Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết, tỉ lệ gần 100% người dân đã được tiêm ngừa mũi 1 và 72% người dân đã tiêm đủ mũi 2 cho thấy TPHCM đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần, có thể sống chung an toàn với dịch.
Tuy nhiên, với biến chủng Delta, tỉ lệ tiêm văcxin phải tăng lên, điều này TP chưa đáp ứng được. Do đó, ngoài văcxin, việc áp dụng các biện pháp 5K vẫn là quan trọng nhất.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng kiến nghị không cần thiết cách ly F1 nếu đã tiêm văcxin đủ hai mũi, xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ để có thể ứng phó kịp thời.
Đồng thời, đánh giá mức độ miễn dịch ở người lớn tuổi để có thể thực hiện các mũi tiêm tăng cường ở các đối tượng này khi cần thiết.
Đánh giá về làn sóng Covid-19 lần 4, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh (Trường đại học Kinh tế - luật TPHCM) thừa nhận, nó đã nhanh chóng gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, sốc tiêu cực xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu.
Tổn thất thấy rõ ở cá nhân, hộ gia đình; lao động, việc làm suy giảm mạnh; doanh nghiệp kiệt quệ tài chính.
Nghiên cứu riêng của PGS.TS Khánh cho thấy, số lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách trên 1 triệu người, chiếm 41,2% của gần 2,5 triệu lao động tham gia BHXH.
Với mức độ tổn thất nghiêm trọng, cung và cầu thị trường nội địa đều sẽ phục hồi hết sức chậm chạp, do đó cơ hội việc làm sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn.
Các doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản.
Điều này rất có thể sẽ khiến nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng; tăng trưởng kinh tế suy giảm; cân đối ngân sách căng thẳng.
Do đó, mức hỗ trợ của TPHCM cần phải gia tăng mới đủ khả năng hồi phục.
Cũng theo ông Khánh, giải pháp giảm lãi suất có tác dụng kích thích tiêu dùng và đầu tư, được xem là công cụ giúp kích thích toàn diện nền kinh tế trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, dư địa để giảm lãi suất huy động không còn nhiều.
Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc song song với việc điều chỉnh thích hợp trần tăng trưởng tín dụng.
Chỉnh sửa một số vấn đề kỹ thuật trong quy định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ của thông tư 14/2021/TT-NHNN để tạo thuận lợi hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, tái cấu trúc nợ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ Covid-19.
Thậm chí, gói hỗ trợ 2021 của Chính phủ có thể lên đến 250.000 tỉ đồng, tương ứng khoảng 4% GDP là vô cùng cần thiết.