“Sách Khoa học 5 được biên soạn nhằm mục đích: Bước đầu hình thành, phát triển ở học sinh lớp 5 các phẩm chất chủ yếu, các năng lực chung và năng lực đặc thù theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Khoa học. Cấu trúc sách được chia làm 3 phần gồm: phần đầu (Hướng dẫn sử dụng và Mục lục), phần thân (có 6 chủ đề với 20 bài học mới và 6 bài Ôn tập chủ đề), phần cuối (Bảng tra cứu thuật ngữ)” - TS Bùi Phương Nga cho hay.
Tổng Chủ biên cho biết thêm, nội dung bài học có các đơn vị kiến thức được chia thành các mục nhỏ. Mỗi mục trong bài học được trình bày theo tiến trình hoạt động, từ hình thành kiến thức đến luyện tập và vận dụng. Để giúp học sinh học tập thuận lợi và hiệu quả, trong sách có các kí hiệu chỉ dẫn các hoạt động học tập.
Sách giáo khoa Cánh Diều lớp 5 Chương trình giáo dục phổ thông 2018. |
TS Bùi Phương Nga nhấn mạnh một số điểm nổi bật cần chú ý trong quá trình đưa sách vào giảng dạy:
Đầu tiên, học sinh được tiếp cận với tiến trình học tập khoa học tự nhiên. Các em đặt câu hỏi về một số sự vật, hiện tượng tự nhiên, về thế giới sinh vật; đưa ra dự đoán về sự vật, hiện tượng và mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng; đề xuất phương án làm thí nghiệm và thực hiện các quan sát hoặc làm thí nghiệm hoặc thu thập các thông tin bằng nhiều cách khác nhau để tìm kiếm câu trả lời một cách khách quan đối chiếu với dự đoán ban đầu.
Thứ hai, sách tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học góp phần hình thành năng lực khoa học tự nhiên cho học sinh. Các phương pháp dạy và học được đề xuất trong SGK Khoa học 5 đã chú trọng đến việc hướng dẫn học sinh học qua quan sát, thí nghiệm, thực hành, xử lí tình huống thực tiễn; học qua hợp tác, trao đổi, thảo luận
với các bạn trong nhóm và cả lớp. Tùy theo từng vấn đề cần tìm hiểu để sử dụng các phương pháp dạy học khác nhau, thậm chí sử dụng cùng một phương pháp nhưng mức độ
đòi hỏi học sinh phải tự thực hiện là khác nhau. Minh chứng là phương pháp học tập được áp dụng trong sách như: quan sát, thí nghiệm, dự án, bàn tay nặn bột, giáo dục STEM,…
Thứ ba, sách có thế mạnh trong việc giáo dục cho học sinh các phẩm chất yêu nước, nhân ái và trách nhiệm. Những điều này được thể hiện qua giáo dục tình yêu thiên nhiên, tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường; giáo dục phẩm chất nhân ái, hình thành cho học sinh yêu quý, trân trọng con người; giáo dục trách nhiệm thông qua các bài học về tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh,…
Thứ tư,góp phần hình thành ở học sinh các năng lực chung như tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Các hoạt động học tập trong SGK Khoa học 5 tạo cơ hội cho học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Đặc biệt, bài ôn tập giúp giáo viên đánh giá được năng lực tư duy logic của học sinh thông qua sơ đồ hệ thống kiến thức và đánh giá năng lực giải quyết vấn đề thông qua xử lí tình huống.
Thứ năm, các bài học trong SGK tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới đánh giá quá trình học tập của học sinh. Các câu hỏi, bài tập, hoạt động học tập trong bài học bảo đảm vừa là công cụ tổ chức dạy học tích cực, vừa là công cụ kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. Hoạt động Đánh giá được thể hiện trong toàn bộ tiến trình của bài học thông qua các câu hỏi và bài tập từ hoạt động gắn kết, khám phá kiến thức mới, luyện tập, thực hành và vận dụng.
SGK Khoa học lớp 5 bộ Cánh Diều được biên soạn bởi đội ngũ tác giả có chuyên môn cao, có kinh nghiệm, năng lực biên soạn SGK, rất tâm huyết sự nghiệp giáo dục.
Đó là Tổng chủ biên Bùi Phương Nga - Tiến sĩ Phương pháp dạy học Sinh học (Đại học Sư Phạm Halle, Đức), Nguyên chuyên viên chính Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Tự nhiên và Xã hội, môn Khoa học.
Đó là TS.Phạm Hồng Bắc - Tiến sĩ Khoa học giáo dục chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Hoá học, (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội); Nguyên Trưởng ban biên tập Khoa học tự nhiên – Công nghệ – Giáo dục – Ngoại ngữ, NXB Đại học Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội...