Chính phủ đã đặt một mốc thời gian cụ thể để TPHCM phấn đấu kiểm soát được dịch Covid-19: trước ngày 15/9. Thời gian còn lại không quá dài, địa phương này cần tăng tốc bằng những giải pháp phòng, chống dịch quyết liệt, hiệu quả trong hơn 30 ngày tới.
Hơn 2 tháng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội bằng nhiều mức độ, hơn 4 tuần áp dụng những biện pháp quyết liệt nhất theo Chỉ thị 16; 16 ngày mọi hoạt động sau 18h cần tạm ngừng để phòng, chống dịch Covid-19 - những mốc thời gian đủ dài để người dân TPHCM cảm thấy nhớ sự sôi động quen thuộc trước đây của đô thị năng động nhất cả nước, trước thời điểm đợt bùng phát dịch thứ 4 diễn ra.
Chính quyền thành phố đã nhận định, số ca mắc Covid-19 mới trên địa bàn đã đi ngang và có xu hướng giảm, những chỉ số thống kê của ngành y tế cũng chỉ rõ sự chính xác của nhận định trên. Dù còn nhiều diễn biến đáng quan ngại về tình hình dịch bệnh, nhưng điểm sáng này đã phần nào cho thấy những biện pháp được áp dụng suốt thời gian qua của TPHCM đã mang lại hiệu quả bước đầu.
Ngày 10/8, Chính phủ lần đầu tiên đưa ra một mốc thời gian cụ thể cho TPHCM trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, theo đó địa phương này cần phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9.
Khoảng thời gian không quá dài so với tình hình thực tế đang diễn ra hiện nay. Để nhịp sống bình thường sớm quay lại, thành phố cần "chạy nước rút" thế nào trong 30 ngày tới?
Trong những ngày đầu tiên áp dụng Chỉ thị 16, TPHCM đã gặp những vướng mắc nhất định liên quan đến kiểm soát người đi lại, giãn cách bên trong khu vực cách ly và cung ứng nhu, yếu phẩm cho người dân. Những bất cập trên dẫn tới một số thời điểm, việc tập trung đông người, chưa đảm bảo giãn cách vẫn diễn ra.
Về mặt dịch tễ, những chỉ số của dịch Covid-19 trong những ngày đó vẫn chưa có dấu hiệu bớt căng thẳng, ca mắc mới trên địa bàn được công bố mỗi ngày có xu hướng gia tăng.
Dấu hiệu tích cực chỉ xuất hiện trở lại khi mọi phần việc ở TPHCM đã "vào guồng", cảnh tập trung đông đúc được giải quyết dứt điểm. Trong đầu tháng 8, biểu đồ số ca mắc mới của TPHCM có chiều hướng đi xuống, số ca lây nhiễm trong khu cách ly, khu phong tỏa giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, cũng thời điểm này, sự lơ là, chủ quan tái xuất hiện.
Khi thời gian giãn cách xã hội của TPHCM đã qua mốc 70 ngày, một số trục đường trên địa bàn xuất hiện tình trạng đông đúc trở lại. Tại một số chốt kiểm soát thuộc quận Gò Vấp, lực lượng chức năng phải xả trạm vào một số thời điểm để tránh tập trung đông người.
Trao đổi với Dân trí chiều 12/8, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã ghi nhận vấn đề trên. Biện pháp được đưa ra là lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
"Cuộc chiến chống Covid-19 còn trường kỳ, ít nhất là đến ngày 15/9. Thành phố sẽ tiếp tục vận động bà con "chịu đựng gian khổ" để vượt qua khó khăn này. Nếu không, thành phố sẽ tiếp tục khó khăn ở mức độ cao hơn, thời gian dài hơn", Phó Bí thư Thành ủy TPHCM kêu gọi.
Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 12 của Thành ủy, vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong phòng, chống dịch bệnh là điều TPHCM đã và đang áp dụng quyết liệt. Lực lượng chức năng của thành phố và cấp quận, huyện đã xử phạt hàng nghìn trường hợp ra đường không đúng mục đích, không có lý do chính đáng với tổng số tiền hàng tỷ đồng.
Đối với các cấp chính quyền, 2 vị phó chủ tịch phường thuộc quận 8 đã bị đình chỉ công tác, điều chuyển và kiểm điểm nghiêm khắc. Nguyên nhân của sự việc là những lãnh đạo phường trên chưa thực hiện nghiêm việc xử lý các trường hợp vi phạm giãn cách xã hội, chưa giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân.
Với những thông điệp cứng rắn trên, TPHCM muốn khẳng định rõ việc không được chủ quan, lơ là xuất hiện trong bất kỳ một khâu, quy trình nào khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Trong 30 ngày tới, sự chấp hành, đồng thuận của người dân và "xắn tay" vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền sẽ đóng vai trò quan trọng cho giai đoạn "nước rút" kiềm chế dịch bệnh.
