Tranh cãi "uống rượu bia có hại cho sức khỏe"

(khoahocdoisong.vn) - Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, nên bắt buộc ghi nhãn phụ, logo lên sản phẩm rượu bia như: uống rượu bia có hại cho sức khỏe.

Người dân tưởng vẫn có thể uống nhiều bia rượu mà chưa vi phạm

Tại phiên thảo luận Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TPHCM) cho rằng, cần phải bắt buộc ghi nhãn phụ,  logo trên các sản phẩm rượu bia, như: uống rượu bia có hại cho sức khỏe, không dành cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 18 tuổi…

Theo bà Phong Lan, ở dự thảo Luật lần trước đã có quy định này, nhưng lần này lại bỏ với lý do sợ chi phí tăng cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp...

“Nếu đây là một trong những giải pháp thì vì sao lại sợ. Hơn nữa, nếu vì chi phí tăng cao mà hạn chế được tiêu thụ rượu bia thì càng nâng cao tác dụng phòng tránh chứ sao?”, bà Phong Lan nêu quan điểm.

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này bên lề Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói, việc xử phạt uống rượu bia hiện nay theo nghị định 46 của luật giao thông đường bộ, dù đã mạnh mẽ hơn nghị định 171 nhưng còn chưa đủ. Cơ bản là việc tuyên truyền chưa tốt.

Đại biểu QH Phạm Khánh Phong Lan.

Đại biểu QH Phạm Khánh Phong Lan.

“Tôi dám có một phỏng đoán, nếu phỏng vấn người dân, mọi người vẫn tưởng có thể uống bia rượu khá nhiều mà khi bị thổi, vẫn chưa vượt số lượng cồn cho phép. Trong khi đó, mức quy định xử phạt chỉ từ 0,25mg/l khí thở, tức là chỉ tương đương với 1,5 lon bia, và 2 ly rượu nhỏ với nam giới. Còn đối với nữ chỉ một lon bia mà thôi.

Trong khi liên hoan, hội họp thì số lượng rượu bia trung bình thường là hơn số đó. Cho nên, một điều chắc chắn, chỉ là cơ quan công an không thổi phạt, chứ còn đã thổi phạt thì hầu như tất cả mọi người tham gia giao thông sau khi tham gia liên hoan có uống bia rượu sẽ đều bị thổi phạt”, bà Phong Lan nói.

Cho nên, theo bà Phong Lan, điều cơ bản là chúng ta phải tuyên truyền, thông báo để mọi người nắm được và giảm uống rượu bia.

Về phía các cơ quan chức năng, thì nên có những chiến dịch trọng điểm, đặc biệt là ở những khu vực nhiều quán rượu, bia. Sau đó phải có những thông báo, cảnh báo cụ thể cho người dân. Phải có những nghiên cứu so sánh tỷ lệ tai nạn xảy ra khi sử dụng rượu bia như thế nào thì sẽ thực sự có tính răn đe.

Đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5%

Đại biểu Phạm Minh Hiền.

Đại biểu Phạm Minh Hiền.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) chia sẻ, trước kỳ họp, bà có thực hiện việc khảo sát, thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu với trẻ em về các chính sách có liên quan.

Đại biểu Hiền nêu ý kiến cần làm rõ, liệu các nhóm giải pháp mang tính ngăn ngừa  đã đủ tạo nên rào cản để phòng chống tác hại rượu bia với trẻ em vị thành niên trong luật hay chưa.?

“Khi tôi khảo sát nhóm trẻ em từ 12 – 16 tuổi, về các loại thức uống các em dùng thì có 83% ý kiến liệt kê nhiều đồ uống có cồn. 87,6% ý kiến không nhận biết được đồ uống có cồn từ 4,5% trở lên. Khi hỏi về cảm giác sau khi uống, thì đều trả lời rằng “con uống có cảm giác lâng lâng”, con chóng mặt... Gần 80% trẻ lựa chọn đều có thể tiếp tục sử dụng vì có thể giới thiệu, quảng cáo là nước hoa quả có gas, nước lên men...”, đại biểu Phạm Minh Hiền nói.

Theo đại biểu Phạm Minh Hiền, nếu không muốn nói quảng cáo đã tự do đánh tráo khái niệm thì điều này đã trái với việc nghiêm cấm thông tin không chính xác, sai sự thật về mức độ ảnh hưởng của rượu bia, sức khỏe nêu trong Dự thảo.

