10 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2020

(khoahocdoisong.vn) - Kinh tế toàn cầu năm 2020 có nhiều biến động chưa từng có trong vòng 100 năm nay. KH&ĐS đã tổng hợp lại 10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm. 7 trong 10 sự kiện kinh tế liên quan tới đại dịch Covid-19.

1. Đại dịch Covid-19

Dịch bệnh Covid-19, khởi nguồn từ tháng 12/2019, lây lan trên 200 quốc gia khiến nền kinh tế toàn cầu lâm vào cảnh suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930. Kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng âm 4,4%.

Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố gọi Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Khoảng 90 triệu người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cùng cực với thu nhập dưới 1,9$ một ngày. Tổng cung, tổng cầu bị thu hẹp, rủi ro tài chính tăng cao. Mọi hoạt động kinh tế - xã hội gần như đóng băng hoàn toàn. Kinh tế thế giới bị thiệt hại hơn 10 nghìn tỷ USD do Covid-19. Hơn 33 triệu người bị mất việc làm.

2. Bầu cử Tổng thống Mỹ

Quốc hội Mỹ chính thức tuyên bố ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ thứ 46. Tuy nhiên trước đó, đương kim Tổng thống Donald J. Trump không chấp nhận kết quả, đưa ra các cáo buộc có gian lận bầu cử. Hàng chục vụ kiện nhằm đảo ngược kết quả đã bị bác ở tòa án cấp tiểu bang và liên bang trên khắp nước Mỹ kể từ cuộc bầu cử tháng 11.

Chiến thắng của ông Biden hay ông Trump cũng gắn liền với áp lực suy giảm hoặc tăng trưởng trong các lĩnh vực kinh tế cụ thể.

3. Brexit

Với 51,9% số phiếu ủng hộ Brexit, sau tiến trình hơn 3 năm đầy trắc trở, Vương quốc Anh cũng đã chính thức rời EU vào 23h (GMT) ngày 31/1/2020.

Việc Anh rời khỏi EU đã có nhiều tác động đối với nền kinh tế Anh cũng như nền kinh tế EU và thế giới. Anh là nước chịu nhiều tác động nhất khi đồng GBP bị trượt giá, đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 31 năm qua. Ngoài ra, quốc gia này phải hứng chịu sự sụt giảm đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, EU lại được hưởng lợi nhiều hơn từ dòng vốn lớn chảy từ Anh sang.

Brexit cũng ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của các nước tham gia có FTAs với EU (trong đó có Việt Nam).

4. Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán trong tháng 3/2020

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 2020 đã bắt đầu vào ngày 9/3/2020, được gọi là “Ngày thứ hai đen tối”, với sự sụt giảm lớn nhất trong lịch sử. Trong 1 ngày, chỉ số công nghiệp Dow Jones (DJIA) mất 2.013,7 điểm. Chỉ số NASDAQ cũng mất hơn 620 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,6%. STOXX Europe 600 giảm 20% so với mức đỉnh đầu năm.

Vào ngày 12/3 (Ngày thứ Năm đen tối). DJIA giảm kỉ lục 2.352,6 điểm, đóng cửa ở mức 21.200,6 điểm. Thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương đóng cửa với mức giảm hơn 20% so với mức đỉnh ghi nhận trước đó. Ngày 16/3, DJIA đạt kỷ lục mới, mất 2.997 điểm.

Đây là lần giảm tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ kể từ lần sụp đổ Phố Wall năm 1929.

5. Giá dầu thô WTI (Mỹ) âm 40,3 USD/thùng vào tháng 4/2020

Giá dầu WTI - hay còn gọi “dầu thô ngọt, nhẹ của Texas” lần đầu tiên trong lịch sử đã xuống mức giá dưới 0USD. Thời điểm đóng cửa thị trường ngày 20/4/2020, giá dầu thô WTI giao tháng 5 đã được chốt giá âm 37,63USD/thùng và có thời điểm xuống mức âm 40,3USD/thùng vào phiên giao dịch đêm 20/4/2020.

Sự sụt giảm giá dầu kỷ lục trong vòng 25 năm qua là do nhu cầu giảm và không đủ kho lưu trữ.

