Trẻ em là F0 tại TP Hồ Chí Minh sẽ được hỗ trợ như thế nào?

Ngày 11/9, Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã có văn bản trả lời một số vấn đề liên quan đến trẻ em khi là F0. Đáng chú ý, khi trẻ em là F0 ngoài hỗ trợ theo quy định của nhà nước còn được hưởng các hỗ trợ khác.
Chú thích ảnh
Trẻ em là F0 sẽ nhận được nhiều hỗ trợ từ nhà nước và các đơn vị, ban ngành TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh

Theo đó, khi trẻ em là F0 sẽ được hưởng trợ cấp theo các công văn: Công văn số 2209/UBND-KT ngày 1/7/2021 của UBND TP Hồ Chí Minh về triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID- 19, hỗ trợ người đang điều trị, cách ly tập trung (trong đó có trẻ em) tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian điều trị, bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung; đối với Công văn số 2512/UBND-VX ngày 28/7 của UBND TP Hồ Chí Minh triển khai hỗ trợ đối với trẻ em (người dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em) đang điều trị do mắc COVID-19 (F0), hoặc cách ly y tế để phòng chống COVID-19 (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày, từ ngày 27/4 đến ngày 31/12; thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày đối với F0 và 21 ngày đối với F1.

Ngoài ra, trẻ em còn được hỗ trợ thêm một lần mức 1 triệu đồng/trẻ em và ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ bảo hiểm tế. Khi trẻ trở về nhà (sau khi điều trị và cách ly tập trung) thì được chính quyền địa phương, ban ngành, đoàn thể xác minh hoàn cảnh hỗ trợ gạo, mì gói, sữa... Nếu quá khó khăn thì kêu gọi các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm giúp đỡ.

Đối với trường hợp trẻ em có cha mẹ đã qua đời vì COVID, theo Sở Lao động Thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh, căn cứ Khoản 1, Điều 5, Chương II, Nghị định 20/2021/NĐ-CP: trẻ em mồ côi cả cha mẹ sẽ được xét trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng.

Theo đó, mức trợ cấp có hệ số là 2,5 đối với trường hợp trẻ dưới 4 tuổi; hệ số 1,5 đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên, được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường. Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi; nếu đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học sẽ tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

Mặt khác, căn cứ Luật Trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP và Nghị định 20/2021/ NĐ-CP, trẻ mồ côi cả cha mę thì được đưa vào diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế bởi ông, bà, cô, chú cậu, dì, người thân; cá nhân cộng đồng trong xóm, tổ dân phổ; nhận nuôi con nuôi; đưa vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.

Hiện nay, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng đã và đang vận động chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ có cả cha mẹ qua đời vì COVID hoặc chỉ có cha hoặc mẹ qua đời vì COVID, người còn lại đang điều trị trong khu cách ly tập trung có hoàn cảnh khó khăn từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/trẻ và hỗ trợ thêm gạo, sữa, mì gói..

Chú thích ảnh
Những gia đình có trẻ em sẽ được các đơn vị, ban ngành chăm lo trong mùa dịch bệnh.

Liên quan đến vấn đề TP Hồ Chí Minh có kế hoạch hỗ trợ cho các em trên địa bàn để các em được đi học lâu dài, Sở Lao động Thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, để chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh trước bối cảnh dịch bệnh kéo dài, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã đề xuất miễn học phí học kỳ I; đồng thời kêu gọi người dân có điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay cũ, không có nhu cầu sử dụng chia sẻ với học sinh khó khăn trong việc học trực tuyến.

Ngoài ra, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các đoàn thể và tổ chức xã hội đã và đang vận động các nguồn lực hỗ trợ cơ sở vật chất, máy tính, điện thoại và kết nối mạng... tạo điều kiện cho các em học online.

Đối với trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em diện bảo trợ xã hội (mồ côi cả cha mę, trẻ mồ côi 1 phía nhưng người còn lại không có khả năng chăm lo, không nguồn nuôi dưỡng, trẻ khuyết tật…) được miễn giảm các khoản phụ phí khác; các em có gia đình khó khăn nhưng vượt khó vươn lên trong học tập cũng sẽ được các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... quan tâm với nhiều chương trình học bổng hỗ trợ học tập.

Theo baotintuc.vn
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top