Theo Bộ trưởng Dũng, số nợ tồn trên của ngành giao thông sẽ còn phải giải quyết tiếp nhiệm kỳ tới và có khi nhiệm kỳ nữa cũng chưa hết. Trong khi đó, các công trình, dự án lớn, quan trọng quốc gia hiện nay như sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc Nam...đang tồn hơn 80.000 tỷ đồng không giải ngân hết, trong khi chỉ còn hơn 1 năm nữa là hết hạn chi.
“Việc chỉ ra được nguồn để chúng ta có thể thực hiện cho việc phân bổ là có. Nhưng để rà soát, chỉ ra được dự án nào, bao nhiêu tiền thì ở thời điểm hiện nay chúng ta không làm được điều đó. Tại sao nói Chính phủ không trình được cho Quốc hội khoản đó ? Vì chúng ta đang ở năm thứ 4 và đang triển khai kế hoạch, chúng ta không thể bóc tách được chính xác dự án nào phải dừng và dự án nào không triển khai được" - ông Dũng nói.
Bộ trưởng Dũng cho biết, thời điểm phù hợp nhất để có thể căn cứ điều kiện thực tế của từng dự án và xác định được nguồn của nó là bao nhiêu sau đó sẽ phân bổ là cuối năm nay.
Về việc trích 4.069 tỷ đồng trong tổng số 10.000 tỷ đồng vốn dự phòng cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cho biết, do chưa được cấp tiền nên VIDIFI vẫn đang phải tiếp tục vay VDB với lãi suất bình quân 10%/năm, riêng tính phí lãi vay phát sinh thêm do khoản hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng trên 800 tỷ đồng.
Giải trình cuối phiên thảo luận về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là khoản cam kết của Chính phủ mà đã xác định là nợ của Trung ương thuộc ngân sách phải trả và Nghị quyết của Bộ Chính trị đã có ý kiến, Nghị quyết của Quốc hội phù hợp. “Chúng ta chậm ngày nào sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp ngày đó. Nếu Quốc hội thấy tỷ lệ để trả nợ cao quá thì chúng tôi hoàn toàn chấp hành ý kiến của Quốc hội sẽ xem xét, rà soát để giảm bớt tỷ trọng đó dành ưu tiên cho một số công trình cấp bách hay xử lý một số công việc khác, một phần trả cho VIDIFI, cho đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chứ không sử dụng hết 4.000 tỷ” - Bộ trưởng Dũng nói.