Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội: Xé rào tuyển sinh?

(khoahocdoisong.vn) - Tuyển sinh không đúng đối tượng, đào tạo khi chưa được giao chỉ tiêu, cơ sở vật chất không đạt tiêu chuẩn… Đó là hàng loạt những sai phạm đã được Đoàn Thanh tra của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (TCGDNN) chỉ rõ trong Kết luận thanh tra số 121/KL-TCDN ngày 17/1/2020 việc Chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp đối với Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội.

Tuyển sinh trái quy định

Theo kết luận thanh tra, trong nhiều năm thì các ngành, nghề của Nhà trường tuyển sinh vượt quá quy mô tuyển sinh năm được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, năm 2017, nghề Tin học ứng dụng trình độ trung cấp đã tuyển sinh 655/90 học sinh, vượt quá 565 học sinh so với cho phép (tỷ lệ vượt đến 627,7%), nghề Sửa chữa điện lạnh và điện gia dụng đào tạo trình độ sơ cấp trường được tuyển 90 học sinh, nhưng tuyển lên tới 183 học sinh chỉ tiêu được cấp phép.

Trong năm 2018, Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội đã tuyển sinh vượt mức nghề Kế toán doanh nghiệp, Quản lý doanh nghiệp và Tin học ứng dụng. Theo đó, ngành Tin học ứng dụng đào tạo trình độ trung cấp đã tuyển sinh 588/90 học sinh, vượt quá 498 học sinh (tỷ lệ vượt 553,3%); ngành Kế toán doanh nghiệp đào tạo trình độ trung cấp tuyển sinh 279/90 học sinh, vượt quá 189 học sinh (vượt 210%). Từ 01/01 - 30/10/2019, trình độ trung cấp ngành Tin học ứng dụng được giao chỉ tiêu 90 học sinh, nhưng thực tế Nhà trường tuyển lên đến 441 học sinh, vượt 351 học sinh.

Kết luận thanh tra số 121/KL-TCDN ngày 17/1/2020 việc Chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp đối với Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội.

Kết luận thanh tra số 121/KL-TCDN ngày 17/1/2020 việc Chấp hành pháp luật về giáo dục nghề nghiệp  đối với Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội.

Đối với tuyển sinh ngành Dược đào tạo trung cấp chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 55 học sinh, nhưng tuyển sinh đến 70 học sinh, vượt 45,5%. Ngành Điều dưỡng trình độ trung cấp trường tuyển tới 149 học sinh, trong khi chỉ tiêu được giao chỉ là 55 học sinh, vượt 170,9%. Ngoài ra, các ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử đào tạo trung cấp vượt 142%, ngành Quản lý doanh nghiệp trình độ trung cấp vượt 132%, ngành Sửa chữa điện lạnh và điện gia dụng trình độ sơ cấp vượt 68,9%.  

Bên cạnh đó, từ ngày 01/01 - 31/10/2019, Nhà trường báo cáo tuyển sinh 219 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học 2 ngành, nghề (Dược với 70 học sinh và ngành Điều dưỡng 149 học sinh) đào tạo trình độ trung cấp thuộc khối ngành sức khỏe là trái quy định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cùng với đó, Thanh tra TCGDNN đã chỉ ra việc Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội thông báo tuyển sinh học sinh khối 10, học song song 02 chương trình “giáo dục trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp” trong 04 năm. Sau khi tốt nghiệp học sinh được cấp 2 văn bằng (trung học phổ thông, cao đẳng chính quy) là không đúng đối tượng tuyển sinh học trình độ cao đẳng theo quy định.

Banner tuyển sinh được treo trên website của Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội - hcit.edu.vn sau khi Thanh tra TCGDNN kiến nghị gỡ bỏ.

Banner tuyển sinh được treo trên website của Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội - hcit.edu.vn sau khi Thanh tra TCGDNN kiến nghị gỡ bỏ.

Đồng thời, yêu cầu Nhà trường nghiêm túc chấn chỉnh trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, ban hành thông báo tuyển sinh trình độ cao đẳng không đúng quy định để có hình thức xử lý phù hợp với các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, yêu cầu gỡ bỏ thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng có thời gian đào tạo 04 năm hệ 2 văn bằng trên các phương tiện thông tin của Nhà trường.

Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, từ tháng 01/2017 đến tháng 10/2019, Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội tuyển sinh 3.071 học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp các ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp theo trương trình đào tạo trình độ trung cấp do Hiệu trưởng Nhà trường ban hành, trong đó ghi thời gian đào tạo 03 năm đối với đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS là không đúng thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 Luật Giáo dục nghề nghiệp, Quyết định số 1982/QĐ-Ttg và Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH đào tạo 04 năm hệ 2 văn bằng trên các phương tiện thông tin của Nhà trường.

Cơ sở vật chất đi thuê

Không chỉ tuyển sinh vượt quá quy mô tuyển sinh được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp mà Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội còn không đủ điều kiện về cơ sở vật chất.

Tổng diện tích đất sử dụng chung toàn trường là 31.334,5m2 không đảm bảo diện tích đất sử dụng tối thiểu đối với trường cao đẳng thuộc khu vực đô thị. Ngoài ra, diện tích bình quân phòng học lý thuyết, phòng thí nghiệm, thực hành, thực tập dùng cho giảng dạy, học tập cũng không đảm bảo.

Đối với cơ sở vật chất để tổ chức đào tạo các ngành, nghề trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp và sơ cấp nhà trường cũng không đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất để giảng dạy cho người học.

Theo tìm hiểu của phóng viên, địa chỉ trụ sở chính 54A Vũ Trọng Phụng của Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội cũng là trụ sở của Trường THPT Hoàng Mai và được thuê của một Công ty Xây dựng, diện tích đất này không phải là đất giáo dục.

Trụ sở chính Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội tại 54A Vũ Trọng Phụng. (ảnh: internet)

Trụ sở chính Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội tại 54A Vũ Trọng Phụng. (ảnh: internet)

Tại thời điểm thanh tra, Nhà trường không cung cấp được hồ sơ chứng minh về việc chủ trì, phối hợp với cơ sở thực hành xây dựng, thống nhất và ban hành chương trình đào tạo thực hành đối với các ngành, nghề đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe theo quy định.

Không những vậy, Nhà trường cũng không chủ trì, phối hợp với cơ sở đào tạo thực hành của Trường để xây dựng kế hoạch đào tạo thực hành chi tiết hàng năm của 02 ngành, nghề Dược và Điều dưỡng đào tạo theo trình độ trung cấp theo quy định.

Cùng với đó, Nhà trường không ký hợp đồng với bất kỳ cơ sở đào tạo thực hành nào để thực hiện ít nhất 50% thời lượng của chương trình đào tạo thực hành ngành, nghề Điều dưỡng trình độ cao đẳng của Trường theo quy định. Mặc dù, Bệnh viện Tâm thần T.Ư đã ký hợp đồng nguyên tắc về đào tạo thực hành với Nhà trường, nhưng chưa thực hiện thủ tục công bố cơ sở khám, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe theo quy định.

Theo kết luận thanh tra, giai đoạn từ 2017 - 2019 đã chỉ rõ nhiều sai phạm của tập thể, cá nhân lãnh đạo Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội trong công tác tổ chức, tuyển sinh, đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp… Đặc biệt, yêu cầu nhà trường lập hồ sơ đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với 1.990 học sinh của 5 ngành trình độ đào tạo (tin học ứng dụng 1.414 học sinh, kế toán doanh nghiệp 189 học sinh, quản lý doanh nghiệp 268 học sinh, điều dưỡng 94 học sinh, dược 25 học sinh và 93 học sinh sửa chữa điện - điện dân dụng).

Đồng thời, Thanh tra TCGDNN kiến nghị nhà trường khi thông báo tuyển sinh người học các ngành nghề đào tạo trình độ cao đẳng, nhà trường phải thông báo đối tượng tuyển sinh đầu vào phải có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, phải gỡ bỏ thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng có thời gian đào tạo 4 năm hệ 2 văn bằng trên trang thông tin điện tử của nhà trường.

Có thể do Thanh tra TCGDNN chỉ kiến nghị, nên các Thông báo tuyển sinh hệ 2 văn bằng trên vẫn được Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội “ngang nhiên” treo  trên website của trường này.

Việc thực hiện kết luận thanh tra TCGDNN của Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội như thế nào, công tác giám sát sau kết luận thanh tra của TCGDNN ra sao? Góc khuất nào trong tuyển sinh và đào tạo của Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội mà kết luận thanh tra chưa chỉ rõ. Đó là nội dung Báo KH&ĐS sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Đời sống
back to top