Trong cuộc Hội thảo hàng không diễn ra ngày 12/6 vừa qua, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines cho hay, hãng sẽ rơi vào trạng thái rất xấu" từ tháng 8, có thể "cạn tiền" nếu không được Chính phủ hỗ trợ.
Nhấn mạnh rằng, theo báo cáo tài chính riêng lẻ có kiểm toán của Vietnam Airlines từ nhiều năm nay, hãng hàng không này vẫn luôn hiện hữu tình trạng mất cân đối tài chính. Nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines luôn vượt quá tài sản ngắn hạn, dẫn đến việc thiếu hụt vốn lưu động, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán và hoạt động kinh doanh của công ty. Chính vì vậy, chỉ cần một “cú va đập” bất kỳ từ nền kinh tế, Vietnam Airlines sẽ rất khó trụ vững.
Cụ thể, trong năm tài chính 2019, nợ phải trả của Vietnam Airlines đạt 50.387 tỷ đồng, chiếm 73% tổng tài sản của hãng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 24.790 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn 12.337 tỷ đồng. Năm 2018, số nợ ngắn hạn cao hơn tài sản ngắn hạn là 12.100 tỷ đồng.
Sang đến quý 1/2020, số nợ ngắn hạn phải trả của hãng hàng không này là 23.757 tỷ đồng, cao hơn tài sản ngắn hạn 14.307 tỷ đồng. Dư nợ ngân hàng là 9.064 tỷ đồng, tăng 79% so với đầu kỳ, tương ứng với 4.001 tỷ đồng.
Mất cân đối tài chính trong nhiều năm, nên với tác động của đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines gần như kiệt quệ sau khi báo lỗ 1.771 tỷ đồng vào quý 1/2020. Dòng tiền lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines trong 3 tháng đầu năm 2020 là âm 3.896 tỷ đồng. Hãng phải dùng tiền từ cổ tức được chia, cũng như tiền vay mượn ngân hàng để bù đắp cho hoạt động kinh doanh...
Dù vậy, hãng hàng không này vẫn trong tình trạng thiếu tiền trầm trọng khi dòng tiền lưu chuyển thuần chỉ còn âm 198 tỷ đồng. Lưu ý rằng, trong năm 2019, dòng tiền mà Vietnam Airlines thu về cũng là âm 469 tỷ đồng. Khả năng thanh khoản của hãng trong ngắn hạn và trung hạn vì thế bị hạn chế rất nhiều.
Như vậy, hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines trong nhiều năm gần đây là không thực sự hiệu quả, dù trong báo cáo vẫn ghi nhận doanh thu lớn. Sự mất cân đối tài chính lớn trong suốt một thời gian dài, dù không có đại dịch Covid-19 xảy ra, thì chỉ cần một “va đập” khác cũng dễ khiến hãng hàng không này lâm vào tình cảnh khốn đốn, thiếu tiền mặt.
Cho dù theo kế hoạch, Vietnam Airlines lập dự án vay trung hạn và dài hạn để tái cơ cấu nguồn vốn bằng phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm được bảo lãnh bởi Chính phủ với quy mô 10.000 tỷ đồng thì cũng chỉ làm tăng thêm nợ phải trả, càng khiến cho tình trạng tài chính thêm mất thăng bằng