Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy
Dịch Covid-19 bùng bát đã khiến các nước liên tục phải ban hành chính sách đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội,… điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới việc giao thương buôn bán giữa các nước, cũng như việc sản xuất, phân phối sản phẩm. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
Mọi phương tiện vận chuyển đều bị ngưng trệ, khiến cho mọi quốc gia đều phải đổ xô vận chuyển bằng đường biển. Khoảng 90% hàng hóa được thông thương qua con đường này. Các con tàu container khổng lồ của các hãng tàu quốc tế được sử dụng hết công suất, vào khoảng trên 5.500 chiếc trong năm 2021.
Đồng thời cũng đẩy giá cước vận tải lên cao ngất ngưởng trên 20.000 USD.
Khủng hoảng năng lượng
Từ đầu năm, giá khí đốt tăng gấp 3 lần. Giá dầu mỏ "phi mã" hơn 40%, đây là mức cao nhất kể từ năm 2014. Giá than tăng khoảng 60%.
Khan hiếm, khủng hoảng năng lượng, cắt điện luân phiên, cùng với đó là áp lực lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt, tác động nặng nề tới đời sống người dân.
Nhiều doanh nghiệp và nhà máy phải đóng cửa do thiếu điện và nguyên liệu sản xuất, dẫn tới hiệu ứng dây chuyền, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế.
Mà nguyên nhân được cho là OPEC thì đối đầu với một bên là một nhóm nước đứng đầu là Mỹ, khi người xả, người khóa van dầu. Trong khi đường ống dẫn khí đốt nối Nga và châu Âu cũng đang bị chính trị hóa chưa đưa vào vận hành, khiến Châu Âu đối mặt mùa đông lạnh do không đủ năng lượng sưởi ấm.
Khác biệt về chính sách tiền tệ
Do ảnh hưởng bởi Covid-19 nên buộc các nước phải sử dụng các chính sách tài khóa để phục hồi kinh tế. Cùng với đó là tình trạng lạm phát có thể là mức đỉnh của giai đoạn hậu Covid-19, đã khiến cho có sự khác biệt về chính sách tiền tệ giữa các nước.
Mặc dù, các nền kinh tế như Anh, Mỹ rút lại thanh khoản hoặc tiến hành tăng lãi suất, nhưng họ cũng lo ngại về chủng Covid-19 mới.
Đối với các quốc gia đang phát triển, năm 2022, lạm phát có thể tăng từ 2 - 2,5%, nhiều nước có thể lên đến 3 - 4%, thậm chí còn cao hơn. Năm 2022 mới là một năm ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển phải đi vay nhiều và ưu tiên hơn đối với vấn đề phát triển kinh tế, hỗ trợ để các doanh nghiệp.
Chiến dịch "Thanh gươm mạng"
Năm 2021 là một năm nổi cộm đối với Trung Quốc, khi công ty bất động sản lớn nhất nước này rơi vào khủng hoảng nợ lớn nhất từ trước đến nay, rúng động cả nền kinh tế Trung Quốc.
Cùng với đó là các công ty trong lĩnh vực công nghệ rơi vào vòng kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Bởi trước đó, 24/10/2020, Trung Quốc đã ra Chiến dịch "Thanh gươm mạng", một chiến dịch trên phạm vi rộng liên quan đến 14 bộ và cơ quan nhằm chỉnh đốn lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc.
Chiến dịch này đã làm thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh của các công ty nền tảng tư nhân dựa trên dữ liệu người dùng sau một thập kỷ bùng nổ, chia sẻ doanh thu hướng tới mục tiêu "thịnh vương chung".
Từ khóa Metaverse
"Metaverse" hay còn gọi là vũ trụ ảo đang là một trong những từ khóa "nóng" nhất của giới công nghệ năm nay. Chúng ta có thể làm mọi thứ giống trong đời thực.
Ví dụ, các nền tảng metaverse có thể bán đất đai cho người dùng và doanh nghiệp để làm nhà hay kinh doanh. Chúng ta có thể tạo ra các tài sản số NFT để kinh doanh trong metaverse.
Tính trên tất cả các nền tảng, hiện đã có hơn 4,5 triệu NFT đang được mua bán. Tuy nhiên, những lô đất ảo hay tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm khác có giá hàng triệu USD cũng chỉ là 1 trong số 1% những NFT có giá trị cao.