Với sự tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến nền kinh tế của TPHCM chịu ảnh hưởng không nhỏ. Việc nhiều hoạt động phải tạm ngừng toàn bộ khiến các ngành dịch vụ - vốn là thế mạnh của TPHCM - gần như đóng băng trong suốt hơn 2 tháng.
Theo dự báo của các cấp chính quyền, những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 sẽ không dừng lại trong năm 2021. Nếu dịch bệnh chậm được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng bình quân của thành phố trong 2 năm đầu sẽ thấp hơn bình quân chung của giai đoạn 2021-2025.
Để đảm bảo không đứt gãy nền kinh tế vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 - nhưng đảm bảo an toàn tối đa, TPHCM đã có những phương án để các doanh nghiệp vừa cách ly, vừa sản xuất. Mới đây nhất, phương châm "3 tại chỗ" hay "một cung đường, hai địa điểm" là điều kiện bắt buộc được đặt ra đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn duy trì hoạt động.
Tuy nhiên, trong thực tế, phương án này gặp không ít khó khăn và bất cập trong triển khai thực tế.
Sau những chuyến thị sát công tác phòng, chống dịch tại TPHCM và một số tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ trong gần một tháng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh những khó khăn, thách thức trong duy trì sản xuất ở thời điểm thực hiện giãn cách xã hội.
Ông Vũ Đức Đam đánh giá, việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 có gây ách tắc về sản xuất, lưu thông hàng hóa, đời sống người dân bị ảnh hưởng, sinh hoạt bị xáo trộn. Nhưng nếu làm không nghiêm, Covid-19 sẽ tiếp tục lây lan dai dẳng, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng nhìn nhận, việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế đã được xác định từ khi bắt đầu có dịch, cần được cân đối, làm sao thực hiện tốt được cả hai.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, không chỉ TPHCM và các tỉnh phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16, mà toàn quốc phải nghiêng về phía chống dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân.
Khái niệm "vùng xanh trên bản đồ Covid-19" được người dân TPHCM biết đến từ ngày 9/7. Thời điểm ấy, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi đã phát động thi đua mở rộng "vùng xanh" trên toàn địa bàn.
Đến nay, những tấm biển "Vùng xanh", "Khu vực an toàn", "Vùng không có dịch, người lạ không vào"… đã nhân rộng khắp các con hẻm, tuyến đường ở nhiều quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Với sự quyết tâm từ các cấp chính quyền và sự đồng lòng từ người dân, phong trào đã góp phần giúp bức tranh toàn cảnh về tình hình dịch Covid-19 của TPHCM có những chuyển biến rõ nét.
Sau 3 tuần triển khai, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá, chiến lược "bảo vệ vùng xanh" đã phát huy hiệu quả nhất định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Minh chứng rõ nét nhất cho sự hiệu quả này là số ca F0 ghi nhận mỗi ngày đang đi ngang và có dấu hiệu giảm xuống.
"Giống như một cây to, chúng ta không thể ôm hết, nhưng có thể ôm chặt từng nhánh nhỏ. Hiện tại, TPHCM không phong tỏa trên phạm vi lớn mà siết chặt lại tại những vùng trọng tâm, trọng điểm. Những khu vực là 'vùng xanh' phải được kiểm soát chặt", ông Dương Anh Đức phân tích.
Trước những hiệu quả bước đầu của chiến lược mang lại, ngày 12/8, chính quyền thành phố đã nâng mức bảo vệ "vùng xanh" lên cấp độ cao hơn. Các đường phụ, lối nhỏ, hẻm ra vào "vùng xanh" được yêu cầu phải phong tỏa cứng, không cho ra vào kể cả người và phương tiện.
Ngoài ra, cư dân thuộc vùng xanh phải được kiểm danh, kiểm diện hàng ngày, mỗi hộ gia đình sẽ đi chợ một lần trong tuần bằng phiếu. Nhóm đối tượng cư trú trong "vùng xanh", được phép đi làm bình thường, nhưng cần khai báo y tế khi về nơi cư trú, áp dụng các biện pháp cách ly tại nhà như đối với F1.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng lưu ý, trong thời gian trước đó, các địa phương chỉ tập trung dập dịch ở các "điểm nóng, vùng đỏ, vùng cam" mà không chú ý đến hình thành, nhân rộng vùng xanh. TPHCM cũng từng để xảy ra tình trạng này, khi những "vùng xanh" bị co lại.
