Tiền được bơm ròng liên tục, tỷ giá USD/VND sẽ ra sao?

(khoahocdoisong.vn) - Đã nhiều ngày Việt Nam không có trường hợp mắc mới dịch Covid-19. Khi hậu quả của dịch Covid-19 vẫn chưa thể đong đếm rõ, việc bơm tiền tạo bước đệm cho nền kinh tế đã kích thích tỷ giá USD/VND tăng trở lại.

Bơm ròng

Chương trình lãi suất ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo đệm cho nền kinh tế vẫn được nhiều ngân hàng tiếp tục triển khai. Gói tín dụng chung tay hỗ trợ từ mức 250.000 tỷ đồng nâng lên thành 285.000 tỷ đồng và hiện đã là 300.000 tỷ đồng. Đi cùng đó là xu hướng sụt giảm mạnh tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước của các ngân hàng.

Trong báo cáo tài chính quý 1/2020 đã công bố, xét theo tỷ lệ phần trăm, VIB nổi bật nhất với việc ghi nhận cắt giảm tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước xuống còn 2.982 tỷ đồng, tương đương chưa tới 1/6 so với đầu năm.

Các ngân hàng khác như TPBank, VPBank, LienVietPostBank, MBBank, SeABank, Vietcombank cũng đều ghi nhận con số tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm hơn nửa trong 3 tháng đầu năm.

Nếu xét theo số giảm tuyệt đối, Vietcombank là ngân hàng rút tiền khỏi Ngân hàng Nhà nước lớn nhất, với hơn 18.114 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, theo ghi nhận của một thành viên tham gia thị trường mở (OMO), tại tuần vừa qua (20 - 24/4/2020), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu đều 3.000 tỷ đồng mỗi phiên trên kênh cầm cố, với lãi suất giữ ở mức 3,5%. Song, chỉ có duy nhất 1 tỷ đồng trúng thầu.

Trái lại, trong tuần có 4.656 tỷ đồng đáo hạn, khối lượng lưu hành trên kênh này giảm xuống còn 2 tỷ đồng.

Mặt khác, phía nhà điều hành không chào thầu tín phiếu. Đáng chú ý, khối lượng tín phiếu 147.000 tỷ đồng đang bị ghim ở Ngân hàng Nhà nước suốt 3 tháng qua bắt đầu bị “rã đông”. Tuần trước, 15.000 tỷ đồng được trả lại thị trường, lượng lưu hành trên thị trường theo đó giảm xuống mức 132.000 tỷ đồng.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 10.345 tỷ đồng ra thị trường thông qua kênh nghiệp vụ thị trường mở trong tuần qua.

Sau hơn nửa tháng lãi suất liên ngân hàng lắng xuống và ổn định ở mặt bằng thấp, tuần này lãi suất đã có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức qua đêm 2,08% (tăng 0,36 điểm phần trăm); 1 tuần 2,38% (tăng 0,43 điểm phần trăm); 2 tuần 2,50% (tăng 0,35 điểm phần trăm); 1 tháng 2,80% (tăng 0,17 điểm phần trăm).

Nhìn chung, lãi suất liên ngân hàng tăng thể hiện một phần thanh khoản hệ thống đã bớt dư thừa so với giai đoạn trước khi các khoản cho vay hỗ trợ doanh nghiệp đang dần được giải ngân. Đồng thời, vào thời điểm cuối tháng, ngân hàng phải đáp ứng các chỉ tiêu vốn theo quy định nên lãi suất tăng trong khi được bơm ròng tiền là điều dễ hiểu.

Số dư kênh cầm cố đã cạn cùng với lý do trên, giới chuyên môn đánh giá, 10.000 tỷ đồng tín phiếu dự kiến đáo hạn trong tuần này vẫn sẽ không được Ngân hàng Nhà nước trung hòa. Nói cách khác, sẽ có khoảng 10.000 tỷ đồng được bơm tiếp vào hệ thống.

Tuy nhiên, sang tuần đầu tháng 5, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ phải khởi động lại kênh tín phiếu khi có tới 36.000 tỷ đồng đáo hạn.

