TMT: Từ thương hiệu “xe Tàu” Jiulong tới giấc mơ xe điện Việt

Công ty CP ô tô TMT đã từng có thời độc quyền dòng xe gắn máy Jiulong và thương hiệu ô tô Cửu Long. Đến nay, công ty đề xuất Chính phủ mời gọi nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư sản xuất để xuất khẩu xe điện.

Giấc mơ xe điện

Cuối tháng 1/2022 Công ty CP ô tô TMT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất những giải pháp đồng bộ mời gọi các nhà đầu tư lớn trên thế giới đến đầu tư xe điện tại Việt Nam, tiến tới xuất khẩu trong vòng 5 năm tới.

Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Công Thương gặp gỡ, trao đổi về các đề xuất, kiến nghị của Công ty CP ô tô TMT. Đồng thời tham mưu Thủ tướng các giải pháp phù hợp trong chỉ đạo, điều hành.

Công ty CP ô tô TMT hiện đang do ông Bùi Văn Hữu làm Chủ tịch HĐQT. Mới đây, vào ngày 11/2/2002, Công ty CP ô tô TMT đã công bố Nghị quyết thông qua việc góp vốn làm cổ đông Công ty CP xe điện TMT, nhất trí góp vốn bằng tiền 19,5 tỷ đồng, tương ứng với 1.950.000 cổ phần (chiếm 65%) vốn điều lệ. Đồng thời uỷ quyền việc quản lý phần vốn góp của Công ty ô tô TMT tại Công ty xe điện TMT cho ông Bùi Văn Hữu.

Với động thái này, rõ ràng việc chuẩn bị cho một kế hoạch đầu tư mới trong lĩnh vực xe điện đã được TMT sẵn sàng thực hiện.

Tìm hiểu cho thấy, doanh thu bán hàng hợp nhất năm 2021 của ô tô TMT đạt 2.532 tỷ đồng, tăng 753 tỷ đồng, tương đương với 42% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 40,5 tỷ đồng, tăng 2,240% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu từ hoạt động sản xuất kinh doanh từ công ty mẹ.

Tuy nhiên, xét riêng trong lĩnh vực ô tô, xe máy, xe điện, hiện tại TMT không còn là một thương hiệu lớn tại Việt Nam. Do đó, đề xuất của doanh nghiệp này là khá lạ, đặc biệt khi một số chính sách ưu đãi phát triển xe điện trong nước đã được ban hành.

Dường như, những ưu đãi này là chưa đủ và cũng chưa đồng bộ. Và khiến cho doanh nghiệp phải có đề xuất cụ thể về một chính sách riêng cho ngành sản xuất xe điện.

tmt.jpg
Ban đầu ô tô TMT xuất phát với dòng xe gắn máy Jiulong và thương hiệu ô tô Cửu Long.

Từ xe gắn máy Jiulong

Công ty CP ô tô TMT tiền thân là Công ty Vật tư thiết bị Cơ khí giao thông vận tải thuộc Cục Cơ khí (Bộ Giao thông vận tải), được thành lập từ năm 1976. Ban đầu doanh nghiệp này chủ yếu làm nhiệm vụ tiếp nhận và cung cấp vật tư thiết bị cho các đơn vị trong ngành cơ khí giao thông vận tải (GTVT).

Năm 2000, trụ sở ô tô TMT được chuyển về 199B Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội và bắt đầu sản xuất, lắp ráp xe gắn máy hai bánh, lắp ráp động cơ xe gắn máy, đầu tư mua sắm thiết bị, xây dựng nhà xưởng. Lúc này doanh thu của công ty đạt 164 tỷ đồng, tăng 141,1% năm 1999.

Năm 2001, doanh nghiệp này đã xây dựng được thương hiệu độc quyền xe gắn máy hai bánh Jiulong, doanh thu đạt 333 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục đầu tư thiết bị, xây dựng nhà xưởng.

Năm 2002, công ty khánh thành xưởng sản xuất bộ côn xe gắn máy tại 199B Minh Khai, Hà Nội và bắt đầu vào việc sản xuất, lắp ráp xe gắn máy hai bánh, tập trung đầu tư. Đồng thời, giải quyết việc đền bù, san lấp trên 13ha đất tại xã Trương Trắc, huyện Văn Lâm, Hưng Yên để chuẩn bị xây dựng Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Cửu Long và nhà máy sản xuất lắp ráp xe gắn máy. Doanh nghiệp này đã cử cán bộ, công nhân sang Trung Quốc để đào tạo tay nghề. Doanh thu năm 2002 của TMT đạt 380 tỷ đồng, vẫn tăng 14,1% so với năm 2001.

Đến tháng 12/2003 Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe ô tô bắt đầu đi vào sản xuất thử. Và chính thức khánh thành Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô nông dụng Cửu Long tháng 5/2004, bắt đầu sản xuất được 2.000 xe tải nộng dụng có tải trọng từ 500kg đến 4.000kg.

Từ năm 2006, ô tô TMT bắt đầu chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần. Trong đó, giá trị doanh nghiệp đã xác định lại giá trị thực tế phần vốn góp Nhà nước tại thời điểm 30/9/2005 là 12,744 tỷ đồng, giá trị thực tế của doanh nghiệp là 245,96 tỷ đồng.

Tháng 4/2006, Bộ GTVT phê duyệt phương án xác định vốn điều lệ của công ty là 25 tỷ đồng, cổ phần phát hành lần đầu là 2.500.000 cổ phần, mệnh giá 10.000đ/cổ phần.

Trong đó, có 875.000 cổ phần của Nhà nước chiếm 35% vốn điều lệ; Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động 138.000 cổ phần chiếm 5,544%, cổ phần bán đấu giá công khai là 1.486.400 cổ phần, chiếm 59,456% vốn điều lệ.

Ngày 14/8/2006, Bộ GTVT tiếp tục điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ Công ty CP ô tô TMT. Trong đó, cổ phần Nhà nước là 1.225.000 cổ phần chiếm 49%, Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 138.600 cổ phần chiếm 5,544%, cổ phần bán ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược là 250.000 cổ phần chiếm 10%, cổ phần bán đấu giá công khai 886.400 cổ phần chiếm 35,456%.

Một lần nữa vào tháng 12/2007, Bộ GTVT xác định lại giá trị phần vốn Nhà nước trong doanh nghiệp. Theo đó, giá trị phần vốn Nhà nước tại thời điểm chuyển sang Công ty cổ phần (ngày 14/12/2006) là 20,795 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước tại công ty là 12,25 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp của Tổng Công ty là 8,545 tỷ đồng.

Sau đó Công ty chính thức hoạt động dưới mô hình Công ty cổ phần như ngày nay.

Công ty CP ô tô TMT vừa công bố Nghị quyết thông qua việc góp vốn làm cổ đông Công ty CP xe điện TMT, nhất trí góp vốn bằng tiền 19,5 tỷ đồng tương ứng với 1.950.000 cổ phần (chiếm 65%) vốn điều lệ.

Theo Đời sống
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
back to top