Tro xỉ nhiệt điện là tài nguyên hay chất thải nguy hại?

(khoahocdoisong.vn) - Tro xỉ nhiệt điện than có được coi là tài nguyên năng lượng hữu ích cho ngành xây dựng hay là loại chất thải nguy hại cần được giám sát triệt để?

Chưa có dây chuyền xử lý đạt chuẩn

TS Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn nhiệt điện và Điện hạt nhân (Viện Năng lượng) cho rằng, tro xỉ nhiệt điện than có nhiều loại khác nhau, nhưng có thể coi là một dạng tài nguyên để dùng san lấp đường hay phân bón, vật liệu xây dựng… Tuy nhiên, để đưa vào sử dụng trong từng lĩnh vực, có thể phải xử lý thêm nhưng cần khẳng định, tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam hiện nay không nên coi là chất thải (độc hại) mà nên coi là nguyên liệu đầu vào đáng quý, cung cấp chủ yếu cho ngành vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp, dân sinh khác.

Tuy vậy, chuyên gia năng lượng Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh GreenID, hiện Việt Nam có hơn 18 nghìn MW điện than đang hoạt động, mỗi năm thải ra 16 - 17 triệu tấn tro và xỉ. Theo đánh giá của Bộ TN&MT, nếu không có các biện pháp xử lý thì đến năm 2030, chúng ta sẽ tồn dư khoảng 422 triệu tấn tro xỉ. Mỗi năm tăng thêm 32 triệu tấn nữa. Mỗi bãi tro xỉ cao khoảng 5m thì chúng ta sẽ mất khoảng 65km2 để chứa, mỗi năm tăng thêm 5km2 nữa. Thời gian gần đây, tro xỉ nhiệt điện là mối quan tâm rất lớn, nhưng cho đến nay chúng ta chưa giải quyết được vấn đề này.

Giải quyết tro xỉ là vấn đề cấp bách. Ông Trần Đình Sính cho hay, theo quy định, các bãi chứa tro xỉ chỉ được phép chứa dung tích tro xỉ tương đương lượng xỉ thải trong 2 năm. Khi quy hoạch hoặc thiết kế các nhà máy điện than thì phải thiết kế dây chuyền để xử lý tro xỉ đạt chuẩn…. nhưng đến nay chưa có nhà máy nào thực hiện được.  Hiện ở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, chỉ trong khoảng 2 năm nữa là không còn chỗ chứa tro xỉ. Hiện hầu hết các nhà máy nhiệt điện than đều chưa tuân thủ được quy định về bãi chứa tro xỉ có dung tích không lớn hơn lượng tro xỉ thải ra trong 2 năm.

Tro xỉ có độc không?

Ông Trần Đình Sính cho hay, thành phần trong tro xỉ phụ thuộc vào nguồn than, công nghệ đốt… nên mức độ độc hại khác nhau. Mỗi  nhà máy cho ra một kiểu tro xỉ khác nhau. Các nghiên cứu thế giới cho rằng, các chất độc hại trong tro xỉ có nhiều các chất thuộc 5 nhóm trong đó có kim loại nặng, furan, dioxin, thậm chí có cả phóng xạ. Đối với tro xỉ của Việt Nam, đã từng có nghiên cứu cho rằng than ở Quảng Ninh lượng chứa thủy ngân là 0,464mg/kg. Năm 2030 theo quy hoạch điện VII điều chỉnh chúng ta sẽ sử dụng 129 triệu tấn than/năm, nhập 2/3 than từ bên ngoài, trong nước sẽ sử dụng khoảng 45 triệu tấn. Ước tính lượng thủy ngân trong than đó, nếu đã loại đi được 65% rồi thì nó sẽ xả ra vào không khí khoảng 6,8 tấn/năm.

Trong than, ngoài thủy ngân còn có chứa cả chất phóng xạ, ví dụ như than ở mỏ than Nông Sơn có chứa  phóng xạ. Vì vậy, ở một số nơi người dân lo lắng, không cho sử dụng tro xỉ than để san lấp, đổ nền móng công trình xây dựng… là có cơ sở.

Để khắc phục ô nhiễm từ các nhà máy điện than ở Việt Nam, theo ông Trần Đình Sính, nhiệt điện than sử dụng than để đốt lấy nhiệt đun nước thành hơi để quay tua bin phát điện. Khác với tua bin khí sử dụng khí đã lọc sạch các chất độc hại trước khi đốt, than sử dụng trong nhiệt điện là chất rắn. Do vậy, không thể “lọc” hết chất độc hại trong than như lưu huỳnh, kim loại nặng được. Trước khi đốt, than được nghiền nhỏ để dễ cháy. Vì vậy, sản phẩm sau khi đốt có chứa nhiều bụi (đặc biệt là bụi PM2.5 rất độc hại cho sức khỏe) và các chất độc hại như SO2, NOx…

Trên thế giới, công nghệ nhiệt điện than gồm công nghệ cận tới hạn (sub critical, SubC), siêu tới hạn (super critical, SC) và trên siêu tới hạn (ultra suuper critical, USC). Công nghệ áp dụng tại các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam chủ yếu là cận tới hạn (sub critical). Chỉ có 2 nhà máy áp dụng công nghệ SC và chưa có nhà máy nào áp dụng USC.

Theo Đời sống
back to top