Áp lực lên tỷ giá USD/VND

Tiền liên tục được bơm ròng trở lại thị trường nên tỷ giá cũng rục rịch tăng trở lại sau khi giảm một mạch trong suốt tháng qua.

Cụ thể, tỷ giá trung tâm được nhà điều hành điều chỉnh tăng mạnh qua các phiên trong tuần. Chốt phiên 24/4, tỷ giá trung tâm niêm yết tại 23.272VND/USD, tăng 31đ so với phiên cuối tuần liền trước. Tỷ giá liên ngân hàng cùng xu hướng với mức tăng 40đ và dừng ở mức 23.480VND/USD.

Theo chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020 có thể giảm khoảng 10 - 15% so với thời gian trước. Lý do, theo ông Cấn Văn Lực, các thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) hiện đang bị ảnh hưởng rất tiêu cực bởi dịch Covid-19, nguồn kiều hối chảy về sẽ không thể dồi dào như trước.

Tương tự, World Bank cũng đưa ra dự báo lượng kiều hối toàn cầu sẽ giảm mạnh khoảng 20% trong năm 2020 do cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, cùng với việc đóng cửa nhiều nền kinh tế để phòng chống dịch bệnh. Đây sẽ là sự sụt giảm kiều hối mạnh nhất trong lịch sử khi nguyên nhân đến từ việc cắt giảm tiền lương và việc làm của người lao động nhập cư, những người có xu hướng dễ bị mất việc làm và tiền lương hơn... trong một cuộc khủng hoảng kinh tế ở tại quốc gia họ đang làm viêc. Đáng chú ý, nguồn kiều hối gửi về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình được dự đoán sẽ giảm 19,7%, xuống còn 445 tỷ USD.

Với xu hướng đang diễn ra và dự báo của các chuyên gia tài chính, nhiều người lo ngại tỷ giá USD/VND sẽ lại phi một mạch như đợt giữa tháng 3.

KH&ĐS trao đổi với một chuyên gia nghiên cứu tiền tệ, ông này cho rằng, lo ngại trên khó có thể xảy ra do nguồn cung ngoại tệ vẫn lớn. Trong đó, lượng giải ngân vốn FDI quý 1/2020 tuy giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn đạt 3.85 tỷ USD; thặng dư thương mại trong 3 tháng đạt 2,5 tỷ USD (cùng kỳ chỉ thặng dư 600 triệu USD); kiều hối giảm nhưng cũng xấp xỉ quý 1/2020.

Điều này thể hiện ở việc, tính từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào 4,5 tỷ USD. Mức dự trữ ngoại hối theo đó tăng lên 84 tỷ USD, tương đương hơn 3,5 tháng nhập khẩu.

Thứ nữa, trong tuần qua, tỷ giá USD/VND tăng ở phía nhà điều hành và giao dịch của các ngân hàng thương mại, tỷ giá tự do vẫn giảm mạnh 90đ chiều mua vào, 160đ chiều bán ra. Mặt khác, trạng thái ngoại tệ dương tại ngân hàng chứng tỏ đà tăng USD phần nhiều xuất hiện từ tâm lý găm giữ của chính các ngân hàng.

Cuối cùng, thanh khoản USD trên thị trường quốc tế đã ổn định trở lại, điều này được thể hiện rõ khi Cơ sở hoán đổi tiền tệ chéo (Cross Currency Basis Swap) của nhiều đồng tiền đã ghi nhận mức dương. Đồng thời, Mỹ cũng đang phải vật lộn tương đối căng thẳng với Covid-19 và ảnh hưởng tới nền kinh tế sẽ rất lớn nên chưa có cơ sở cho một đồng USD mạnh trong ngắn hạn.

Thực tế cũng cho thấy, sáng 27/4, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên tỷ giá trung tâm như phiên gần nhất, ở mức 23.272VND/USD. Nhiều ngân hàng đã giảm giá mua - bán đồng bạc xanh với mức giảm phổ biến quanh 10đ.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top