TPHCM “quên” xử lý sai phạm đất đai tại nhiều khu công nghiệp

(khoahocdoisong.vn) - Theo Thanh tra Chính phủ, báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất TPHCM (Hepza) cho thấy, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp có sai phạm trong thời gian dài, nhưng chưa được xử lý.

Nhiều sai phạm trong sử dụng đất

Theo Hepza, Công ty cổ phần Hùng Vương để lãng phí 41.767m2 tại KCN Hiệp Phước, Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam để lãng phí 7.273m2 tại KCN Lê Minh Xuân, Công ty TNHH Nga Băng Cốc để lãng phí 4.000m2 tại KCN Tân Bình, Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn để lãng phí 250.000m2 tại KCN Tây Bắc Củ Chi. Hầu hết các KCN tại TPHCM thực hiện giải phóng mặt bằng chậm với tổng diện tích chưa được giải phóng lên tới gần 160ha. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện thêm nhiều sai phạm khác của chủ đầu tư KCN và doanh nghiệp tại đây.

Cụ thể, căn cứ đề nghị của UBND TPHCM, Thủ tướng đã có Quyết định số 469/TTg ngày 2/7/1997 thu hồi và giao hơn 207ha đất tại xã Bình Hưng Hòa, Vĩnh Lộc A (thuộc huyện Bình Chánh) và xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) cho Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn xây dựng KCN Vĩnh Lộc. Tuy nhiên, tại thời điểm thanh tra, Thanh Tra Chính phủ nhận thấy chủ đầu tư vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Mặt khác, Chủ đầu tư KCN Vĩnh Lộc chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng KCN theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt; chỉ đầu tư từng hạng mục công trình để cho thuê.

Ngoài ra, chủ đầu tư KCN Vĩnh Lộc đã và đang sử dụng một số khu đất không đúng mục đích so với quy hoạch được duyệt, như dùng một phần đất kho tàng cho Công ty Thuốc lá Bến Thành thuê xây dựng nhà máy sản xuất, sử dụng đất cây xanh xây dựng nhà máy xử lý nước thải, văn phòng, đất bãi đậu xe xây dựng cây xăng, ki-ốt cho thuê. Công ty cổ phần Hoàng Quỳnh xây dựng nhà máy bia công suất 100 triệu lít/năm trên diện tích 1,5ha, nhưng không có giấy phép xây dựng. Việc xây dựng không đúng các tiêu chí quy hoạch được duyệt, xây dựng nhà máy bia vượt ngoài ranh đất, lấn vào phần đất giao thông của KCN…

Tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Công ty Thương mại Củ Chi và Công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ký Hợp đồng số 04/HĐCT ngày 1/6/2004 thuê 50ha để xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất bia thời hạn 43 năm, Sabeco đã thanh toán toàn bộ số tiền thuê đất hơn 188 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra, Sabeco mới đầu tư và sử dụng khoảng 26ha, diện tích còn lại chưa đưa vào sử dụng trong suốt 9 năm nhưng không xin gia hạn thời gian sử dụng đất. Thanh tra Chính phủ xác định việc này đã vi phạm điều 15, Nghị định số 36/1997 của Chính phủ, gây lãng phí đất và tiền thuê đất đã thanh toán khoảng 18 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ phát hiện, ITACO ký hợp đồng với các doanh nghiệp, ngân hàng… thuê đất không đúng quy định.

Thanh tra Chính phủ phát hiện, ITACO ký hợp đồng với các doanh nghiệp, ngân hàng… thuê đất không đúng quy định.

Không báo cáo Thủ tướng

Tại khu công nghiệp Tân Tạo hiện hữu, chủ đầu tư là Công ty ITACO ký hợp đồng cho các doanh nghiệp, ngân hàng… thuê đất không đúng quy định được duyệt. Ban quản lý khu công nghiệp đồng ý điều chỉnh quy hoạch cho hơn 95.000m2 đất không đúng thẩm quyền tại các khu đất được quy hoạch làm cây xanh, bến bãi… Cụ thể, ITACO cho Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Tây Sài Gòn thuê hơn 3.000m2 để làm trụ sở giao dịch với giá thuê đất trả tiền một lần hơn 7,7 tỷ đồng; cho BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn thuê hơn 5.000m2 với tổng tiền trả một lần cũng hơn 7,7 tỷ đồng; cho Công ty cho thuê Tài chính II Nam Sài Gòn thuê hơn 3.000m2 với giá hơn 6,6 tỷ đồng…

Tại KCN Tân Tạo mở rộng, từ năm 2000, Thủ tướng có quyết định giao 215,7ha cho Công ty Tân Tạo làm chủ đầu tư xây dựng KCN với thời hạn 50 năm. Công ty Tân Tạo đã cho các nhà đầu tư thuê đất hình thức trả tiền một lần và đã thu tiền. Tuy nhiên, tới thời điểm thanh tra, công ty này chưa thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước theo quy định. Chưa hết, Công ty Tân Tạo được Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM ký hợp đồng cho thuê hơn 2.157.346m2 đất theo hình thức trả tiền hàng năm, nhưng đã cho 5 nhà đầu tư thuê đất theo hình thức thu tiền một lần cho cả thời gian thuê, đã thu hơn 142 tỷ đồng. Mặc dù vậy, chủ đầu tư cũng chưa thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước theo quy định.

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện, UBND TPHCM có Văn bản số 5090/VP-ĐTMT ngày 29/6/2013 chấp thuận chủ trương điều chỉnh giảm diện tích KCN Tân Tạo mở rộng, chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam xây dựng công trình tạm trên diện tích hơn 7.332m2 ở phần diện tích được tách ra khỏi KCN khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng và Bộ Xây dựng. Mãi đến năm 2014, Thủ tướng mới có văn bản đồng ý giảm diện tích KCN Tân Tạo mở rộng.

Việc làm sai quy hoạch cũng được phát hiện tại KCN Tân Bình (Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Tân Bình - Tanimex làm chủ đầu tư). Cụ thể, UBND TPHCM có Quyết định số 2648/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 với tổng diện tích trên 105ha, giảm hơn 72ha về quy mô, diện tích, ranh giới so với diện tích đã được Thủ tướng phê duyệt, mà không báo cáo Thủ tướng. Trong khi đó, Tanimex không đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh KCN theo quy hoạch được duyệt, mà chỉ đầu tư từng hạng mục để cho thuê. Công ty cũng chỉ đầu tư xây dựng diện tích đất cây xanh hơn 7ha, tương đương 7% diện tích, thiếu so với quy hoạch tối thiểu (10%) và phần dôi ra thì xây dựng sân thể thao là sai mục đích sử dụng đất.

Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra những tồn tại, sai phạm tại các KCN nêu trên, trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư KCN, các sở, ngành của TPHCM (Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng…) và UBND các quận, huyện. Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TPHCM có biện pháp giải quyết, xử lý đối với đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp có vi phạm. Truy thu tiền sử dụng đất, thu hồi các khoản thu không hợp pháp từ việc vi phạm pháp luật. Yêu cầu chủ đầu tư triệt để khắc phục các sai phạm, nhất là sai phạm liên quan đến sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng công trình không đúng quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, chưa trồng cây trên đất trồng cây xanh theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Đời sống
Loạn giá vòng tay trầm hương

Loạn giá vòng tay trầm hương

Gỗ trầm hương được cho là nằm trong “Tứ đại hương mộc” của Việt Nam. Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu sử dụng ngày càng cao trên thị trường, đã có rất nhiều sản phẩm nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan.
back to top