Tọa lạc tại số 14 phố Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội, Bích Câu Đạo quán là một di tích lịch sử gắn với thời hoàng kim của đạo Lão ở kinh thành Thăng Long xưa.
Truyền thuyết lãng mạn
Theo các tư liệu lịch sử, đạo quán này được xây dựng vào thế kỷ 15, thời Vua Lê Thánh Tông, là nơi các đạo sĩ đến luyện phép trường sinh và thờ cúng thần tiên.
Sự hình thành của Bích Câu đạo quán gắn với câu chuyện tình yêu giữa con người và thần tiên đầy màu sắc huyền ảo. Câu chuyện này được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm kể lại trong tác phẩm “Bích Câu kỳ ngộ ký”.
Theo đó, vào đời Vua Lê Thánh Tông (1442-1479), ở thành Thăng Long có một chàng trai khôi ngô tuấn tú nhưng nhà nghèo tên là Trần Tú Uyên. Chàng dựng một căn lều tạm bên ngòi nước ở phường Bích Câu làm nơi ăn học.
Một hôm đi xem hội ở chùa Ngọc Hồ (tức chùa Bà Ngô, nay thuộc phường Quốc Tử Giám), chàng gặp một nàng tiên tên là Giáng Kiều. Hai người cảm mến và yêu nhau nhưng do thuộc hai cõi khác nhau mà không thể đến được với nhau.
Để được sống gần người yêu, nàng Giáng Kiều đã hoá phép náu mình vào bức tranh tố nữ để Trần Tú Uyên mang về treo trong lều. Từ bức tranh, nàng hiện hình thành người trần thế để chung sống với chàng. Họ sinh được một con trai đặt tên là Châu Nhi.
Nhờ phép tiên của Giáng Kiều, Trần Tú Uyên có mọi của cải mình muốn. Dần dần chàng sinh thói phóng đãng, uống rượu, bỏ học hành. Khuyên can chồng không được, Giáng Kiều tức giận bỏ về trời.
Bị bỏ rơi, Tú Uyên sống một mình hiu quạnh, buồn bã toan tự tử. Đúng lúc đó thì Giáng Kiều lại xuất hiện khuyên bảo chồng chú tâm học nghề thuốc cứu người.
Tú Uyên nghe lời vợ học hành thành đạt, cứu chữa cho người dân quanh vùng. Được một thời gian thì cả hai cùng cưỡi Hạc bay về trời...
Thắng tích nổi tiếng bậc nhất ở kinh đô
Suốt thời Lê sơ, với cảnh đẹp và truyền thuyết lãng mạn về chàng Trần Tú Uyên gặp tiên Giáng Kiều, Bích Câu Đạo quán từng là một trong những thắng tích nổi tiếng bậc nhất ở kinh đô.
Sang thế kỷ 17, đạo Lão suy thoái, phần lớn các quán dần trở thành đền, chùa. Trong khuôn viên Bích Câu Đạo Quán cũng có thêm chùa và điện thờ Mẫu. Hoạt động tu tiên luyện phép nơi đây cũng mai một dần theo thời gian.
Đến năm 1947, Bích Câu Đạo quán bị quân Pháp san bằng. Diện mạo của công trình như ngày nay là do nhân dân địa phương sửa chữa lại vào năm 1953 và trùng tu lớn năm 2011. Vào năm 1990, địa điểm tâm linh này đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia.