Tiếng Gà gáy vọng về từ bảy thế kỷ

Tiếng Gà gáy vọng về từ bảy thế kỷ

Tôi mượn đầu đề của nhà văn hóa Hữu Ngọc viết trên tờ The Courrier Of Việt Nam, để giới thiệu “Kê Minh Thập Sách”, vào năm Đinh Dậu 2017 này.     

Ảnh minh họa

Một trong những thiên cổ hùng văn                                               

Kê minh thập sách có nghĩa là mười chính sách (viết dâng lúc gà gáy sáng) của bà Nguyễn Thị Bích Châu, phi hậu của vua Trần Duệ Tông (1336-1377). Trước khi nói cái âm vang của tiếng gà tiền sử này, tức nói nội dung Kê minh thập sách, hẵng tìm hiểu đôi chút về thân thế của Bà.

Chắc chắn là những thần phả được ghi chép và lưu giữ ở những ngôi đề thờ Bà, ngôi chính ở Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, có hai đền nữa ở Nghệ An và một đền ở Bắc Ninh, cùng những ký ức dân gian lưu truyền chung quanh những ngôi đền đó, là cơ sở khiến Lê Thánh Tông là người sớm biết và đánh giá về Bà. Rồi Ngô Thì Nhậm, tiếp sau là Nữ sĩ Hồng Hà Đoàn Thị Điểm.

Chính Đoàn Thị Điểm, trong tác phẩm Truyền kỳ tân phả với bài Hải khẩu linh từ (Ngôi đền thiêng bên cửa biển), đã khắc họa rõ nét nhân thân và sự tích của Bà cũng như cho ta một diện mạo đầy đủ của áng văn Kê minh thập sách. Ngày nay, ai đến dâng hương ở đền Bà tại Kỳ Ninh cũng chiêm bái bia Kê minh, một áng văn mà nhiều học giả xếp chung vào những thiên cổ hùng văn (Chiếu dời đô, Thơ Nam quốc, Hịch tướng sĩ, Sớ thất trảm, Cáo Bình Ngô và Sách Kê minh.)

Theo Đoàn Thị Điểm, khi được vào cung, nhân thấy chính trị đời Trần vào thời Hôn đức, tức Dương Nhật Lễ chiếm ngôi, đã suy đồi liền viết Kê Minh thập sách dâng lên. Vua Trần Duệ Tông rất khen ngợi. Bà mượn ý bài thơ Kê Minh trong Kinh Thi, nói về một bà hậu nghe gà gáy sáng liền nhắc nhở vua thức dậy đi lo việc nước. Tứ gà gáy sáng không chỉ gợi lên ý nghĩa thúc giục, mà còn là sự thức tỉnh.

10 chính sách lớn

Mở đầu Bà nêu lên tư duy phải lo lắng, cảnh giác, cẩn thận, vào lúc an phải tính lúc nguy. Đó cũng là tư tưởng của Trần Hưng Đạo, “phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc”. Tiếp theo, Bà đề cập đến mười chính sách lớn liên quan đến quốc kế dân sinh.

Thứ nhất: Trừ bỏ hà khắc, bạo ngược, để lòng dân an vui

Thứ hai: Xóa hết phiền nhiễu để kỷ cương không rối loạn,

Thứ ba: Đè nén lũ lộng quyền để trừ sâu mọt chính trị.

Bốn là: Thải đuổi bọn quan lại tham nhũng để dẹp thói tệ chài vét của dân.

Năm là: Chấn nho phong khiến cho đuốc (trí tuệ, văn hóa) như mặt trăng, mặt trời soi sáng cùng khắp.

Sáu là: Cầu lời nói thẳng làm cho cổng thành và đường ngôn luận rộng mở.

Bảy là: Kén quân cốt người khỏe mạnh,dáng vóc tính sau.

Tám là, tuyển tướng cần người thao lược, rồi mới tính thế gia.

Chín là: Binh khí phải bền chắc, chẳng cần hoa hoét.

Mười là: Trận pháp phải chỉnh tề, chứ không phải múa may.

Bà nói đó là những điều mong ước để Nước được trị, Dân được an. Nước trị, dân an chính là minh triết của tổ tiên bao đời vẫn đau đáu hy vọng. Chính vì thế mà sau này Nguyễn Trãi đề xướng tư tưởng “Việc Nhân Nghĩa cốt ở An Dân”.

Ở hàng đầu là tư tưởng “Phù quốc bản”, đề cao nhân dân, tư tưởng mẹ của mọi chính thể, thậm chí cả những chính thể chuyên chế vẫn không ngớt rêu rao nguyên lý này. Ta thấy xuyên suốt trong áng văn là cái tư tưởng, cái tình cảm tôn vinh nhân dân, đề cao nhân dân. Coi Dân là chủ thể của nền chính trị, nền hành chánh, của công việc trị nước. Ở phương Tây họ triển khai tư tưởng này theo hướng “Dân quyền” (Democratie), với nguyên lý “Quyền dân là tối thượng”(La suprematie du peuple).

Kê Minh Thập sách dẫu có phảng phất tinh thần nho gia “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, dẫu phải sử dụng những phạm trù nho giáo, nhưng dấu ấn của những thực tiễn và tư tưởng thân dân của văn hóa Lý Trần lại rất rõ. Ta có thể nhận thấy ngay rằng, rất nhiều những thực tiễn tốt đẹp, trong nền chính trị ở hai triều đại Lý-Trần đã phản ảnh vào Kê Minh thập sách, để đúc nên những minh triết về trị nước, an dân. Chính vì thế, nó mang tinh thần Việt, tâm hồn Việt. Nó là hoa trái nở trên mảnh đất màu mỡ của trí tuệ, đức hạnh và ước vọng Việt. Nói đó là minh triết vì đó là giá trị mở, là chất tủy của văn hóa chính trị Việt.

Nguyên Hiệp

Theo Đời sống
Công nghệ 6G sẽ nhanh gấp 500 lần 5G

Công nghệ 6G sẽ nhanh gấp 500 lần 5G

Vừa qua, một bản demo được thực hiện tại Nhật Bản cho thấy thiết bị không dây 6G có thể đạt tốc độ truyền dữ liệu lên đến 100 gigabit mỗi giây (Gbps), nhanh hơn 500 lần so với một chiếc điện thoại thông minh 5G trung bình.
Vật chứng cổ xưa thời đại Hùng Vương

Vật chứng cổ xưa thời đại Hùng Vương

Văn hóa Phùng Nguyên có niên đại 2.000-1.500 năm TCN, là giai đoạn xa xưa nhất của thời đại Hùng Vương. Cùng đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để ngắm những vật chứng quý giá của thời kỳ này.
back to top