TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi rèn được nếp sống kỷ luật và quân bình nhờ tập võ

(khoahocdoisong.vn) - TS Nguyễn Trí Hiếu là chuyên gia tài chính độc lập có nhiều đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam. Ông là người Việt đầu tiên thành lập ngân hàng tại Mỹ. Ngoài vai trò chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu còn là một giáo sư môn Aikido (Hiệp khí đạo). Vị chuyên gia này đã tìm thấy trong thiền đạo con đường phát triển trí tuệ, giải tỏa các áp lực của công việc và cuộc sống.
TS Nguyễn Trí Hiếu là chuyên gia tài chính độc lập có nhiều đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam.

TS Nguyễn Trí Hiếu là chuyên gia tài chính độc lập có nhiều đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam.

Thiền đạo: Con đường để phát triển trí tuệ, thể lực

Xin chào thầy! Ở Aikido mọi người gọi thầy là giáo sư, võ sư hay theo cấp bậc trong môn phái?

Trong Aikido có phân theo cấp (kyu) và đẳng (dan) nhưng tôi thích gọi đơn giản là Thầy Hiếu. Ở đây mọi người gọi tôi là Thầy Hiếu hoặc Võ sư Hiếu. Tôi theo học võ từ lúc còn là sinh viên tại Đức. Khi đó tôi là huấn luyện viên đệ nhị đẳng Taekwondo. Sau này sang Mỹ tôi lại theo Võ lâm Kungfu của Việt Nam và là huấn luyện viên đệ nhất đẳng. 35 năm qua tôi đã bén duyên Aikido và hiện lên tới huyền đai đệ tứ đẳng (4 đẳng đai đen)

Thầy đặc biệt yêu thích võ vì lý do gì?

Nhờ tập võ từ khi còn trẻ mà tôi rèn được nếp sống kỷ luật và quân bình. Tôi cho rằng, đời sống tinh thần cũng như sức khỏe chỉ có từ tập luyện mà ra. Aikido nói chung giúp tôi duy trì được sức khỏe rất tốt dù đã cao tuổi. Aikido giúp tôi thiền định mỗi ngày để tìm được sự cân bằng nội tâm và sự tập trung cao độ. Aikido là một môn võ không chỉ hỗ trợ cải thiện sức khỏe mà còn giúp nâng cao tinh thần của người tập. Những người theo trường phái nhu đạo thì Aikido có thể là một sự lựa chọn hoàn hảo.

Tôi thích Aikido vì tinh thần của môn võ đạo này là sự dung hòa, không lấy sức mạnh để đàn áp mà dùng sự hòa hợp giữa các đối lực để hóa giải xung đột. Tinh thần này rất phù hợp với truyền thống của người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng: lấy “nhu thắng cương”, lấy tinh thần thượng võ, bác ái, hòa bình để giải quyết những xung đột. Một xã hội chỉ có thể phát triển bền vững và ổn định nếu những người trong xã hội giải quyết xung đột bằng tinh thần ôn hòa và tôn trọng lẫn nhau.

Học võ và thiền định đã giúp Thầy thế nào trong công việc ngân hàng - tài chính?

Tôi đã tìm thấy trong thiền đạo con đường để phát triển trí tuệ, thể lực, nội lực tuyệt vời nhất. Việc tập luyện tập trung tinh thần cũng như ngồi thiền không những giúp cho tôi thư thái mà còn là một trong những cách để giải tỏa các áp lực trong cuộc sống, công việc. Thiền giúp cho tôi có tinh thần ổn định, vui cũng không quá kiêu căng, tự đại, mà buồn cũng không rơi vào bi kịch, âu sầu quá.

Với bản chất của một người học võ năng thiền, có kinh nghiệm, tôi xử lý công việc, ứng phó với các tình huống khá bình tĩnh. Khi tình huống xảy ra, cơ thể tôi chùng xuống và thả lỏng chứ không trợn mắt, căng cứng. 

Bình tâm tuyệt đối quan trọng với người làm ngân hàng, nhất là lãnh đạo vì hàng ngày phải giải quyết những vấn đề về nợ xấu, khách hàng không trả nợ, thậm chí quỵt, xù nợ. 11h đêm, 6h sáng cũng vẫn nhắn tin, gọi điện bàn bạc về thu hồi nợ. Trách nhiệm của người quản lý là rất lớn và nếu xử lý sai có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vì thế, ngành tài chính ngoài trí tuệ rất cần sự bình tâm. Phải bình tâm trong mọi tình huống thì mới xử lý chính xác được.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi đã tìm thấy trong thiền đạo con đường để phát triển trí tuệ, thể lực, nội lực tuyệt vời nhất!

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi đã tìm thấy trong thiền đạo con đường để phát triển trí tuệ, thể lực, nội lực tuyệt vời nhất!

Giữ thói quen ăn nhiều rau củ quả

Hẳn là tinh thần võ đạo có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các võ sinh?

Aikido dịch ra tiếng Việt là Hiệp khí đạo. Nghĩa là Aikido không phải là môn võ thuật chỉ thể hiện trên sân tập, mà trong đời sống hằng ngày một môn đồ Akido phải thể hiện sự tự tin, điềm tĩnh, cao thượng và bác ái. Cung cách ứng xử của một môn đồ Aikido thể hiện tinh thần võ sĩ đạo với sự điềm tĩnh, lịch lãm và luôn giúp đỡ mọi người xung quanh. Làm việc trong ngành tài chính ngân hàng rất căng thẳng và luôn phải đối diện với sự xung đột giữa các lợi ích. Thậm chí trong một lần đi thu hồi nợ cho một ngân hàng tại Mỹ tôi bị đe dọa tính mạng. Nhờ tập luyện Aikido và thiền định, tôi đã bình tĩnh đối phó và giải quyết xung đột trong ôn hòa. Trong một vài trường hợp tôi may mắn thoát hiểm nhờ cách ứng xử điềm tĩnh, tự tin, bác ái của môn đồ Aikido.

Ngân hàng là ngành thường xuyên tiếp xúc và xử lý rất nhiều tiền. Người ta nói gần tiền thường dễ nảy sinh tham muốn...

Ngành tài chính là ngành nhiều thử thách và cám dỗ, nhất là trong xã hội của chúng ta tệ nạn tham nhũng vẫn còn hiện diện. Nếu có tà ý mà làm về tài chính ngân hàng, nhất là quản lý thì sẽ có nhiều cách để ăn cắp, ăn trộm, thụt két… làm hao hụt, thất thoát tài sản chung. Tôi khuyên các bạn trẻ nên tìm hiểu về Aikido và tham gia tập luyện môn võ đạo này. Tôi bảo đảm với các bạn, chỉ sau một thời gian luyện tập ngắn các bạn sẽ tìm thấy sự thăng bằng nội tâm, sự tự tin, sự tập trung để vượt qua khó khăn và tăng năng lực cơ thể rõ rệt.

Cá nhân tôi, việc tham thiền và tinh thần võ sĩ đạo giúp giảm bớt dục vọng và sự tham lam. Trong thiền định, tôi tìm thấy sự thanh liêm. Đây là một trong những đức tính rất cần thiết của người làm ngân hàng. Tôi quay về Việt Nam sống một mình, xa gia đình không phải vì tiền. Ở bên Mỹ tôi có vợ con, có nhiều công việc hấp dẫn hơn ở đây, mức thù lao cũng cao gấp ba, bốn lần. Tôi ở lại Việt Nam làm việc chỉ vì mong muốn làm điều gì đó cho người Việt, cho quê hương.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia phân tích kinh tế tài chính của nhiều diễn đàn.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia phân tích kinh tế tài chính của nhiều diễn đàn.

Những người làm ngân hàng thường phải đi xe sang trọng, sao Thầy chọn đi làm bằng taxi và xe ôm?

Tôi cho rằng, sự tự do cao nhất là sự tự giải thoát khỏi bản ngã tham lam. Khi con người sở hữu một cái gì đó, họ lại bị ràng buộc và luôn tìm cách bảo vệ nó, gây nên sự bất an và mất cân bằng trong nội tâm. Hiện tại, ở Việt Nam tôi không có tài sản, nhà thì đi thuê.  Vợ và 3 cô con gái đều ở bên Mỹ, hàng ngày chúng tôi chuyện trò qua điện thoại. Mỗi năm tôi về Mỹ một lần. Vợ tôi là người Mỹ gốc Đức. Ba cô con gái tôi sinh ở California, vẫn đang đi học.

Một ngày của Thầy ở Việt Nam thường như thế nào?

Buổi sáng tôi thường ngủ dậy lúc 5h, tập thể dục, sau đó ngồi thiền khoảng 30 phút rồi đến cơ quan. Buổi chiều tối các ngày chẵn là thứ hai, tư, sáu, nếu không quá bận rộn, tôi đi tập Aikido tại Võ đường Tenshinkai ở Cầu Giấy. Nếu bận thì kết thúc làm vào 9h tối tại cơ quan. Buổi tối về nhà, tôi tự nấu ăn, cuối tuần thì đi nhà thờ hoặc xem phim. Tôi giữ thói quen ăn nhiều rau củ quả, uống sữa đậu nành và ăn ít thịt. Cũng có thể vì thế mà sức khỏe của tôi, đến thời điểm này, có thể tạm nói là rất khả quan. Cuộc sống với tôi như thế là đủ! (Cười hài lòng)

Như Thầy đã nói, ngành tài chính nhiều thử thách, cám dỗ. Thầy có lời khuyên gì cho các bạn trẻ?

Không chỉ ngành tài chính ngân hàng mà nhiều ngành nghề khác cũng có những cám dỗ, tùy đặc thù nghề nghiệp. Tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch là không đánh bạc. Đã có nhiều trường hợp người làm ngân hàng dính vào cờ bạc và tìm mọi cách để móc túi, ăn cắp tiền cơ quan. Nếu để bị lôi kéo vào những thú vui đó thì khó vượt qua cám dỗ, sớm muộn gì cũng đưa đến những thủ đoạn, lợi dụng chức năng làm thất thoát tài sản ngân hàng, nhà nước. Tôi nhìn thấy nguy hiểm đó, nên sống tương đối kỷ luật. Từ ngày làm việc trong ngành ngân hàng, tôi theo đuổi những chuẩn mực và giá trị: Tính chuyên nghiệp; Sự liêm chính và minh bạch; Tinh thần trách nhiệm và can đảm đương đầu với thử thách, khó khăn; Sự công bằng - bác ái trong mọi hoạt động và công việc. Đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh doanh, đầu tư mà tôi theo đuổi.

Xin cảm ơn Thầy!

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top