Trọng tâm cuốn sách “Stock Market Wizards” sẽ cung cấp cho chúng ta hầu hết những triết lí đầu tư cũng như những bài học kinh nghiệm, các tri thức căn bản, quan trọng nhất là để hiểu được thị trường chứng khoán, quy tắc vận hành và đánh giá giá trị của cổ phiếu trong thị trường và đưa ra những quyết định sáng suốt, đem lại lợi nhuận cao.
George Soros
Cuốn sách tập hợp gồm một loạt câu chuyện các cuộc phỏng vấn với các nhà giao dịch thành công và nổi tiếng nhất, với nhiều chi tiết nhất về sự thành công và những bí mật kinh nghiệm chuyên môn của họ trong đầu tư chứng khoán. Trong cuốn sách này, nổi bật là các phương pháp của George Soros. Ông được giới đầu tư thế giới gọi thân mật bằng danh xưng “thiên tài bán khống”, “đối thủ trong làng đầu tư tài chính duy nhất của Warren Buffett“.
George Soros sinh ra ở Hungary năm 1930. Tuổi thơ của nhà tỷ phú này gắn liền với những ngày kinh hoàng khi phát xít Đức tàn sát người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Năm 1947, Soros rời quê hương để di tản sang Luân Đôn một mình, bắt đầu cuộc đời khốn khó của dân nhập cư. Năm 18 tuổi, với số tiền kiếm được bằng nghề thu hoạch táo và sơn nhà thuê, George Soros vào học tại Học viện Kinh tế – Chính trị London (London School of Economics) và tốt nghiệp năm 1952 . Sau giờ học, ông còn làm thêm rất nhiều nghề chân tay vất vả phụ giúp gia đình đang sống bằng trợ cấp cầm cự qua ngày tại Mỹ.
Năm 1956, Soros đã đoàn tụ với gia đình và nhập quốc tịch Mỹ. Ông bắt đầu khởi nghiệp với 5.000 USD. Phương châm của Soros khá đặc biệt “Trong thế giới đầu tư, việc đúng hay sai không quan trọng, cái quan trọng là nếu đúng sẽ có được bao nhiêu tiền, và nếu sai sẽ mất bao nhiêu tiền” .
Thời điểm những năm đó, sau một thời gian hoạt động trong lĩnh vực buôn bán chứng khoán , ông thành lập công ty quản lý tài chính Soros với số vốn 17 triệu USD. Ba năm sau sau đó, ông đã tăng ngân sách của mình lên 100 triệu USD. Năm 1992 , ông thu được một món lợi lớn từ sự sụt giá của đồng bảng Anh , và đã thu lợi tới 1 tỷ USD chỉ trong vòng một tuần. Đồng thời cũng trong khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Soros thu lợi hàng tỷ đô la nhờ bán khống.
Ông cũng chính là chủ của Soros Quantum Fund nổi tiếng trên thị trường tài chính thế giới với tỷ suất lợi nhuận bình quân lên tới từ 30% – 50% trong thời gian làm lãnh đạo. Bên cạnh đó, George Soros còn là một nhà từ thiện hào phóng bậc nhất thế giới.
Cho tới thời điểm hiện tại, dường như ông vẫn luôn là một tượng đài nổi bật trong phương thức giao dịch “nhanh nhạy” và được nhiều nhà giao dịch xem là thần tượng. Phong cách giao dịch của ông đã gây ảnh hưởng với nhiều giao dịch khác. Hãy dành thời gian đọc tới cuối bài báo, chúng ta sẽ tập trung đi sâu vào các phương pháp của ông đưa ra qua cuốn sách, nhằm tối đa hóa lợi nhuận và chiến thắng trên thị trường chứng khoán.
Các phương pháp mà phù thủy Soros đưa ra được đúc kết ngắn gọn từ cuốn sách như sau:
1. Thị trường tài chính – chứng khoán luôn ở trong tình trạng bất ổn và biến động mạnh, vì thế khi chọn tham gia vào 1 đoạn thị trường, nhà đầu tư (NĐT) phải nghĩ ra trước càng nhiều kịch bản càng tốt. Chúng ta kiếm lợi nhuận bằng cách chiết khấu những điều chắc chắn và đánh cược vào những điều bất ngờ.
2. Nói “không” với các khoản nợ lớn. Đối với bậc thầy Soros, ông luôn bảo toàn quan điểm hầu hết những NĐT thành công thường là những người có ý định đầu tư lâu dài và chuyên tâm vào những cổ phiếu đã chọn. Họ dần có thói quen bỏ ra lượng tiền ít hơn vốn đang có để đầu tư và tránh xa việc vay nợ. Đầu tư một cách căn cơ sẽ tạo ra lợi nhuận trong dài hạn, trong khi vay nợ để đầu tư mang lại kết quả ngược lại.
Tuy nhiên quan điểm của ông cũng không có nghĩa những nhà đầu tư huyền thoại không bao giờ dùng chiến thuật đòn bẩy (leverage) nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ quá trình đầu tư của họ. Bậc thầy khuyên các NĐT khi tham gia vào thị trường hãy luôn tuân thủ các quy định tự đề ra nghiêm ngặt ngay từ đầu, như việc thoát khỏi thị trường ở một mức giá được đặt ra ngay từ khi mua cổ phiếu.
3. NĐT nên rót vốn vào những trường hợp rủi ro được đánh giá thấp hơn mức trung bình trên thị trường. Giữ cho các khoản phí giao dịch và thuế ở mức thấp cũng là một nguyên tắc. Qua thời gian, đồng vốn ở những cổ phiếu tốt sẽ sinh lời, và lượng vốn càng được duy trì ổn định, lợi nhuận càng có thể tăng cao. Dường như bậc thầy George Soros không thích liên tục đa dạng hóa danh mục đầu tư chứng khoán và rải tiền từ hết doanh nghiệp này đến công ty kia để phân tán rủi ro, mà chỉ tập trung vào những doanh nghiệp thực sự có tiềm năng. Cùng lúc, ông chỉ đầu tư vào những vị thế giao dịch mà ông thấy thực sự hiểu biết và liên tục tìm kiếm các lựa chọn mới.
Một khi đã tìm được các lựa chọn như vậy, thông thường là tài sản bị đánh giá thấp hơn giá trị thực, lúc đó việc NĐT cần làm là sẽ mua đến hết khả năng nhằm tối đa hóa lợi nhuận về sau.
4. Liên tục tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới đáp ứng được các tiêu chuẩn của mình, đồng thời thực hiện công việc nghiên cứu một cách tích cực. Cơ hội luôn ở xung quanh ta mỗi thời điểm, đừng bao giờ bỏ lỡ, hãy chú trọng việc học hỏi quan sát hàng ngày và mạnh dạn vào lệnh khi cảm thấy chắc chắn.
5. Trong đầu tư, hãy cứ im lặng mà làm! Đầu tư chính là bản thân mỗi cá nhân đang giao dịch với cả một thị trường lớn, thế nên ta không cần phải khoa trương danh mục của mình.
Ngày nay, khi nhắc đến ông, người ta đều nhớ đến câu nói nổi tiếng: “Nếu đầu tư là một hoạt động giải trí để bạn tìm thấy niềm vui, thì có lẽ bạn sẽ không kiếm được tiền. Đầu tư luôn là một công việc nghiêm túc chỉ vốn dành phần thưởng cho những người đam mê hết lòng”.
Theo Hoa Lê (Tri thức trẻ)