Phòng bảo vệ biến thành căng tin
Thông tin từ một phụ huynh (xin giấu tên) có con theo học tại Trường Tiểu học Trung Yên cho biết: “Trong nhiều năm nay, theo tôi quan sát, khu vực phòng bảo vệ của trường được tự ý chuyển đổi công năng biến thành căng tin bán hàng. Tôi cho rằng đây là việc làm không đúng. Được biết, phòng bảo vệ này được nhà trường xây dựng và quản lý, sử dụng vào mục đích bảo vệ an ninh trật tự, an toàn cho nhà trường cũng như học sinh. Thế nhưng, Ban Giám hiệu nhà trường lại cho phép tổ chức bán hàng, làm căng tin tại đây và công năng của phòng bảo vệ rõ ràng đã bị thay đổi.
Ngoài ra, việc Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Trung Yên tiến hành thu của phụ huynh học sinh 10.000đ/tháng để thuê đơn vị cung cấp dịch vụ dọn dẹp vệ sinh cho nhà trường, theo tôi được biết, nhà trường không được phép thu khoản tiền này”.
Được biết, năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Trung Yên có khoảng hơn 1.800 học sinh. Như vậy, với mức thu 10.000đ/học sinh/tháng, một năm học có 9 tháng, thì tổng số tiền phí vệ sinh nhà trường thu được nhẩm tính sẽ lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Để thông tin khách quan, phóng viên (PV) KH&ĐS đã liên hệ làm việc với Trường Tiểu học Trung Yên. Trao đổi với PV, bà Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên cho biết: “Tôi mới chuyển về trường từ tháng 2/2021. Về nội dung phản ánh trên, nhà trường đã có báo cáo và hiện nay Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cũng đã kiểm tra, căng tin đã dừng rồi. Để trả lời sâu thêm, lát nữa cô phó hiệu trưởng nhà trường sẽ giúp tôi trả lời”.
Trụ sở Trường Tiểu học Trung Yên, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. |
Tiếp tục trao đổi, bà Hoàng Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên thừa nhận: “Căng tin bán hàng đó cũng hoạt động từ trước rồi, tôi cũng không nhớ chính xác thời gian. Việc này đồng chí hiệu trưởng cũ và đồng chí kế toán nhà trường sẽ nắm thông tin rõ hơn vì tôi không phụ trách cơ sở vật chất của nhà trường. Khi học sinh trở lại trường, căng tin đó cũng có hoạt động được 2 ngày, sau đó do công tác phòng chống dịch, nhà trường đã cho dừng không cho căng tin đó hoạt động nữa, hiện tại đang là phòng bảo vệ. Theo quy định thì không được phép cho thuê như thế. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận cũng không chỉ đạo nhà trường làm việc này”.
Giải thích về việc thu tiền trái quy định, bà Hằng cho rằng: “Những năm đầu thành lập trường (năm 2014), nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường không đủ; bên cạnh đó, nhà trường có quy định học sinh trực nhật vào cuối buổi học hoặc đầu giờ trước khi vào học. Lúc đó, trường có 14 lớp nhưng có tới 9 lớp học sinh lớp 1 nên các em không thể tự trực nhật được, vì thế phụ huynh học sinh tự nguyện thu một phần kinh phí để ký hợp đồng với công ty vệ sinh làm trực nhật đỡ cho các em. Đến năm học này, học sinh của nhà trường đã đông lên rồi, vì vậy, phần kinh phí để chi cho việc vệ sinh nhà trường, các lớp học, nhà trường đã có đủ kinh phí nên trường đã trả lại phí vệ sinh một số lớp năm nay đã thu. Còn việc thu phí vệ sinh là không được phép”.
Khi PV đề nghị cung cấp biên bản, danh sách phụ huynh đồng ý việc thu phí vệ sinh và các văn bản liên quan, bà Hằng cho hay: “Cái này phải xin phép đồng chí hiệu trưởng bởi đây là thông tin cá nhân của phụ huynh”.
“Làm ngơ” trước quy định?
Thực tế thời gian qua, một số trường học ở Hà Nội đã sử dụng khuôn viên, sân trường cho thuê gửi ôtô, liên kết với các tổ chức, tư nhân mở căng tin, nhà hàng, hoặc cho thuê địa điểm tổ chức các trung tâm dạy thêm văn hóa, trung tâm dạy tin học, ngoại ngữ... Vì thế, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội liên tục có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải “siết” việc quản lý tài sản công, nghiêm cấm việc sử dụng không đúng mục đích.
Gần đây nhất, ngày 7/7/2020, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản số 2169/SGDĐT-KHTC gửi các đơn vị trực thuộc, nêu rõ: Các trường học phải kiểm tra lại toàn bộ số liệu về tài sản cũng như công tác theo dõi, hạch toán tài sản; thực hiện nghiêm túc các quy định về cập nhật, chỉnh lý thông tin tài sản công trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công.
Đặc biệt, các trường học căn cứ vào tình hình thực tế, rà soát lại quy trình, thủ tục cho thuê, cho mượn đất hoặc cơ sở vật chất và chấm dứt ngay việc sử dụng tài sản công chưa đúng quy định, khi đề án của các trường chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các trường không được tự ý sử dụng đất và cơ sở vật chất, tài sản khác gắn liền với đất của nhà trường vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (đặc biệt với việc cho thuê căng tin trong trường học). Người đứng đầu đơn vị chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu xảy ra tình trạng sử dụng tài sản công không đúng quy định thuộc phạm vi quản lý.
Như vậy, việc biến phòng bảo vệ thành căng tin bán hàng, khoản thu phí vệ sinh chưa đúng quy định tại Trường Tiểu học Trung Yên trách nhiệm thuộc về ai? Khoản lợi nhuận thu được từ hoạt động cho thuê phòng bảo vệ làm căng tin được sử dụng ra sao? Trách nhiệm của từng cá nhân sẽ được xử lý như thế nào?
Tiếp tục tìm hiểu thông tin đa chiều, PV đã đến liên hệ và đặt lịch làm việc tại Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy. Khi đơn vị này có câu trả lời chính thức, KH&ĐS sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Được biết, bà Nguyễn Thanh Huyền, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên hiện nay đã chuyển công tác sang làm Hiệu trưởng một trường tiểu học khác cũng trên địa bàn quận Cầu Giấy.