Sau khi Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất phương án mở cửa lại trường học kèm các điều kiện an toàn, nhiều phụ huynh cho rằng dù học online còn bất cập, họ vẫn chấp nhận cho đến khi số ca nhiễm ít hoặc học sinh được tiêm vaccine.
Học sinh TP.HCM trở lại trường vào tháng 5/2020 sau thời gian dài nghỉ học vì dịch Covid-19. Ảnh: Y Kiện. |
"Con chưa tiêm vaccine, tôi chưa muốn cho trở lại trường"
Chị Hải Như có hai con học tại quận 5, TP.HCM, cho rằng việc học là cả đời, không vội 1-2 tháng. Hiện tại, tình hình dịch phức tạp, mỗi ngày hàng nghìn ca nhiễm, học sinh vẫn chưa được tiêm ngừa nên chị không yên tâm cho con trở lại trường.
"Thành phố có thể mở cửa từ từ cho các công ty, doanh nghiệp hoạt động trước, để có thời gian kiểm soát dịch bệnh và có nguồn vaccine tiêm ngừa cho học sinh. Sau khi các con tiêm vaccine 2-3 tuần, việc trở lại trường sẽ an toàn hơn", chị Như ý kiến.
Tương tự, chị Võ Thị Lành, mẹ của học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, chia sẻ chị chỉ cho con trở lại trường khi đã tiêm ít nhất một mũi vaccine. Nếu không có vaccine, dù trường học có mở cửa trở lại, chị vẫn muốn để bé học online.
"Tôi làm việc ở bệnh viện, 2 tháng nay chỉ ở khách sạn, không dám về nhà, sợ lây nhiễm cho gia đình. Con tôi cũng đang ở tạm nhà họ hàng. Với biến chủng mới, một chút lơ là cũng dẫn đến nguy cơ nhiễm nên tôi không muốn đặt con mình vào rủi ro", nữ phụ huynh tâm sự.
Con gái mới 7 tuổi, không thuộc đối tượng được khuyến nghị tiêm vaccine (12-18 tuổi) nếu thành phố triển khai tiêm cho học sinh, chị Trúc Lam (quận 11) cũng không muốn cho con trở lại trường sau ngày 15/9. Theo mong muốn của chị, chỉ khi thành phố kiểm soát được số ca nhiễm, chị mới yên tâm đưa trẻ đến trường.
Chị Hoàng Mộc Lan (quận 8), phụ huynh học sinh lớp 1, cho rằng tuy trẻ em không phải thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao, không có gì là tuyệt đối. Hơn nữa, các con bậc tiểu học còn non nớt, chưa ý thức được bảo vệ bản thân. Trẻ còn chung sống với gia đình và có thể lây nhiễm cho người khỏe mạnh trong gia đình.
Chị Cao Liên (quận 12), phụ huynh học sinh lớp 2, cũng chấp nhận con tiếp tục học online, có thể thua thiệt hơn các bạn nếu con chưa thể đến trường.
Nữ phụ huynh đánh giá việc học online tuy không hiệu quả, bất tiện, nhiều vấn đề, dù sao ở nhà con vẫn an toàn hơn. Khi nào thành phố kiểm soát dịch tốt như năm ngoái, chị sẽ cho con đi học lại.
Học sinh từ tiểu học đến THPT tại TP.HCM đã bắt đầu năm học mới bằng hình thức online. Ảnh: Nhật Sinh. |
Đề nghị tiêm vaccine cho trẻ 12-18 tuổi
Sở GD&ĐT TP.HCM từng đề nghị sớm tiêm vaccine cho học sinh trước khi kết thúc học kỳ I. Đối tượng được tiêm là các em từ 12 đến 18 tuổi (lớp 7 đến lớp 12), bao gồm cả giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt, trung cấp, cao đẳng trực thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM. Số lượng học sinh có thể tiêm vaccine là hơn 642.000 em.
Mục đích của việc tiêm chủng đảm bảo tốt nhất công tác giáo dục toàn diện; đáp ứng mục đích, yêu cầu và nội dung chương trình năm học; đặc biệt đối với học sinh khó khăn về cơ sở vật chất hoặc không có người thân hỗ trợ trong khi học tập trực tuyến. Việc tiêm chủng giúp học sinh thành phố được an toàn, an tâm và tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ học tập và rèn luyện trong năm học 2021-2022, giữ vững chất lượng giáo dục của ngành giáo dục thành phố.
Sau khi các con tiêm vaccine 2-3 tuần, việc trở lại trường sẽ an toàn hơn.
Phụ huynh Hải Như
Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM, hơn 80% giáo viên của thành phố đã được tiêm vaccine mũi 1. Kế hoạch của thành phố cố gắng để 100% giáo viên được tiêm đủ 2 mũi trước ngày 20/11.
Từ tháng 4 đến nay, TP.HCM ghi nhận hơn 278.000 ca nhiễm Covid-19. Trong một tuần trở lại đây, mỗi ngày thành phố ghi nhận từ 4.000 đến hơn 8.000 ca F0.
Trong văn bản ngày 6/9 trả lời về đề xuất, kiến nghị tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh phổ thông của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế cho biết hiện chưa có hướng dẫn tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi.
Hiện nay, số lượng vaccine phòng Covid-19 cung ứng cho Việt Nam còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu phòng, chống dịch.
Trên cơ sở tình hình dịch phức tạp tại các địa phương, số lượng vaccine cung ứng và căn cứ đối tượng được tiêm, Bộ Y tế đang hướng dẫn địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.
Khi nguồn cung ứng vaccine đáp ứng đủ, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn và phân bổ vaccine về các địa phương. Khi đó, Bộ Y tế sẽ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách đối tượng tiêm cụ thể, trong đó có người dưới 18 tuổi bao gồm học sinh.
Theo bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng phía Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong các loại vaccine Covid-19 đang được tiêm tại Việt Nam, chỉ có vaccine Pfizer đã thử nghiệm lâm sàng ở người từ 12 đến 18 tuổi. Ngoài ra, hãng này cũng đã thử nghiệm lâm sàng cho nhóm dưới 12 tuổi.
Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất các yếu tố để xác định việc mở cửa trường học, trong đó địa phương (bao gồm thành phố Thủ Đức và các quận, huyện) phải được xác định là an toàn theo bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong trường học. Đội ngũ giáo viên phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine trước ngày đến trường ít nhất 2 tuần. Các trường chỉ tổ chức dạy và học cho những học sinh trong địa phương và trên tinh thần tự nguyện.
Các trường vẫn duy trì dạy học trên Internet, qua truyền hình... để đáp ứng yêu cầu của những học sinh không thể học trực tiếp cũng như hỗ trợ cho việc học trực tiếp. Đề xuất của sở giáo dục ưu tiên cho các lớp nhỏ 1, 2, đầu cấp và cuối cấp được đi học trực tiếp. Từng trường xây dựng phương án đi học lại căn cứ điều kiện thực tế; thời gian đầu sẽ chia nhỏ lớp, chỉ bố trí học 1 buổi, ưu tiên lớp 1, 2, 9, 12 đi học trước, sau đó đến các lớp 5, 6, 10. Những cơ sở giáo dục ngoài công lập có thể bố trí nội trú cho giáo viên và học sinh theo phương án "3 tại chỗ" để dạy học trực tiếp.