Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Người thầy gần gũi của những người làm báo

Đối với các phóng viên chuyên trách có vinh dự được tháp tùng và đưa tin hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những kỷ niệm và bài học sâu sắc về người đứng đầu Đảng sẽ còn mãi khắc ghi.
Những ngày này, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng đều tràn ngập những bài viết, phỏng vấn, vần thơ, hình ảnh sống động về cuộc đời thanh bạch, giản dị và sự nghiệp ấn tượng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Lãnh đạo các quốc gia, nhà ngoại giao, chuyên gia học giả, đến người dân bình thường ở trong và ngoài nước, đều bày tỏ lòng kính trọng, tiếc thương trước sự ra đi mãi mãi của một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam, một tấm gương mẫu mực, vì nước, vì dân, một người đồng chí anh em thân thiết, người bạn chân thành của bạn bè quốc tế.
Đối với các phóng viên chuyên trách có vinh dự được tháp tùng và đưa tin hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những kỷ niệm và bài học sâu sắc về người đứng đầu Đảng ta sẽ còn mãi khắc ghi và âm vang với thời gian.
Tong Bi thu Nguyen Phu Trong – Nguoi thay gan gui cua nhung nguoi lam bao
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao Huân chương Hồ Chí Minh của Đảng, Nhà nước tặng Thông tấn xã Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập (15/9/1945 - 15/9/2010). Ảnh tư liệu: Trí Dũng/TTXVN
Cuộc phỏng vấn Tết đầu tiên với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng
Vinh dự và may mắn đối với tôi khi được cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) giao nhiệm vụ phóng viên chuyên trách Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và sau này là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ tháng 9/2006 đến khi hoàn thành Đại hội XIII của Đảng. Quãng thời gian đó, tôi được tham gia đưa tin, viết bài trong rất nhiều chuyến công tác, làm việc của ông, được đi khắp 63 tỉnh, thành phố và nhiều nước trên thế giới. Nhưng tới giờ, tôi vẫn nhớ như in cuộc phỏng vấn Tết đầu tiên vào dịp Tết Mậu Tý 2008, khi ông đảm nhận cương vị Chủ tịch Quốc hội được hơn một năm. Đây cũng là thời điểm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội, tổng kết nhiệm kỳ khóa XI và định hướng nhiệm kỳ khóa XII với rất nhiều công việc hệ trọng. Ông trả lời phỏng vấn trực tiếp, trong căn phòng làm việc đơn sơ tại Văn phòng Quốc hội, 37 Hùng Vương.
Lời nói giản dị, mộc mạc nhưng sáng rõ và sâu sắc, khiến một phóng viên trẻ tuổi nghề là tôi cũng đã hiểu và thể hiện được trong bài viết đầy đủ, chính xác những ý tưởng, tâm huyết, mong muốn và quyết tâm của người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Khi được hỏi “Điều gì có ý nghĩa nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ: “Tôi nghĩ, mình vẫn ở trong dân, từ dân mà ra, nên từ cụ già, em nhỏ, phụ nữ… , tôi đều rất tôn trọng và lắng nghe thực sự. Vốn sống thực tiễn, ý kiến từ dân, tình cảm của dân, đó là nguồn không bao giờ cạn, bồi đắp cho mình nhiều lắm. Tôi thấy mình đi chưa được nhiều và còn muốn đi nhiều nữa. Nhưng điều quan trọng là phải chọn cách đi như thế nào cho thiết thực; đi để học dân, học thực tiễn, làm sao để chính sách, luật pháp đừng xa rời cuộc sống”. Và mong muốn lớn nhất của ông là “cải tiến, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội theo hướng ngày càng chất lượng và hiệu quả, phát huy được dân chủ một cách thực chất, Quốc hội hoạt động thực chất".
Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội hay Tổng Bí thư, ông đều dành nhiều thời gian đi công tác khắp các địa phương, đến những vùng còn nhiều khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... để hiểu thực tiễn, hiểu dân hơn, từ đó có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Ông từng chia sẻ: “Tôn trọng, lắng nghe và chắt lọc, đồng thời cũng phải có chính kiến để tổ chức tốt công việc. Khi đi công tác các địa phương, hay công tác nước ngoài, tôi đều ý thức sâu xa về điều đó”. Ý tưởng của ông được thể hiện trong chương trình đi thăm các nước sau này, Tổng Bí thư thường yêu cầu thu xếp đi thăm các địa phương, các mô hình phát triển mới của nước bạn để “nghiên cứu, tham khảo” những kinh nghiệm tốt.
Đối với tôi, một người làm báo, những chia sẻ của ông cũng là phương châm hành động sau này. Thực tiễn cho thấy, những bài viết có chất lượng, được công chúng đón nhận chính là những tác phẩm báo chí được đúc rút từ cuộc sống, từ thực tiễn và từ nhân dân. Sự trưởng thành của người cầm bút cũng đến từ việc thực hành bài học về tinh thần khiêm tốn học hỏi và cầu thị.
Đúng vai, thuộc bài
Tong Bi thu Nguyen Phu Trong – Nguoi thay gan gui cua nhung nguoi lam bao-Hinh-2
Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nguyễn Phú Trọng nhận bức trướng kỷ niệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng Tạp chí tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Tạp chí Lý luận của Đảng ra số đầu tiên và 40 năm Ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu kỳ (15/12/1930 - 15/12/1995). Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN
Từng công tác gần 30 năm ở Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản, là cây viết lý luận sắc sảo, uyên bác, nên Nhà báo Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm đến công tác thông tin báo chí nói chung, trong đó trực tiếp là nhóm phóng viên chuyên trách, tạo điều kiện thuận lợi để anh chị em hoàn thành nhiệm vụ của mình. Với những phóng viên hình, ảnh như nhà báo Trí Dũng của TTXVN, các đồng nghiệp Chu Tuấn hay sau này là Lê Tuấn của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV); Trung Hưng, Đức Thanh của Đài Truyền hình Hà Nội (HTV)… chắc chắn đều rất cảm động và luôn biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vì trong hành trình các chuyến công tác, ông đều rất lưu tâm, tạo điều kiện về mặt thời gian để phóng viên kịp di chuyển, ghi lại hình ảnh những khoảnh khắc quan trọng của sự kiện.
Trong các cuộc họp, làm việc, ông thường dành một vài phút hiếm hoi giữa giờ giải lao, đi xuống cuối phòng họp để nói chuyện cùng nhóm phóng viên với tác phong gần gũi, dí dỏm. Đây cũng là cách mà Tổng Bí thư gợi mở cho chúng tôi sáng rõ lên rất nhiều về những nội dung cần chuyển tải. Cách phát biểu, nói chuyện hay trao đổi của Tổng Bí thư luôn khúc chiết, logic, chặt chẽ, ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu, dễ khắc ghi, thuận lợi cho phóng viên đưa tin, viết bài, chuyển tải thông tin chuẩn xác tới công chúng. Một số bài viết, bài phỏng vấn quan trọng, ông đều dành thời gian chỉnh sửa, góp ý cho chúng tôi, sao cho chuẩn chỉ ngôn ngữ báo chí.
Nhóm phóng viên chuyên trách gồm những đồng nghiệp đến từ một số cơ quan báo chí chủ chốt với đặc thù công việc khác nhau, mỗi người một nhiệm vụ, nhưng luôn đồng hành, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống. Tôi luôn thấy mình may mắn vì được làm việc trong một đội hình chuyên nghiệp, từ tác phong đến nghiệp vụ, và được đồng hành với nhiều anh, chị là những phóng viên sắc sảo, dày dạn kinh nghiệm. Sợi dây liên kết, gắn bó chúng tôi chính là lời căn dặn của Tổng Bí thư: “phải đúng vai, thuộc bài”, mỗi người hãy cố gắng làm tốt phần việc của mình.
Lời căn dặn đó còn được Tổng Bí thư lưu ý nhắc nhở với nhiều người, khi đi làm việc ở nhiều nơi, chúng tôi càng ngẫm càng thấy đúng và đã vận dụng vào công việc hàng ngày. Trong các chuyến công tác của Tổng Bí thư, lịch trình dày đặc, tác nghiệp ở địa bàn xa lạ, lệch múi giờ, tôi và nhà báo Trí Dũng đều hết sức cố gắng gửi về cơ quan sớm nhất những bức ảnh, dòng tin để cung cấp cho các báo, đài đăng tải, góp phần hoàn thành nhiệm vụ cơ quan thông tấn quốc gia. Hay nhà báo Phương Mai (VTV), bằng mọi giá để có thông tin, hình ảnh kịp phát sóng đúng khung giờ quy định của Đài Truyền hình quốc gia. Mỗi phóng viên trong nhóm đều nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao, cũng là góp phần vào thành công của chuyến công tác.
Người cộng sản chân chính, vị Tổng tư lệnh của lòng dân
Tong Bi thu Nguyen Phu Trong – Nguoi thay gan gui cua nhung nguoi lam bao-Hinh-3
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham gia điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc tại thôn Kon Rơ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Trong những ngày qua, khắp mọi miền đất nước, những người dân đất Việt theo cách của mình tiếp tục bày tỏ tình cảm trân quý, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và trìu mến gọi ông là “Tổng tư lệnh của lòng dân”. Thật xúc động khi xem lại hình ảnh của ông với những bộ trang phục giản dị, sử dụng chiếc ô tô công vụ trong nhiều năm, căn phòng làm việc đơn sơ được bao quanh với rất nhiều sách tại Trụ sở Trung ương Đảng, nụ cười hiền hòa cùng những cái bắt tay thật chặt với người dân khi tới thăm các vùng miền, từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo... Khi đến với dân, ông hòa mình cùng dân, thăm hỏi trò chuyện với những cụ già, trìu mến bế trên tay những em nhỏ, như những người thân. Ông thường tự giới thiệu mình sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, kể lại những câu chuyện của bản thân, gia đình mình cũng như bao gia đình khác thời kỳ ấy. Cách kể chuyện của ông mộc mạc, hòa đồng khiến bà con đều rất vui vẻ...
Đi đến đâu ông cũng để lại ấn tượng sâu sắc về một phong cách giản dị, gần dân. Và có lẽ chính tình yêu nhân dân, trọng nhân dân đã hun đúc khí phách của một lãnh đạo chân chính, nhân văn nhưng cũng vô cùng kiên trì, kiên quyết, không khoan nhượng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nhân hậu nhưng quyết liệt, bình dị nhưng vô cùng kiên định, phong thái đó, tính cách đó còn theo ông trong các hoạt động bang giao tới nhiều quốc gia trên thế giới, khi sánh vai cùng nguyên thủ các nước, dù lớn mạnh đến đâu, trong bất kỳ tình huống nào, thì lợi ích quốc gia, dân tộc vẫn luôn là mục tiêu tối thượng. Đồng bào cả nước, bạn bè quốc tế thương tiếc ông - người cộng sản chân chính hội tụ cả trí tuệ, nhân cách và bản lĩnh.
Theo VietnamDaily
back to top