Ở tuổi 72 bà Dinh vẫn tràn đầy năng lượng. Dù yêu và say nghề nhưng bà vẫn dành thời gian vào bếp nấu ăn. Ba thế hệ chung sống trong một nhà luôn đầy ắp tiếng cười.
Nỗi sợ biến mất trước mạng sống của bệnh nhân
PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Xuất thân trong gia đình cách mạng, nên từ bé bà được rèn giũa, học ra học, chơi ra chơi.
Năm 1966, tốt nghiệp cấp 3, với bản tính thích phiêu lưu, cô bé Dinh đăng ký đại học nghiêng về ngành nghề được đi đây đi đó, khám phá rừng rú. Tuy nhiên, gia đình lại khuyên cô theo học sư phạm hoặc y. Chiều theo bố mẹ, cô đã đăng ký 2 nguyện vọng đó, nhưng không ngờ, do điểm thi rất cao nên Bộ GD xét cho cô vào ngành y, học ĐH Y Hà Nội.
Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, đỗ đại học Y, cô tân sinh viên Dinh lên Bắc Thái học và sơ tán. Cùng lúc đó cô quyết định vào quân đội và chuyển sang Đại học Quân y.
Tốt nghiệp Đại học Quân y với tấm bằng giỏi, bà Dinh được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường và làm bác sĩ tại BV 103, từ đây con đường trở thành bác sĩ trải dài. Bà Dinh được cử đi học sau đại học chuyên khoa I về tai mũi họng. Lúc đi học bà sợ nhìn thấy máu, mủ, cứ nhìn là nôn nao, khó chịu. Vì phải thực hành nhiều, tiếp xúc nhiều bệnh nhân, bà thấy họ mắc bệnh mà không biết làm cách nào trong khi mình có kiến thức, có tay nghề, mình hoàn toàn có thể làm dịu nỗi đau cho họ, thậm chí chữa cho họ khỏi bệnh, vậy tại sao mình không chữa?
Sau mỗi ca bệnh thành công, cảm giác yêu thương, hạnh phúc tràn về lấn át nỗi sợ, những cơn nôn nao dần biến mất. Đứng trước một ca bệnh, trong bà chỉ còn sự tập trung, tinh thần thép, quyết giữ mạng sống cho người bệnh.
Những năm 80 bà Dinh đã được cử sang CHDC Đức học, làm thực tập sinh. Năm 1989 bà tiếp tục trở lại Đức bảo vệ luận án tiến sĩ về thính học. Về nước bà được phân làm chủ nhiệm khoa Tai mũi họng BV 103, giảng viên Học viện Quân y. Với kiến thức tu nghiệp được, bà hoàn thành nhiều đề tài của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, mổ xẻ nhiều ca khó. Năm 2003 Bộ Y tế phân công bà về làm GĐ Viện Tai mũi họng TƯ, đưa bệnh viện trở thành BV hàng đầu điều trị tai mũi họng của cả nước.
Lúc đi học bà sợ nhìn thấy máu, mủ, cứ nhìn là nôn nao, khó chịu, nhưng sau mỗi ca bệnh thành công, cảm giác yêu thương, hạnh phúc tràn về lấn át nỗi sợ.
Nhớ như in ca tự mổ sau khi gây tê bệnh nhân thứ 50
Bà tâm sự: “Làm nghề y, lại làm lãnh đạo có cái khó, nếu tay nghề không cao, kiến thức không sâu thì anh em không phục, vì vậy được đi học nước ngoài nhiều lần là một lợi thế. Thời gian tôi học ở Đức là quãng thời gian quý báu tích lũy nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm để chữa các ca khó sau này”. Phẫu thuật polyp dây thanh là phẫu thuật khó, hồi đó trong nước chưa làm được. Để phẫu thuật phải nhìn qua gương, bệnh nhân ngồi mổ chứ không nằm như bây giờ. Thứ 6 hàng tuần bà đến BV ở Đức chỉ để học mỗi kỹ thuật gây tê và không ai dạy cho phẫu thuật. Đếm từng ca gây tê, đến đúng ca thứ 50 thì thầy giáo đưa dụng cụ cho làm. “Lo quá, suốt thời gian dài họ có dạy mình phẫu thuật đâu, toàn học gây tê, giờ mà mổ, lỡ bệnh nhân làm sao thì xử lý thế nào?”- bà nói.
