Từ tháng 7-2022, công chức không được hưởng thu nhập ngoài lương

Nghị quyết 27/2018 của Bộ Chính trị hướng đến khoán quỹ lương; bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có nguồn gốc từ ngân sách.

Theo Nghị quyết 27/2018 của Bộ Chính trị về cải cách chính sách tiền lương được thực hiện từ tháng 7-2022, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ được trả theo vị trí việc làm.

Cách tính lương theo lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay sẽ bị bãi bỏ, thay vào đó là các bảng lương mới phản ánh đúng năng lực và khả năng đáp ứng công việc của cán bộ, công chức, viên chức…

Nhận lương theo chất lượng công việc

Về tinh thần cải cách tiền lương tại Nghị quyết 27, TS Đoàn Thị Phương Diệp, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, nhận định: Nghị quyết 27 sẽ mang lại những cải tiến về tiền lương mạnh mẽ trong khu vực nhà nước.

Từ tháng 7-2022, công chức không được hưởng thu nhập ngoài lương - ảnh 1
Cán bộ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận tiếp nhận
và trả kết quả khu vực 3, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Hiện tại, việc trả lương cho người làm việc tại các doanh nghiệp (DN), tổ chức ngoài nhà nước và việc trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có sự khác nhau. Cụ thể là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được trả lương trên cơ sở ngạch, bậc được quy định trong các bảng lương do Nhà nước quy định.

Trong khi đó, ở khu vực ngoài nhà nước, tiền lương trả cho người lao động theo thang, bảng lương do DN xây dựng trên cơ sở thỏa thuận dựa vào năng lực, yêu cầu và mức độ đáp ứng công việc của người lao động cũng như mức độ phức tạp của công việc/nghề nghiệp.

Theo Nghị quyết 27, cơ cấu tiền lương mới của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tính toán với 70% tổng quỹ lương là lương cơ bản, 30% tổng quỹ lương là các khoản phụ cấp và bổ sung tiền thưởng.

Đặc biệt, lương được trả không theo thâm niên mà theo chất lượng lao động và công việc sẽ giúp cho cơ cấu tiền lương khu vực nhà nước gần hơn với khu vực ngoài nhà nước.

“Đây là một chủ trương đúng đắn trong bối cảnh hiện đại hóa bộ máy nhà nước như hiện nay. Cách tính lương mới này sẽ kích thích cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sáng tạo, nỗ lực nhiều hơn cho công việc, vì có đạt được kết quả tốt thì thu nhập mới cao” - TS Phương Diệp nhận xét.

Lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu
của người lao động

Theo Nghị quyết 27, mức lương tối thiểu vùng phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Mức lương tối thiểu vùng dựa vào mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội (cung - cầu lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, việc làm, thất nghiệp, khả năng chi trả của DN...).

Các DN (kể cả DN 100% vốn nhà nước) được tự quyết chính sách tiền lương và trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố.

Cần giao quyền tự quyết cho đơn vị công lập

Nghị quyết 27 cũng hướng đến thực hiện khoán quỹ lương gắn với mục tiêu tinh giản biên chế cho các cơ quan, đơn vị; đồng thời bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có nguồn gốc từ ngân sách như tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo...

Về vấn đề này, TS Đoàn Thị Phương Diệp cho rằng hiện nay không ít đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ đã không còn chi các khoản tiền bồi dưỡng họp, hội thảo…

Theo TS Phương Diệp, Nghị quyết 27 nêu khá rõ là sẽ giao khoán quỹ lương cho cơ quan, đơn vị chi trả. Do đó, để việc chi trả đạt hiệu quả thì nên trao quyền tự quyết cho đơn vị công lập chưa tự chủ.

Mặt khác, TS Diệp cũng cho rằng việc bỏ các khoản chi ngoài lương cần phải cân đối với sự tăng lên tương xứng của tiền lương để đáp ứng được nhu cầu đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Nếu không cân nhắc và tính toán thỏa đáng thì sẽ làm xuất hiện tình trạng chảy nhân lực từ khu vực nhà nước sang khu vực ngoài nhà nước.

Không có công chức loại 1, 2, 3 từ tháng 7-2022

Chiều 17-8, trong phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh dứt khoát cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2022 vì lương là một nội dung để kích thích kinh tế, đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Nghị quyết của trung ương đã khẳng định khi thực hiện cải cách tiền lương thì tất cả cơ chế đặc thù phải được bãi bỏ, không thể có công chức loại 1, loại 2, loại 3 nữa.

Về vấn đề dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến nguồn tài chính để cải cách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Quyết tâm vẫn làm được vì vẫn còn nguồn dư cho cải cách tiền lương”.

Đồng thời, theo Nghị quyết Kế hoạch tài chính và vay trả nợ năm năm (2021-2025), Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để tăng lương hưu, lương cơ sở từ ngày 1-7-2022. (Theo TTXVN)

Theo plo.vn
Lại chuyện lợi dụng quyền lực… phải trả giá nặng nhất?!

Lại chuyện lợi dụng quyền lực… phải trả giá nặng nhất?!

Những người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng quyền lực trong hai vụ án liên quan Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn gần đây cho thấy, đồng tiền, lòng tham đã làm lu mờ phẩm chất, sự liêm chính dẫn đến sa ngã trước những “viên đạn bọc đường”.
Thu hồi Bath Gel - MM Professional của Công ty Mỹ Nguyên

Thu hồi Bath Gel - MM Professional của Công ty Mỹ Nguyên

Sản phẩm Bath Gel - MM Professional (chai 35ml, số lô 19/10/2023; ngày sản xuất 19/10/2023) của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Mỹ Nguyên (Công ty Mỹ Nguyên) bị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc.
back to top