Miễn dịch chỉ có khi phần lớn người dân được tiêm chủng
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với số người nhiễm ngày càng tăng, một số ý kiến cho rằng nên chăng đã đến lúc áp dụng miễn dịch cộng đồng? PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, khả năng miễn dịch cộng đồng chỉ có thể đạt được khi số người mắc bệnh đạt đến ngưỡng cần thiết và trở nên miễn dịch với virus, từ đó giúp cung cấp sự bảo vệ cho toàn bộ cộng đồng bằng cách hạn chế số người có thể lây truyền virus. Do vậy, khả năng miễn dịch cộng đồng có được khi phần lớn người dân được tiêm văcxin chủng ngừa chứ không phải qua việc để dịch bệnh lây nhiễm một cách tự nhiên.
Bao nhiêu phần trăm dân số cần phải miễn dịch với virus SARS-CoV-2 để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng? Theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), câu trả lời là 70 - 90% dân số, tùy thuộc vào mức độ lây nhiễm của dịch bệnh. Vai trò của kháng thể và mức độ ảnh hưởng ảnh hưởng của chúng đối với khả năng miễn dịch lâu dài vẫn còn nhiều nghi vấn. Một nghiên cứu của Anh phát hiện ra rằng, các kháng thể chống lại virus này có thể bắt đầu giảm trong khoảng thời gian từ 20 - 30 ngày sau khi khởi phát các triệu chứng mắc Covid-19.
Đối với đại dịch Covid-19, theo PGS.TS Đinh Duy Kháng, miễn dịch cộng đồng thậm chí rất khó xảy ra bởi ở nhiều khu vực như Hồng Kông (Trung Quốc), châu Âu và Mỹ, có rất nhiều trường hợp tái nhiễm. Nếu khả năng miễn dịch tự nhiên chỉ tồn tại trong thời gian ngắn thì điều này sẽ không đủ ổn định để cung cấp sự bảo vệ cho cộng đồng. Do vậy, không nên nghĩ đến giải pháp này ngay cả khi số người mắc Covid-19 tăng cao. Hơn nữa, khả năng đến 70% dân số thế giới nhiễm Covid-19 là rất thấp bởi công tác phòng chống kiểm soát dịch bệnh cũng như quy trình nghiên cứu văcxin đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
“Ở Việt Nam dù số người mắc Covid-19 không nhiều so với thế giới song việc thúc đẩy làm chủ công nghệ sản xuất văcxin vẫn cần được quan tâm”, PGS.TS Đinh Duy Kháng cho hay.
Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất văcxin
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, hiện đã có 2 trong 4 nhà sản xuất văcxin Covid-19 trong nước đang làm test thử thách là Viện Văcxin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) và Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Dược NANOGEN. Test thử thách là tạo ra văcxin, tiêm cho động vật. Sau khi được tiêm văcxin, các nhà nghiên cứu sẽ cho động vật sẽ tiếp xúc với mầm bệnh. Nếu văcxin bảo vệ được thì động vật thử nghiệm không mắc bệnh còn văcxin không bảo vệ được thì động vật sẽ nhiễm virus. Toàn bộ thử nghiệm tiền lâm sàng văcxin Covid-19 đã được IVAC chuyển sang phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ với kinh phí đầu tư khoảng 1 triệu USD để đánh giá độc tính, tính sinh miễn dịch và test thử thách.
Còn NANOGEN đã thử nghiệm độc tính của văcxin ở Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, đồng thời, làm test thử thách. Song song với việc làm test thử thách của Viện Vệ sinh dịch tế T.Ư, Bộ Y tế yêu cầu NANOGEN phải gửi mẫu sang phòng thí nghiệm của Hàn Quốc để làm thử thách thêm. Dự kiến tháng 12/2020 sẽ có kết quả. Trên cơ sở kết quả tiền lâm sàng, tháng 12/2020 Bộ Y tế sẽ cho phép nghiên cứu văcxin lâm sàng và cho kết quả trong khoảng 1 năm.
Hy vọng đến tháng 4/2021 cả 2 nhà sản xuất có thể cho kết quả nghiên cứu lâm sàng. Nếu kết quả này khả thi thì Việt Nam sẽ sớm có văcxin Covid-19. Trước khi thử nghiệm trên người, văcxin phải trải qua quá trình điều tra cẩn thận trong phòng thí nghiệm, sau đó là thử nghiệm trên động vật. Sau thử nghiệm tiền lâm sàng, văcxin mới được đưa vào thử nghiệm lâm sàng, trực tiếp trên cơ thể con người.