Ngày 2/3, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải nhanh chóng tiêm văcxin cho các đối tượng mà Nghị quyết của Chính phủ đã quy định, gồm các đối tượng dễ lây nhiễm, người nghèo, gia đình chính sách. Yêu cầu ngay trong tuần này, Bộ Y tế triển khai rộng rãi chủ trương quan trọng này.
Ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng tại khoản 1 ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.
ThS.BS Trần Thu Nguyệt, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Thi đua khen thưởng Bộ Y tế cho biết, nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) về tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo tạm thời về việc sử dụng văcxin Covid-19 của Oxford/AstraZeneca Covid-19 (AZD1222).
Theo đó, trong khi nguồn cung ứng văcxin còn hạn chế, khuyến cáo đưa ra là cần ưu tiên tiêm phòng cho cán bộ y tế là những người có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh và người cao tuổi, bao gồm những người từ 65 tuổi trở lên.
Ngoài ra, theo khuyến cáo, tiêm văcxin phòng Covid-19 được dành cho những người có bệnh lý nền do họ được xác định là có nguy cơ mắc Covid-19 nặng hơn, trong đó có các bệnh như béo phì, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và đái tháo đường... Việc tiêm văcxin phòng Covid-19 có thể được dành cho phụ nữ đang cho con bú nếu họ thuộc nhóm ưu tiên được tiêm. WHO không khuyến cáo ngưng cho con bú mẹ sau tiêm phòng Covid-19.
Việc mang thai khiến cho bà mẹ có nguy cơ bị Covid-19 nặng hơn, nhưng hiện tại có rất ít số liệu đánh giá tính an toàn của văcxin trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ mang thai có thể được tiêm phòng văcxin nếu lợi ích của việc tiêm phòng ở phụ nữ mang thai lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn do văcxin. Vì lý do này, phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phối nhiễm với virus SARS-CoV-2 (ví dụ như cán bộ y tế) hoặc người mắc bệnh nền tăng nguy cơ mắc bệnh nặng, có thể được tiêm văcxin phòng bệnh sau khi được cán bộ y tế tư vấn.
Những người được khuyến cáo không tiêm văcxin này là: Những người có tiền sử có phản ứng dị ứng nặng với bất cứ thành phần nào của văcxin và những người dưới 18 tuổi.
Liều tiêm được khuyến cáo là 2 liều, tiêm bắp (0.5ml mỗi liều) các liều, cách nhau 8 – 12 tuần. Văcxin AZD1222 phòng chống Covid-19 có hiệu lực 63,09% trên những người nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng. Khoảng cách giữa các liều dài hơn trong khoảng thời gian từ 8 - 12 tuần có liên quan đến hiệu quả văcxin cao hơn.
Cũng theo ThS.BS Trần Thu Nguyệt, hiện chưa có số liệu đánh giá của văcxin AZD1222 đối với việc lây truyền hay phóng thích virus, vì vậy, kể cả sau khi tiêm văcxin, chúng ta vẫn cần duy trì và tăng cường các biện pháp y tế công cộng đã được chứng minh hiệu quả: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, rửa tay, vệ sinh hô hấp và ho, tránh nơi đông người và đảm bảo thông thoáng khí.