BSCKII Kiều Quốc Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cho biết: Cách đây 3 ngày, khoa Cấp cứu Bệnh viện E tiếp nhận một bé nam mới 3 tuổi (ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) bị dao sắc nhọn đâm mạnh vào gót chân cắt đứt gân chân.
Với vết thương ở mặt ngoài cổ chân phải rộng 5cm x 2cm, vết cắt sâu tới tận xương và đang chảy máu rất nhiều. Cháu bé trong tình trạng vô cùng hoảng loạn.
Các bác sĩ ngay lập tức tiến hành sơ cứu cầm máu tạm thời cho cháu bé. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán vết thương của cháu bé là ở phần mềm vùng mặt ngoài cổ chân, đứt gân cổ chân phải. Sau khi có kết quả xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, các bác sĩ quyết định mổ cấp cứu xử lý tổn thương cho cháu bé.
BSCKII Kiều Quốc Hiền, người thực hiện trực tiếp ca mổ cấp cứu, chia sẻ, các bác sĩ đánh giá tình trạng của cháu bé ngay trong lúc tiến hành ca mổ cấp cứu với những tổn thương vô cùng nghiêm trọng như đứt gân mác bên dài, mác bên ngắn, đứt bán phần gân achilles, bên cạnh vết thương phần mềm rất rộng 5cmx2cm…
Các bác sĩ tiến hành xử lý cấp cứu khâu nối toàn bộ chỗ gân bị đứt kể trên và khâu cầm máu vết thương.
Trẻ 3 tuổi bị dao cứa đứt gân chân do người lớn bất cẩn |
Trước đó, gia đình cháu bé cho biết, người bố có sử dụng dao (loại dao Thái sắc, nhọn) gọt hoa quả nhưng không để gọn mà để dưới sàn nhà, khiến cậu con trai, 3 tuổi đang chơi gần đó “đá” vào gây nên tai nạn sinh hoạt vô cùng nguy hiểm này.
BSCKII Kiều Quốc Hiền cho biết thêm, sau 3 ngày phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của cháu bé ổn định và sớm được xuất viện.
Tuy nhiên, BSCKII Kiều Quốc Hiền lo lắng, do cháu bé bị đứt gân rất nhiều, dù đã được các bác sĩ nối lại thành công nhưng để vận động được cháu bé phải tập phục hồi chức năng sau mổ rất nhiều và đau đớn. Trong khi cháu bé còn quá nhỏ, sự phối hợp không dễ thì việc phục hồi chức có thể mất nhiều thời gian hơn.
BSCKII Kiều Quốc Hiền khuyến cáo, tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ thường đến bất ngờ, khó lường trước, gây ra những thương tổn trên cơ thể các em. Nhất là vào dịp nghỉ hè, các tai nạn sinh hoạt gây thương tích cho trẻ nhỏ thường gia tăng đột biến.
Vì thế, các bậc phụ huynh cần lưu ý đến tình huống nào có thể gây rủi ro cho trẻ như dao sắc nhọn, đồ vật thủy tinh, viên bi tròn…; các yếu tố nguy cơ gây bỏng như ổ điện, ấm nước sôi… cần phải tránh xa tầm với của trẻ.
Đối với trẻ lớn hơn, cần đào tạo, hướng dẫn cho trẻ có những kỹ năng để biết cách phòng chống những tai nạn thương tích trong sinh hoạt.
Tuyệt đối không để trẻ ở một mình trong khi bơi, sống gần ao hồ; các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn.
Hằng ngày, tại các cơ sở y tế đều phải cấp cứu cho rất nhiều trẻ em bị tai nạn chấn thương trong sinh hoạt tạo nên những thương tích nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Những chấn thương này nếu không được cấp cứu hoặc xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và tâm lý sau này của trẻ nhỏ.
Vì thế, khi xảy ra tai nạn sinh hoạt đối với trẻ nhỏ, dù là tai nạn nhỏ cũng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, xử trí kịp thời các vết thương, loại trừ các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ sau này.