Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ Doanh nghiệp. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI, nhìn chung các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được tiếp tục thực hiện, bất chấp bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và giai đoạn này trùng với thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược. Các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao (thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm.
Đáng chú ý, cùng liên quan đến tài chính doanh nghiệp, trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều. Xét theo địa phương, các chỉ số vẫn thể hiện tích cực hơn so với năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại.
Cụ thể, theo Báo cáo, thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội có sự tiến bộ đáng ghi nhận trong năm 2020. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành thuế đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, giảm phí và lệ phí) với các thủ tục được thiết kế đơn giản, dễ thực hiện. Hệ thống công nghệ thông tin của ngành thuế cũng đáp ứng được nhu cầu tăng cao về nhu cầu thực hiện qua hình thức điện tử.
Tuy nhiên còn một số khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải. Cụ thể, trung bình vẫn có 22% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, như: đề nghị miễn, giảm thuế (với 23% doanh nghiệp gặp phải), hoàn thuế (18%), quyết toán thuế (17%)…
Trong hoạt động thanh kiểm tra thuế, tỷ lệ các doanh nghiệp phải thương lượng với cơ quan thuế vẫn chưa có xu hướng được cải thiện theo thời gian và đặc biệt tăng mạnh lên 52,8% từ mức 47,1% của năm 2019, phản ánh tình trạng các quy định thuế còn khó hiểu, thiếu thống nhất về cách hiểu giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Báo cáo cho thấy, tiếp cận tín dụng là một trong các lĩnh vực giảm điểm trong năm 2020 khi tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện chỉ là 54,4%, thấp hơn mức 59,5% của năm 2019.
Dù đã có nhiều biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc tiếp cận, hấp thụ được các khoản vay ưu đãi do điều kiện vay vốn không dễ dàng. Chẳng hạn, đến tháng 10/2020, gói tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0% để doanh nghiệp và người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch vẫn chưa cho doanh nghiệp nào vay được.