Từ đây, bà Hiền nêu ý kiến, với quy định quảng cáo, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để hạn chế tác động... thì cần chú trọng 2 vấn đề: Thứ nhất hạn chế thấp nhất trẻ em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn. Thứ hai, kiểm soát nội dung quảng cáo, làm sao để các em không bị lầm tưởng rượu bia là tốt, khuyến khích sử dụng.

Một điều được đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh, là về quy định nồng độ cồn. Theo bà Hiền, trên thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước đa số có nồng độ cồn từ 4,2 – 5%. Và Tổ chức y tế thế giới Who cũng nêu rõ, bia là đồ uống phổ biến của Việt Nam, là sự lựa chọn chính khi trẻ làm quen với thức uống có cồn.

Vì vậy, bà Hiền đề nghị, cần quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5%, và khung giờ quảng cáo cần phải điều chỉnh lại từ 18 – 21 giờ ở điều 12 thay cho những quy định hiện tại. Bởi ai cũng biết 19 – 20 giờ là thời gian của chương trình thời sự, gần như không có quảng cáo.

Bà Hiền cho biết cảm thấy bất ngờ vì Dự thảo không còn quy định cấm bán rượu bia trên 15% độ cồn trên Internet vì nội dung này thực tế đã được quy định tại nghị 105/2017 của Chính phủ. Đây là biện pháp nhằm hạn chế tính sẵn có của rượu bia.

Đại biểu Minh Hiền cho rằng cần tạo ra các rào cản mạnh mẽ, không nên tạo thêm cơ hội cho người tiêu dùng nói chung và trẻ em nói riêng.

“Tôi cảm thấy rằng, Dự thảo này không phục vụ cho mục tiêu phòng chống tác hại rượu bia, lấy lợi ích của người dân làm cốt lõi, cho các nhóm quyền của trẻ em liên quan tới dự luật này”, bà Hiền nói.

Nếu chỉ nhìn Uống rượu bia có hại cho sức khỏe là đi ngược lại xu thế thế giới

Đại biểu Dương Trung Quốc.

Đại biểu Dương Trung Quốc.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc cách tiếp cận hiện nay là sai. Chúng ta phải tiếp cận xây dựng Luật từ góc độ văn hoá. Uống rượu bia là văn hoá của cả nhân loại rồi, sao lại đưa nó lên "đoạn đầu đài" thế này.

Ông Quốc đặt vấn đề: Liệu “uống rượu bia có hại cho sức khoẻ” có phải là thông điệp của thế giới không? Nếu chúng ta cứ nhìn ở góc độ đó thì mãi mãi không khả thi, không thực tế, đi ngược lại xu thế của thế giới.

Đặc biệt, theo nội dung dự thảo luật có điều khoản cấm quảng cáo đối với rượu bia có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, nếu chúng ta thông qua luật này thì việc đầu tiên là sẽ thôi xem bóng đá. Bởi một hãng bia lớn là nhà tài trợ cho bóng đá ngoại hạng Anh và bóng đá thế giới.

Người dân rất cần sức khoẻ nhưng họ cũng vẫn sẵn sàng thức đêm xem đá bóng và họ mong muốn có bóng đá. Sức khoẻ không chỉ thuần túy là sức khoẻ về thể trạng mà còn sức khoẻ về tinh thần, chất lượng sống.

Ông Quốc cũng đặt câu hỏi với Bộ Y tế, mà theo ông là lần trước ông đã hỏi nhưng chưa nhận được câu trả lời: Chúng ta xếp thứ 3 (về mức sử dụng rượu bia ở khu vực châu Á - PV), vậy thứ nhất, thứ 2 là ai? Họ có phải nước lạc hậu không? Liệu Bộ Y tế còn sản xuất rượu bổ không?

Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết, ông đồng tình với việc phải ra luật lúc này, thậm chí là cần có chế tài nặng hơn. Tuy nhiên, chúng ta cần có lộ trình đúng đắn, nhìn nhận khách quan, phù hợp với xu thế, đừng cực đoạn, cục bộ thì luật sẽ không gây hiệu ứng xã hội.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, trong dự thảo luật chưa đề cập tới là nếu tái phạm thì phải xử phạt ở mức độ nặng hơn. Chúng ta nên học tập một số nước về điều này. Với những trường hợp nồng độ rượu bia cao, thổi phạt không dừng lại thì phải cưỡng chế, thậm chí bắt giam vài ngày. Chứ nếu không họ sẽ là cỗ máy giết người.

Theo Đời sống
back to top