TPHCM: Hàng trăm khách hàng khu dân cư Hoàng Hải có nguy cơ mất trắng tài sản

(khoahocdoisong.vn) - Hơn 10 năm trước, 600 khách hàng đã mua đất của Công ty CP đầu tư kinh doanh nhà Hoàng Hải (Công ty Hoàng Hải) ở huyện Hóc Môn, TPHCM. Nhưng đến nay, người dân ở khu dân cư này chẳng những chưa được cấp giấy chứng nhận chủ quyền (sổ đỏ) mà còn có nguy cơ mất trắng tài sản vì "sổ đỏ" khu dân cư Hoàng Hải đã được cấp... cho một công ty khác.

Có dấu hiệu lừa đảo

Theo phản ánh của nhiều hộ dân sống tại khu dân cư Hoàng Hải, họ mua đất nền của chủ đầu tư là Công ty Hoàng Hải. Công ty hẹn một thời gian sẽ cấp sổ đỏ. Nhưng sau nhiều năm nộp giấy tờ hồ sơ, đến nay họ vẫn chưa nhận được giấy chủ quyền nhà.

Ông Minh, quê ở Bắc Ninh cho biết, năm 2009 ông mua lại lô đất 100m2 ở khu dân cư Hoàng Hải với giá 1 tỷ đồng và đã đóng được 90% giá trị lô đất.

“Khi đó tôi vào TPHCM lập nghiệp với nghề làm mộc, thấy đất ở đây rao bán nên tôi đã quyết định bán nhà đất ở ngoài Bắc Ninh mua lô đất này định cất nhà để an cư. Thế nhưng đến nay, đất mua rồi cũng không xây nhà được, không làm sổ đỏ được. Tôi liều xây căn nhà tạm bằng tôn để ở”, ông Minh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đông, nhà ở quận Tân Bình cũng cho biết, ông gom góp tiền và vay mượn để mua đất tại đây. Cũng như ông, tại thời điểm đó đa số khách hàng mua đất tại dự án không phải giàu có gì, có người còn đi vay tiền để mua, giờ thủ tục khu đất để lâu thế này khiến khách hàng thiệt hại rất lớn.

Không chỉ bị mất quyền, nhiều người mua đất ở đây còn khốn khổ hơn khi một lô đất bán cho nhiều người, dẫn đến cảnh tranh chấp. Như trường hợp của ông Ngô Thế Toàn (huyện Hóc Môn, TPHCM) đã ký hợp đồng trực tiếp từ Công ty Hoàng Hải mua lô đất tại dự án. Tuy nhiên, một thời gian sau ông phát hiện lô đất của mình đã bị bán cho một khách hàng khác. Hiện nay hai bên vẫn đang kiện nhau ra tòa và chưa có hồi kết.

Hay trường hợp của ông Ngô Văn Hòa (huyện Hóc Môn, TPHCM) mua lô đất 100m2 giá 1,3 tỷ đồng vào năm 2018. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng mua lô đất trên, ông Hòa phát hiện lô đất bị Công ty Hoàng Hải ký bán cho một người khác tên Nguyễn Công Trình.

“Do chính quyền chậm xử lý các vấn đề sai phạm tại Công ty Hoàng Hải nên đến nay phát sinh nhiều tranh chấp phức tạp”, ông Hòa cho hay.

Được biết, đa số những người mua nền đất tại đây đã đóng 80 - 90% giá trị nền đất. Trong số 601 nền đất, có 79 nền đã được xây dựng nhà kiên cố, nhưng chưa được hoàn công, việc cấp sổ đỏ cho dân chưa thực hiện được.

600 khách hàng đã mua đất của Công ty Hoàng Hải đối diện nhiều rủi ro.

600 khách hàng đã mua đất của Công ty Hoàng Hải đối diện nhiều rủi ro.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Năm 2009, Công ty Hoàng Hải triển khai dự án đất nền (ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM) có tổng diện tích 56,2ha. Trong đó, Công ty Hoàng Hải đã dành khoảng 15ha để phân lô bán 601 nền đất cho khách hàng.

Đến tháng 11/2009, ông Ngô Quang Trưởng, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Hải bị bắt giam vì liên quan đến vụ án thuê người sát hại cấp dưới của mình là ông Đặng Xuân Sĩ. Sau đó ông Trưởng chết trong tù vì bệnh ung thư.

Lúc này, bà Võ Thị Quỳnh Vân, một cổ đông đồng thời là giám đốc công ty, đã rút vốn ra khỏi Công ty Hoàng Hải bằng cách lấy 15ha đất trong dự án. Điều đáng nói, 15ha đất mà bà Quỳnh Vân rút ra lại chính là nơi hơn 600 nền đất trước đó Công ty Hoàng Hải đã bán cho khách hàng.

Sau đó, bà Quỳnh Vân xin cập nhật lại giấy tờ, đứng tên quyền sử dụng các lô đất cho Công ty Thành Sơn do bà Quỳnh Vân là đại diện pháp nhân. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã cấp sổ đỏ cho Công ty Thành Sơn đứng tên lô đất trên. Hệ quả là 600 khách hàng đã mua đất như ngồi trên đống lửa vì đất của mình mua nay đã bị chuyển tên cho pháp nhân khác.

Theo lời cư dân tên H., số diện tích đang bị bỏ hoang đều là đất nông nghiệp, chưa chuyển mục đích sử dụng nhưng Công ty Hoàng Hải đã bán hết cho dân. Họ đang trong tình thế lưỡng nan, bán không xong mà ở không được.

Ông H. cũng cho biết, đầu năm 2015, hơn 400 hộ dân có quyền lợi trong dự án sai phạm được mời đến UBND huyện Hóc Môn để lấy ý kiến về việc doanh nghiệp Thành Sơn đứng ra thực hiện dự án 13,6ha/56,2ha của 4 khu đất nông nghiệp.

Lúc này người dân mới vỡ lẽ ra, số đất nền mà họ mua của Công ty Hoàng Hải giờ là sở hữu của Thành Sơn, giấy tờ đất được Sở TN&MT đăng bộ xác nhận ngày 12/2/2015 theo công văn 1093/VP-PCNC ngày 2/2/2015 của Văn phòng UBND thành phố và công văn 526/BC-CATP (PC46) ngày 4/3/2013 của Công an Thành phố.

Điều trớ trêu là, để Công ty Thành Sơn hoàn chỉnh hạ tầng, giấy tờ khu đất này thì mỗi người mua phải đóng thêm 3,5 triệu đồng/m2. Thêm nữa, chỉ có những hộ dân bị ảnh hưởng trong 13,6ha được mời lên để giải quyết, những hộ dân còn lại chịu thiệt. Hậu quả là hàng trăm hộ dân bị lừa khi mua đất chưa được quy hoạch, chính quyền phải lúng túng từng bước gỡ rối cho người dân, mà cho đến nay hậu quả đó vẫn còn tồn đọng.

Trao đổi với báo chí, ông Dương Văn Phúc, Trưởng phòng TN&MT huyện Hóc Môn cho biết, liên quan đến khu đất 15ha mà hiện nay khách hàng đang khiếu kiện, khi rút vốn, bà Quỳnh Vân đã được cấp sổ đỏ cho khoảng hơn 7ha.

Hiện UBND huyện Hóc Môn đang phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế (C03) Bộ Công an để cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra. Ngoài ra, UBND TPHCM cũng lập một tổ công tác riêng do Thanh tra TPHCM chủ trì cùng phối hợp với các sở, ban, ngành chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề dân sự và hành chính trong vụ việc phức tạp này.

“UBND huyện theo chỉ đạo của TPHCM là đang tiến hành rà soát lại hết, phân loại ra rồi sẽ báo cáo với thành phố có hướng xử lý sớm nhất cho người dân”, ông Phúc cho hay.

Theo kết luận của Thanh tra TPHCM, việc thực hiện và hoạt động của Công ty Hoàng Hải có nhiều bất thường khi từ năm 2001 - 2003. Mặc dù vốn đầu tư chỉ có 25 tỷ đồng, nhưng công ty được UBND huyện Hóc Môn chấp thuận cho thực hiện đến 11 dự án, với tổng diện tích lên đến 100ha, trong đó có 4 dự án phân lô hộ lẻ, 3 dự án nhà ở và bốn khu đất nông nghiệp.

Nhiều dự án mới đền bù được 60 – 80%, nhưng Công ty Hoàng Hải vẫn báo cáo với UBND huyện Hóc Môn là đã đền bù 100% để được giao đất. 

Tại các dự án có quyết định giao đất, hay những khu đất nông nghiệp mới được thoả thuận địa điểm, chưa chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được duyệt quy hoạch 1/500, nhưng Công ty Hoàng Hải vẫn “xẻ” đất bán cho dân, bất chấp lệnh cấm phân lô bán nền của thành phố lúc bấy giờ.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top