TPHCM: Cần tăng cường quan trắc không khí hàng ngày

(khoahocdoisong.vn) - Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa đề xuất việc quan trắc không khí hằng ngày và tăng cường công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, Sở đã có văn bản kiến nghị UBND TP xem xét, chấp thuận việc tăng cường tần suất quan trắc chất lượng môi trường không khí.

Cụ thể, hiện nay tần suất quan trắc tại 30 vị trí quan trắc hiện hữu là 10 ngày/tháng, vào hai thời điểm. Thì từ nay, Sở đề nghị tăng cường lên ba thời điểm/ngày và quan trắc hằng ngày. Cụ thể: Từ 7h30 - 8h30 (thời điểm đi làm); từ 15h - 16h (thời điểm giao thông bình quân trong ngày); Từ 20h - 21h (thời điểm bắt đầu cho phép xe tải vào trung tâm thành phố và người dân tham gia các hoạt động vui chơi vào ban đêm).

Đặc biệt, sẽ tăng cường quan trắc thông số bụi PM10 và PM2,5 (trung bình 24 giờ) tại tất cả các vị trí quan trắc nhằm đánh giá chi tiết về hàm lượng bụi mịn trong không khí của thành phố.

Kết quả quan trắc sẽ được cung cấp thông tin đến người dân trên web và ứng dụng trên điện thoại thông minh với tần suất cung cấp hằng ngày (3 thời điểm quan trắc). Độ trễ của số liệu quan trắc là 5 ngày (thời gian thực hiện lấy mẫu và phân tích các chỉ tiêu ô nhiễm môi trường không khí).

Các thông số sẽ được công bố gồm: NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng: Nồng độ các chất ô nhiễm tại 3 thời điểm quan trắc. Mức ồn: Nồng độ ô nhiễm tại thời điểm 7h30 - 8h30 (thời điểm mật độ giao thông cao nhất trong ngày). Bụi PM10, PM2,5: Nồng độ trung bình 24 giờ liên tục.

Theo ông Thắng, việc tăng tần suất quan trắc nhằm đáp ứng nhu cầu được cung cấp thông tin về hiện trạng chất lượng môi trường không khí hằng ngày một cách chính xác.

Theo Đời sống
Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Nhiều vị trí đất trống ven đô Hà Nội được “tận dụng” làm bãi chứa rác thải không đúng quy định. Rác không được phân loại, bốc mùi hôi thối, bủa vây khu dân cư. Thậm chí, rác được đốt trực tiếp, tạo ra luồng khói ô nhiễm, ngột ngạt.
back to top