãi 755USD/xe, Ford, GM loanh quanh trên dưới 1 triệu USD/xe; vô địch là Toyota cũng chỉ trên 2k/xe) nên các hãng bắt buộc phải tối ưu, tăng số lượng xe sản xuất để giảm chi phí R&D trên mỗi đầu xe.
Con số để có thể mang lại lợi nhuận cho bất kể mẫu xe nào là 500.000 xe/năm. Nhưng doanh số 500 ngàn – 1 triệu xe/năm là bài toán quá khó cho các nhà sản xuất.
Khó vì 5 người 10 ý, không thể làm ra cái xe hoàn hảo triệu người thích trong một thị trường được.
Các mẫu xem của VinFast đều rất bắt mắt.
Phát kiến của ông Tây và sự kinh hãi của ông vua
Rất may, các ông tây đã giải quyết vấn đề này từ ngày vua chúng mình còn kinh hãi nhìn thấy cái đèn dầu lộn ngược của Edison. Đó là phát kiến của GM vào năm 1906 hay 1908 gì đấy.
Giải pháp của GM là đưa ra một thiết kế gầm bệ cơ bản để có thể sử dụng cho nhiều kiểu/loại xe khác nhau. Đó gọi là platform. Từ một platform có thể làm ra đủ kiểu xe, từ sedan đến hatchback, từ coupe cho đến CUV.
Ví dụ, chiếc Toyota RAV4, Corolla Altis và Lexus NX nhìn chả liên quan tới nhau, nhưng thực chất lại dùng chung cơ sở gầm bệ máy móc a.k.a platform. Việc sử dụng một nền tảng chung cho các mẫu xe khác nhau ta gọi là Platform Sharing.
Platform Sharing không chỉ ở các mác xe bình dân như Toyota, Ford, GM… mà nó được áp dụng cho tất cả các ông sản xuất ô tô muốn tồn tại.
Từ đỉnh cao Rolls Royce bạn sẽ thấy lấp ló phía sau là platform và động cơ của BMW Series 7; dưới Maybach 57, 62 sẽ là platform và động cơ của Mer S.
Đôi khi lại tréo ngoe kiểu bọn xe giá rẻ như VW Tiguan lại xài chung platform với Audi Q5 và Porsche Macan.
Chia sẻ nền tảng để giảm chi phí.
Năm 2016, lượng xe bán ra trên toàn thế giới là gần 89 triệu xe. Top 10 platform của các anh tài top 5 thế giới như Toyota, GM, VW, Hyundai, PSA… đã chiếm gần 30 triệu xe. Tức là số platform của cả ngành ô tô chỉ loanh quanh dưới 100 cái. Xu hướng chung của ngành công nghiệp ô tô thế giới là tiếp tục cắt giảm số platform và gia tăng các biến thể thì mới đong xèng được.
Thân trâu ngựa chúng em kính mời
Điều này có ý nghĩa gì với ước mơ ô tô của người Việt – như bác Huyên Vinaxuki, như anh Vượng?
Đơn giản là nếu anh có tiền và một bản dự án thuyết phục, các ông lớn sẽ trải thảm đỏ cung kính: “Thân trâu ngựa chúng em kính mời anh Huyên, anh Vượng review platform của chúng em ạ” chứ còn gì.
Tiếc rằng bác Huyên đã không xem đây là cơ hội. Bác hì hụi đi đổ khuôn đúc dập thân xe để build platform của riêng nhà bác.
Trong khi ở tầm CEO ô tô, cái bác nên nghĩ về xe điện ắc-quy hay xe điện chạy hydro, về Kết nối và Số hóa, về Chiến lược Platform Sharing.
Chưa kể những tác động xã hội khác – mà tôi tin rằng bác Huyên sẽ cho rằng chuyện giời ơi, như chuyện các nhà sản xuất ô tô sẽ làm gì (cạnh tranh hay làm thuê) khi Tesla hay các tay chơi ICT (Google, Apple…) nhảy vào thị trường.
Chưa kể đến các thuật ngữ mới toe như MaaS (Mobility As A Service) – tác động của economy sharing như Uber, Grab sẽ tác động tới quyết định sở hữu xe của người dùng trẻ…
Còn anh Vượng đương nhiên sẽ nắm lấy cơ hội. Và ở thời điểm lơi tay phím, nhấp chén trà bồm này, tôi vô cùng khoan khoái tưởng tượng ra cảnh các anh GM, BMW, Ford, VW… đang ra sức thuyết phục anh tôi.
Sau 2 năm VinFast có ra được xe không?
Định thôi, chợt nhớ là vẫn chưa trả lời câu hỏi: “Sau 2 năm VinFast có ra được xe không?”. Câu trả lời là đương nhiên sẽ ra được.
Tôi đã từng trả nói rằng: “Việc có một thương hiệu ô tô Việt hay không phụ thụ thuộc vào định nghĩa thế nào là ô tô Việt. Nếu khăng khăng phải làm từ A tới gần Z như anh Huyên Vinaxuki mới gọi là ô tô Việt, thì Việt Nam sẽ không bao giờ có thương hiệu ô tô.
Còn xem thương hiệu ô tô như thế giới đang làm – đóng góp chỉ 20, 30% giá trị xe, ngang bằng bọn cung cấp thiết bị điện và điện tử trên xe hơi, VinFast sẽ làm được”.
Liệu sau 2 năm, VinFast có ra được ô tô?
Bốc nguyên một con xe và gắn logo VinFast
Đó là về thương hiệu. Còn về sản xuất, anh Vượng có tùy chọn từ dễ nhất là bốc nguyên một con xe và gắn logo VinFast, gọi là Rebadge Engineering.
Cho đến giả tiền cho GM, BMW, Ford để lấy một platform phù hợp với chiến lược của anh – Platform Sharing.
Giả tiền thiết kế cho Pininfarina hay ItalDesign rồi ném cả cho EDAG, ThyssenKrup, Magna Steyr đi mà phát triển, test các kiểu chứ anh hơi đâu mà làm.
Chỉ đến khi ra thành phẩm anh mới cần tính toán dập vỏ hay gia công block máy hay làm chắn bùn… để đạt con số % nội địa cam kết.
Cả hai thái cực trên đều là chuyện bình thường trong ngành ô tô thế giới. Ví dụ, lấy con Camry ra lắp thêm một số option, thay đổi đèn pha, đèn hậu… vậy là có một con Lexus ES.
Đem con Ford Ranger ra úm ba la phát là có Mazda BT50. Lấy con Hyundai Santa Fe ra bẻ cho nét cứng lại thế là có Kia Sorento.
Việc chính của các bạn phát triển sản phẩm trong trường hợp này là xem tập khách hàng của mình muốn gì thì sửa theo đó.
VinFast sẽ chọn hướng đi nào để cho ra “ô tô Việt”?
Nếu gấp quá, anh Vượng sẽ làm Rebadge Engineering. Thư thả sẽ làm Platform Sharing. Các bạn cũng đừng vội chê rằng làm thế ai chả làm được. Đến như Mer khi làm Maybach tiêu “mả tiền” chả ăn thua, tức mình dán logo Maybach vào Mer S600 lại bán chạy như tôm tươi.
Thôi, chúng mình cứ khề khà lòng lợn, rượu nút lá chuối thôi. Chuyện ô tô để anh tôi lo!
Hải Kar