TPHCM: Vướng quy định, nhiều dự án trọng điểm khó gọi vốn

(khoahocdoisong.vn) - Trong danh sách đề xuất 7 dự án đưa vào danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 của UBND TPHCM vẫn tiếp tục đề xuất 4 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, gồm: Tuyến đường sắt đô thị số 2 - giai đoạn 2, tuyến số 3a, tuyến số 4 và tuyến số 5 - giai đoạn 1.

Tiếp tục đề xuất

Nội dung này được đề cập trong báo cáo kết quả thực hiện danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài vừa được UBND TPHCM gửi Bộ KH&ĐT. Bảy công trình này được chọn lựa từ 27 dự án do các sở, ngành thành phố đề xuất. Trong đó, tuyến Metro số 2 (giai đoạn 2 gồm 2 đoạn tuyến: Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - bến xe Tây Ninh ở Củ Chi) dài 9,1km với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Dự án sẽ giúp kết nối hành khách từ Tây Bắc thành phố tới trung tâm, trung chuyển với các tuyến metro khác và đường sắt quốc gia, tương lai sẽ kết nối tuyến đường sắt Thủ Thiêm - sân bay Long Thành (Đồng Nai).

Tuyến Metro số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) dài hơn 19,5km, tổng mức đầu tư 1,8 tỷ USD. Dự án nhằm kết nối với các tuyến metro khác tại ga Bến Thành (quận 1) để vận chuyển khách từ trung tâm đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, định hướng kết nối thành phố Tân An (Long An).

Tuyến Metro Số 4 (Thạnh Xuân - KCN Hiệp Phước) dài 36,2km, tổng mức đầu tư hơn 4,5 tỷ USD, mục tiêu vận chuyển khách dọc theo các khu dân cư đông đúc nhất của thành phố qua khu vực Bến Thành theo trục Bắc – Nam.

Tuyến Metro số 5 (giai đoạn 1, ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) gần 9km có tổng mức đầu tư hơn 1,7 tỷ USD. Đây là một trong 3 tuyến metro thuộc dự án danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2012 - 2015 và 2016 - 2020 theo quyết định của Thủ tướng nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Chính quyền thành phố mong muốn được hợp tác xây dựng các tuyến Metro này với các tổ chức chính phủ có nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các tập đoàn lớn, nhà đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông có năng lực tài chính và công nghệ. Hình thức đầu tư ODA hoặc PPP (đối tác công - tư).

Cùng với 4 tuyến metro, 3 công trình khác cũng được thành phố đề xuất đưa vào danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2025: Trung tâm tài chính Thủ Thiêm, Trung tâm hội nghị triển lãm, khách sạn và thuơng mại dịch vụ, Khu Liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc đều ở TP Thủ Đức.

Theo báo cáo của UBND TPHCM, thành phố có 11 dự án thuộc Danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020. Đáng chú ý, đến nay, chỉ có 1 dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế đã có nhà đầu tư nước ngoài (Công ty Berjaya Leisure (Cayman Ltd) tham gia thực hiện. Còn lại 10/11 dự án vẫn chưa nhà đầu tư nào quan tâm. Trong đó, có tới 8 dự án giao thông gồm Dự án xây dựng nhà ga hành khách xe buýt tại Chợ Lớn hiện hữu; 3 dự án đường tuyến số 1, 2, 3; 2 tuyến tàu điện 1 ray (monorail) số 2 và số 3; Tuyến xe điện mặt đất số 1; Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 6.

Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn đi trên cao qua TP Thủ Đức.

Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn đi trên cao qua TP Thủ Đức.

Nhà đầu tư vẫn chưa nhìn thấy hiệu quả

UBND TPHCM cho biết, các dự án giao thông, đường sắt đô thị đóng vai trò quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông công cộng của TPHCM. Tuy nhiên, các dự án này chỉ phát huy hiệu quả rõ nét khi được đầu tư phát triển đồng bộ. Trong giai đoạn 2016 - 2020, việc triển khai đầu tư tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực tế vì nhiều nguyên nhân. Do đó, mặc dù TPHCM đã tiếp xúc và làm việc với nhiều nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội hợp tác, song vẫn chưa đạt được kết quả do các nhà đầu tư vẫn chưa nhìn thấy hiệu quả ở thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, các dự án này có quy mô và vốn đầu tư lớn, đặc biệt là chi phí liên quan việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, đòi hỏi cần phải có các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực phù hợp. Hiện nguồn vốn vay ODA cho đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị ngày càng được thắt chặt, trong khi quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) áp dụng vẫn còn nhiều bất cập, còn tồn tại các nội dung chồng chéo, vướng mắc giữa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Mặc dù các dự án “tồn” vẫn đang loay hoay chưa tìm thấy lối ra về nguồn vốn, nhưng trong danh sách đề xuất 7 dự án đưa vào Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 của UBND TPHCM, tiếp tục có tới 4 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, gồm: Tuyến đường sắt đô thị số 2 - giai đoạn 2, tuyến số 3a, tuyến số 4 và tuyến số 5 - giai đoạn 1.

TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức phân tích: Đối với các dự án giao thông lớn, đặc biệt là đường sắt đô thị, có 2 nhóm nhà đầu tư tiềm năng gồm các nhà tài trợ quốc tế như JICA, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Phát triển của các quốc gia khác dưới dạng cho vay ODA và các ngân hàng thương mại tham gia cùng các tập đoàn đầu tư dưới dạng hình thức đối tác công tư. Các nhà tài trợ quốc tế hiện sẵn sàng cho vay dưới dạng ODA, nhưng TPHCM không thể vay thêm vì nợ công của Việt Nam đã “chạm trần”. Nên không còn con đường nào khác là thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng, phát triển và khai thác đường sắt đô thị.

Theo ông Tuấn, đặc điểm của các dự án này ở giai đoạn đầu là chi phí vận hành rất lớn, doanh thu từ bán vé không đủ bù vận hành, chưa kể các chi phí xây dựng ban đầu. Muốn thu hút được các nhà đầu tư, phải để họ thấy được cơ hội, những giá trị gia tăng thông qua việc cho phép quy hoạch tích hợp giữa phát triển giao thông đô thị và phát triển nhà ở.

Cụ thể, cho phép doanh nghiệp vừa đầu tư đường sắt đô thị, vừa sử dụng đất dọc tuyến và xung quanh nhà ga để phát triển bất động sản, lấy giá trị gia tăng từ đất đai để trả cho chi phí đầu tư hạ tầng đường sắt. Đây là mô hình mà tất cả các nước phát triển đều đang áp dụng, nhưng tại Việt Nam chưa được nghiên cứu cụ thể.

Theo KH&ĐS
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top