Tử vong vì thau bể nước ngầm
Khoảng 21h ngày 22/10, tại căn nhà số 172 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Theo đó, ông Nguyễn Viết L. (SN 1954, tổ trưởng khu phố Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) cùng con trai là anh Nguyễn Viết A. (SN 1988) tiến hành thau rửa bể nước ngầm của gia đình tại tầng 1. Anh A. trèo xuống bể còn ông L. đứng bên trên. Sau một hồi không thấy con lên, ông L. liền trèo xuống thì phát hiện anh A. bị ngất xỉu. Ông L. liền hô hấp nhân tạo cho con trai rồi tìm cách đưa lên trên nhưng nạn nhân đã tử vong ngay sau đó.
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, bể nước ngầm trong các gia đình thường nằm sâu dưới đất. Trong nhiều năm không được vệ sinh, bể nước ngầm tích tụ rất nhiều khí CO2 do sự phân hủy chất hữu cơ có trong đất cũng như khí CO2 sinh ra trong quá trình nấu nướng trong nhà. Khí CO2 thường nặng hơn không khí nên chìm xuống dưới. Khi thau bể ngầm, khả năng ngạt khí CO2 là rất cao. Điều nguy hiểm là người bị ngạt khí CO2 không biết mình bị ngạt khí do loại khí này không có mùi vị, cũng không gây khó thở ngay lập tức. Quá trình ngạt khí CO2 diễn ra từ từ. Chỉ trong vòng khoảng 2 phút, người bị ngạt khí sẽ có thể rơi vào hôn mê và tử vong mà không hề cảm thấy đau đớn hay khó chịu gì.
Đa phần các bể ngầm nhiều năm không được thau rửa nên vi khuẩn yếm khí tích tụ phân hủy sinh ra khí CO2 rất lớn. Vì vậy, các gia đình nếu muốn thau rửa bể cần làm đúng cách, tránh những rủi ro đáng tiếc.
Bật quạt cho thoáng khí
Để đưa oxy xuống các bể ngầm trước khi vệ sinh thau rửa, theo PGS.TS Trần Hồng Côn, nên dùng quạt điện bật liên tục hướng về phía dưới bể để không khí lưu thông, oxy có đường xuống bể. Trước đây người ta thường dùng cành cây có nhiều lá đưa lên đưa xuống bể, giếng… để khơi thông không khí trước khi vệ sinh lại bể, giếng nước. Tuyệt đối không xuống bể ngay lúc vừa mở nắp, nguy cơ ngạt khí sẽ rất cao.
PGS.TS Trịnh Lê Hùng, khoa Hoá, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội nhận định, ở những vùng có địa chất bình thường, bể hay giếng càng sâu thì khả năng bị ngạt khí càng lớn. Điều này là do khí CO2 nặng hơn oxy nên càng ở dưới sâu, hàm lượng khí này càng đậm đặc. Khắc phục điều này bằng cách sử dụng máy sục khí giống như chiếc máy người ta hay dùng cho bể cá để bơm không khí xuống trước khi tiến hành vệ sinh bể. Một cách thủ công để an toàn hơn là dùng ống cao su dẫn khí từ mặt đất để hít thở nếu bể hoặc giếng quá sâu, hoặc dùng dây báo hiệu cho người ở trên khi gặp sự cố.
Trước khi xuống bể, cần phải thử xem dưới đó có khí độc không bằng cách thắp một ngọn nến, hay ngọn đèn, thòng dây thả dần xuống sát mặt nước, nếu ngọn nến vẫn cháy sáng bình thường là không khí dưới bể vẫn đủ oxy để thở. Trái lại, nếu ngọn nến chỉ cháy leo lét rồi tắt thì không nên xuống vì không khí dưới đáy giếng thiếu oxy, và có nhiều khí CO2 hoặc các khí độc khác. Trường hợp nhiễm độc khí metan cũng có, nhưng các bể nước ở thành phố thì gần như không có khả năng này. Khí này chỉ có nhiều ở các vùng mỏ, đá vôi, than…
Các chuyên gia cho biết, khi bị ngạt khí hoặc nhiễm độc khí, cách sơ cứu tốt nhất là cho người bị nạn lên mặt đất và hô hấp nhân tạo để thông mũi và phổi rồi mới đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, cũng chỉ xử lý được những trường hợp mới chớm bị ngạt.