Thêm vào đó, cuộc chiến giá dầu và tranh giành thị phần dầu mở giữa OPEC, Nga và Mỹ cũng là nguyên nhân chính đẩy giá dầu xuống tiêu cực.

Nhiều công ty phải đẩy nhanh việc đóng cửa các giàn khoan, giếng dầu. 

6. Chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng có

Covid-19 có sức tàn phá lớn hơn nhiều lần so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Chính phủ và Ngân hàng trung ương các nước đã thực hiện nhiều chính sách tiền tệ nới lỏng và tài khóa mở rộng với quy mô lớn chưa từng có để cứu nền kinh tế và hỗ trợ người dân như hạ lãi suất, mua trái phiếu chính phủ, giãn nợ, bình ổn tỷ giá, tập trung vào các gói tài khóa…

Một số nước như Mỹ, Anh, Na Uy, Úc, New Zealand và Canada hạ tỷ lệ lãi suất bằng hoặc dưới 0,25%.

Mỹ chi tới 700 tỷ USD để mua lại các trái phiếu và khoản vay. EU có chương trình mua trái phiếu khẩn cấp (PEPP) trị giá 1.350 tỷ EUR đến giữa năm 2021, bổ sung 120 tỷ EUR cho chương trình mua tài sản năm 2020. Nhật Bản tăng hạn mức mua trái phiếu, thương phiếu doanh nghiệp lên 7.400 tỷ Yên (70 tỷ USD). Trung Quốc mua lại các khoản cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ nhằm tăng thanh khoản và nguồn vốn rẻ cho các NHTM.

7. Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang

Washington chỉ trích Bắc Kinh không thông tin kịp thời và đầy đủ về đại dịch Covid-19 gây nên đại dịch toàn cầu. Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc trên và lập luận ngược lại “Có thể chính quân đội Mỹ đã đưa đại dịch đến Vũ Hán”.

Sau đó, Mỹ chủ động đẩy căng thẳng leo thang, khi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/7 bất ngờ yêu cầu Trung Quốc trong vòng 72 giờ phải đóng cửa Tổng Lãnh sự quán tại Houston. Trung Quốc đã đáp trả bằng cách yêu cầu nhân viên ngoại giao Mỹ rời khỏi Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô.

Căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục lan sang lĩnh vực thương mại, công nghệ như áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, cấm những giao dịch với chủ sở hữu của TikTok…  

8. Giá vàng cao kỷ lục

Vàng đã chạm ngưỡng 2.000USD/ounce vào tuần đầu tháng 8/2020 (tăng hơn 30%). Đây là lần đầu tiên giá vàng đạt mức kỷ lục khi giới kinh doanh tìm kiếm tài sản trú ẩn giữa đại dịch. 

Bối cảnh môi trường lãi suất thấp và các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ cũng là nguyên nhân tác động tới sự tăng giá của vàng.

9. RCEP

Hiệp định "Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực" (RCEP) được ký kết ngày 15/11/2020 là thoả thuận mậu dịch tự do "khủng" nhất. Nó ra đời đúng lúc có nhiều biến động và xáo trộn về chuỗi cung ứng toàn cầu. RCEP được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp các nước thành viên nhờ các tiêu chuẩn không quá gắt gao.

RCEP bao gồm 10 thành viên ASEAN, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, chiếm gần 1/3 dân số thế giới và chiếm 29% GDP toàn cầu.

Theo một ước tính năm 2020, thỏa thuận này dự tính sẽ thêm 186 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.

10. Chạy đua nghiên cứu và sản xuất văcxin ngừa Covid-19

Nền kinh tế thế giới được kỳ vọng nhanh chóng phục hồi sau khi có văcxin ngừa Covid-19.

Ngay sau khi Pfizer và BioNTech công bố đã thử nghiệm thành công văcxin với hiệu quả trên 90%, cổ phiếu của Pfizer tăng mạnh 15%. Chỉ số MSCI toàn cầu tăng giá trị thêm 500 tỷ USD. Một số quốc gia đã phê duyệt văcxin của Pfizer/BioNTech, cho sử dụng trong tháng 12/2020.

Hiện các nước, trong đó có Việt Nam cũng đang “chạy đua” thử nghiệm sản xuất văcxin ngừa Covid-19. 

Theo Theo KH&ĐS
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top