Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận của công ty lao dốc, báo lỗ 13 tỷ đồng trong năm 2019, giảm 171% so với năm trước. Chất lượng tài sản đi xuống, trong khi nợ ngân hàng tăng lên. Hàng tồn kho vẫn chiếm phần lớn tài sản của công ty.
Tổng tài sản của VTL liên tiếp giảm 4,6% và 2,3% trong 2 năm 2018, 2019. Trong đó, phần lớn là hàng tồn kho, chiếm 60% với 81 tỷ đồng (hàng tồn kho luôn chiếm 45% - 50% tổng tài sản trong những năm trước đó). Ngược lại, nợ phải trả của VTL tăng lên 18%, chủ yếu đến từ khoản vay ngân hàng, với 81,2 tỷ đồng. Trong khi doanh thu thuần đạt 78 tỷ đồng, thấp hơn giá trị hàng tồn kho.
Câu hỏi đặt ra, tồn kho lớn đã được VTL “xử lý” như thế nào trong nhiều năm qua? Khi mà giá trị của nó còn lớn hơn cả doanh thu thuần và tương đương với khoản nợ vay ngân hàng của công ty này? Đã thế, VTL cũng không trích lập dự phòng rủi ro. Phải chăng, công ty đang “tự tin” vào khả năng lưu thông của khối lượng hàng tồn kho tăng dần đều này?
Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) và Tỷ suất sinh lợi trên vốn dài hạn bình quân (ROCE) của VTL mất đà đi xuống, còn âm 9,43% và âm 9,52%. Điều này cho thấy việc sử dụng tài sản cũng như vốn của VTL rất kém hiệu quả, không mang lại giá trị lợi nhuận.
Lưu ý rằng, VTL có nợ ngắn hạn phải trả vượt quá tài sản ngắn hạn. Có nghĩa, VTL phải sử dụng một phần nợ ngắn hạn để bổ sung cho tài sản dài hạn, dẫn đến sự mất cân đối tài chính, tức là mất cân đối giữa kỳ hạn của tài sản và kỳ hạn của nguồn nợ vay. Nợ ngắn hạn cao hơn sẽ đẩy công ty vào tình trạng thường xuyên phải đảo nợ (vay nợ mới trả nợ cũ) tạo ra tình trạng căng thẳng tài chính. Minh chứng cho điều này chính là nợ ngân hàng của VTL chiếm 85,2% tổng nợ phải trả với 81,2 tỷ đồng.
Phân tích dòng tiền của VLT, lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh ghi nhận giá trị âm 15,6 tỷ đồng. Con số này đến từ việc tăng hàng tồn kho và tăng lãi vay. VLT phải vay tiền ngân hàng bù đắp cho khoản thiếu hụt trong hoạt động kinh doanh, và gần như không còn khả năng thanh toán lãi vay, với chỉ số thanh khoản âm 0.56 lần.
VTL có khoản vay ngân hàng 8,2 tỷ đồng của BIDV với tài sản đảm bảo là Hợp đồng tiền gửi, xe ô tô… và một số tài sản khác. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán năm tài chính 2019 của VTL, không có khoản tiền tương đương hay tài sản nào được ghi nhận như là hợp đồng tiền gửi. Không rõ, VTL đã dùng Hợp đồng tiền gửi đứng tên ai để thế chấp vay ngân hàng?