Sáng nay (26/9), Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam có văn bản về việc cho học sinh trên địa bàn nghỉ học để tránh bão.
Theo đó, học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh nghỉ học ngày 27/9 để phòng tránh bão Noru (Bão số 4).
Sở này yêu cầu các trường triển khai thực hiện chằng chống trường lớp, nhà làm việc, nhà kho, hệ thống cây xanh và các công trình xây dựng khác để phòng tránh gió bão làm tốc mái, ngã đổ; di chuyển tài liệu, sách vở, thiết bị và các phương tiện kỹ thuật khác của đơn vị đến nơi an toàn để tránh ướt, hư hỏng…
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng có công điện khẩn gửi các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn về phương án ứng phó với bão Noru. Trong công điện, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, cơ sở giáo dục trước, trong và sau bão.
Thông báo cho các cơ sở giáo dục cho học sinh, sinh viên nghỉ học kể từ 7h ngày 27/9/2022 cho đến khi có chỉ đạo của UBND tỉnh.
Tránh Siêu bão Noru: Học sinh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị nghỉ học |
Tương tự, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã yêu cầu Sở GD&ĐT chủ động cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn. UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở GD&ĐT thường xuyên nắm bắt thông tin để chủ động cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và dành thời gian để giáo viên tham gia tổ chức phòng, chống bão, mưa lũ tại trường học.
Ở Đà Nẵng, trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên sẽ bắt đầu nghỉ học từ chiều 26/9 cho đến khi có thông báo mới.
Riêng các trường đại học tư thục trên địa bàn thành phố sẽ theo dõi tình hình bão, liên hệ với chính quyền địa phương nơi trường đóng chân, chủ động quyết định thời gian cho sinh viên nghỉ học để đảm bảo an toàn và các yêu cầu về phòng, chống bão.
Về phía Bộ GD&ĐT, để chủ động ứng phó bão Noru và mưa lớn kéo dài ở khu vực miền Trung, Bộ trưởng GD&ĐT tạo vừa gửi công điện tới các Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận về việc chủ động ứng phó cơn bão Noru gần biển Đông.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận theo dõi thường xuyên diễn biến của mưa bão; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp khẩn cấp; Bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi đến trường. Những nơi nguy hiểm do mưa bão cần kịp thời thông báo cho học sinh nghỉ học; Sẵn sàng hỗ trợ người dân tránh trú trong các trường học khi bảo đảm an toàn.
Chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập, lên phương án bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại về cơ sở vật chất, công trình trường học, tài liệu, sách vở và dụng cụ học tập. Chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ (nếu có) để sớm đưa hoạt động dạy và học trở lại bình thường;
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng sớm 26/9, bão Noru đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Luzon (Philippines), đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022.
Hồi 4 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Tây đảo Luzon (Philippines), cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 810 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149 km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 230 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào Biển Đông. Đến 4 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149 km/giờ), giật cấp 16.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km và có xu hướng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở cách đất liền Đà Nẵng-Bình Định khoảng 170 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166 km/giờ), giật cấp 17.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 118,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 4 giờ ngày 29/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực trên khu vực phía Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49 km/giờ), giật cấp 8.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25 km/giờ, suy yếu và tan dần.