Bí quá, đành cầm dụng cụ, bà không tin vào tay mình, ca mổ diễn ra gọn nhẹ, bà làm như được cầm tay chỉ việc. Sau này bà mới hiểu, không gì bằng thực hành, chính việc cọ xát với hàng chục ca bệnh, được xem phẫu thuật viên họ làm hàng trăm ca nên ngấm dần, bàn tay cũng trở nên khéo léo từ đó. Sau này bà dạy học sinh cũng theo nếp đó, cho họ tiếp xúc hàng trăm ca bệnh rồi mới được làm thực tế.
Những năm học ở Đức, các chuyên gia rất ưu ái khi bà đăng ký học về miễn dịch - một lĩnh vực khó nhất trong ngành y. Bà đi khắp các bệnh viện của Đức thu thập vi khuẩn, làm nghiên cứu. Năm 89 chiến tranh Đông Âu nổ ra, bà quyết định về nước và mang nguyên xi nghiên cứu về. Bà kết hợp với Viện Lao bệnh phổi để làm đề tài, chế ra thuốc dưới dạng uống, thử nghiệm tại nhà trẻ, Học viện Quân y, Học viện chính trị rất thành công. Trẻ uống thuốc nâng cao sức đề kháng, bệnh viêm mũi, viêm họng giảm hẳn.
Làm nghề y, lại làm lãnh đạo có cái khó, nếu tay nghề không cao, kiến thức không sâu thì anh em không phục.
Hạnh phúc là biết cân bằng cuộc sống
Về hưu nhiều năm, với cương vị phó giáo sư, tiến sĩ, bà vẫn cộng tác với nhiều bệnh viện, khám chữa bệnh tại nhà. Theo bà, tai mũi họng là chuyên ngành khó vì đây là những bộ phận tinh tế nhất của cơ thể với chức năng nghe, ngửi, thở, nuốt, phát âm. Để chữa được bệnh phải có kiến thức nền tảng, phải thực hành chuyên sâu. Như trường hợp bệnh nhân 15 tuổi từ Hà Tĩnh chuyển ra thị lực tụt còn 2/10, không nhìn được. Các bác sĩ nghĩ do bệnh về mắt nhưng bà nghĩ nhiều đến xoang. Thăm khám, chụp chiếu xong, bà đã tiến hành mổ cho bệnh nhân trong đêm và cứu sống được đôi mắt. Một trường hợp khác là bệnh nhân 3 tuổi có áp xe khóe mắt, chẩn đoán của các bệnh viện mà bệnh nhi thăm khám là áp xe mắt. Khi được chuyển sang Viện Tai mũi họng TƯ, bà phát hiện bệnh nhân bị viêm xoang và tiến hành mổ xoang. Mổ xong người bệnh nhẹ hẳn, mắt đã nhìn thấy. Hiện tượng và thực tế khác nhau, nếu không có kiến thức nền, vô tình sẽ đẩy bệnh nhân vào tăm tối.
Ở tuổi 72 bà Dinh vẫn tràn đầy năng lượng. Dù yêu và say nghề nhưng bà vẫn giành thời gian vào bếp nấu ăn. Không phải cuối tuần mà ngày nào cũng vậy, bà cùng các con đi chợ, làm cơm. Ba thế hệ cùng sống trong một nhà mà tiếng cười luôn đầy ắp. Bà là mẫu phụ nữ biết cân bằng cuộc sống. Khi còn trẻ, ngày nào bà cũng chạy tập thể dục. Có tuổi bà chuyển sang bơi. Ngày nào cũng đi bơi 30-40 phút. Bà không kiêng thực phẩm nào nhưng ăn vừa phải, hôm nào ăn quá thì hôm sau giảm đi. Ngày nào cũng bổ sung đủ các loại vitamin thông qua rau củ quả bởi thế bà vẫn dẻo dai, minh mẫn, vẫn khám chữa bệnh cũng như “cầm dao kéo”, bác sĩ trẻ chưa chắc đã theo kịp.
Tốt nghiệp Đại học Quân y với tấm bằng giỏi, bà Dinh được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường và làm bác sĩ tại BV 103. Sau đó, bà giữ chức vụ chủ nhiệm khoa Tai mũi họng BV 103, giảng viên Học viện Quân y. Năm 2003 Bộ Y tế phân công bà về làm Giám đốc Viện Tai mũi họng TƯ, đưa bệnh viện trở thành BV hàng đầu điều trị tai mũi họng của cả nước.