"Trong đợt bùng phát dịch thứ 4, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 đều nhấn mạnh, phải thực hiện quyết liệt cả 2 mũi. Mũi thứ nhất là khoanh điểm, ổ dịch nóng. Mũi còn lại là giữ bằng được vùng an toàn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Gần 60 ngày căng sức chống lại đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 và áp dụng giãn cách xã hội với nhiều mức độ, TPHCM chính thức công bố việc chuyển dần sang chiến lược điều trị, tập trung nguồn lực chăm sóc các F0 chuyển nặng, hạn chế đến mức tối thiểu số ca tử vong.
Tuy nhiên, những thành trì cuối cùng bảo vệ tính mạng cho các F0 là những bệnh viện điều trị, hồi sức Covid-19 tại tầng điều trị thứ 5 cũng đứng trước những khó khăn về nhân sự, bác sĩ có chuyên môn chuyên sâu và hệ thống trang, thiết bị chuyên dụng.
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 11/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhìn nhận có tình trạng quá tải trong điều trị F0 tại TPHCM. Sự quá tải trên xuất phát từ công tác phân loại, phân tầng cho các bệnh nhân.
"Bệnh nhân ở tầng điều trị thứ 3 và đơn vị hồi sức tích cực đang ở mức cao. Một số trường hợp được phân vào tầng 3, nhưng hoàn toàn có thể điều trị ở bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến huyện", ông Trần Văn Thuấn nhìn nhận.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, chiến lược của Việt Nam là ngăn chặn dịch, giảm tối đa người nhiễm. Khi có nhiều người nhiễm, hệ thống y tế chắc chắn sẽ quá tải.
"Thực tế ở TPHCM vừa qua, số ca nhiễm tăng lên, các bệnh viện điều trị đã quá tải. Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng khẩn cấp thêm các bệnh viện điều trị Covid-19. Nhưng quan trọng là cần tận dụng toàn bộ cơ sở y tế hiện có trên địa bàn", ông Vũ Đức Đam nhìn nhận.
Định hướng cho công tác điều trị tại TPHCM và các tỉnh, thành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, muốn giảm tử vong ở tầng điều trị trên cùng, các đơn vị cần tập trung lực lượng để cứu chữa ngay từ khi bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Việc điều trị cần thực hiện theo phương châm "sớm hơn một bước, cao hơn một mức" để giảm tỷ lệ người có triệu chứng nhẹ chuyển nặng hơn.
"Ở TPHCM cùng các địa phương, những khu vực dành riêng cho F0 không triệu chứng, chưa được coi là bệnh nhân thì phải quản lý chặt, không để tiếp xúc, lây lan ra bên ngoài. Bên trong, bà con được chăm sóc dinh dưỡng, có chỗ vận động, sức khỏe sẽ tăng lên, tỷ lệ có triệu chứng giảm đi rất nhiều", ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Với giải pháp được cho là căn cơ để ngăn chặn dịch Covid-19 là vắc xin, Phó Thủ tướng yêu cầu, nếu lượng vắc xin đủ, thành phố cần tiêm hết cho người dân. Bên cạnh đó, việc giữ vững, mở rộng vùng xanh là điều cần thiết nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất, đi lại của người dân một cách có điều kiện.
"Khi đó, TPHCM sẽ thiết lập lại trạng thái bình thường mới khác các khu vực còn lại của đất nước. Điều này giống như một số nước mở cửa dần trở lại sau khi đã bị lây nhiễm rất nặng, đạt miễn dịch cộng đồng", Phó Thủ tướng nói.
Với tiền đề là thành quả của 2 tháng gồng mình chống dịch của toàn thể người dân, Đảng bộ, các cấp chính quyền, cùng sự hỗ trợ, định hướng của Trung ương và Chính phủ, việc kiểm soát được dịch Covid-19 trước ngày 15/9 là điều nằm trong khả năng của TPHCM. Tuy nhiên, những nét khả quan về tình hình dịch bệnh chỉ có thể đến, khi những biện pháp giãn cách, phòng, chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm, quyết liệt và khoa học.
Trong hơn 2 tháng, hàng triệu giao dịch mỗi ngày của trung tâm tài chính, kinh tế lớn - được thế chỗ bằng những phiên chợ không đồng, những bữa ăn tình nghĩa, những chuyến đi chợ hộ của chính quyền, đoàn thể giúp người dân trong những ngày chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19.
Cuộc sống của người dân TPHCM đã chậm lại trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, với những chỉ số đáng lo ngại về tình hình dịch bệnh thời gian qua, "sống chậm" là cần thiết.
Bất kỳ sự vội vã, buông lỏng nào cũng có thể phá vỡ những cố gắng hàng của triệu người đã gây dựng suốt thời gian qua và có thể trả giá bằng cả sinh mạng.