Nhân sự thời Covid-19: 10,3 triệu lao động sẽ chịu tác động thế nào?

(khoahocdoisong.vn) - Trong thời Covid-19, làn sóng doanh nghiệp phá sản chả chừa quốc gia nào. Việt Nam không phải trường hợp ngoại lệ dù vẫn đang kiểm soát dịch bệnh tốt. Và khi con sóng quá lớn, người lao động cũng không thể ngồi yên hưởng trợ cấp và đợi đi làm lại.

Doanh nghiệp phá sản tăng mạnh

Chống dịch Covid-19, ngày càng nhiều quốc gia áp dụng biện pháp phong tỏa một phần hay toàn diện các hoạt động xã hội, kinh tế, dẫn đến việc hạn chế hoạt động của doanh nghiệp. Khi các luồng doanh thu sụt giảm, các doanh nghiệp vẫn phải duy trì các chi phí tài chính và đảm bảo thu nhập cho người lao động, dù ở mức tối thiểu. Kết quả là các biện pháp phong tỏa, cách ly tác động tiêu cực tới kết quả hoạt động của phần lớn doanh nghiệp, và không ít doanh nghiệp sẽ đối diện nguy cơ phá sản.

Tại nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, hơn 460.000 công ty của Trung Quốc đã phá sản trong quý đầu tiên của năm 2020. Đây cũng chỉ là phần nhỏ thực tế tại Trung Quốc. Bởi lẽ, làm thủ tục phá sản tại Trung Quốc tốn rất nhiều chi phí, các doanh nghiệp nhỏ, còn non trẻ khi lâm vào thế khó sẽ không đủ khả năng để nộp hồ sơ.

Tại Đức, nhiều chuyên gia kinh tế và Chính phủ liên bang đã dự tính tới một cuộc suy thoái nghiêm trọng của nền kinh tế, trong khi Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức DIHK cảnh báo một “làn sóng phá sản với quy mô không thể tưởng tượng được”.

Mới đây nhất, khi phải chịu tác động kép từ cả về phía cầu sụt giảm và phía cung còn tăng khiến giá dầu lao dốc, hàng trăm công ty dầu tại Mỹ có thể sẽ không còn tồn tại. Trong đó, Whiting Petroleum đã trở thành công ty đầu tiên nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Tại Việt Nam, tác động cả trực tiếp và gián tiếp của Covid-19 đối với nền kinh tế đã thể hiện rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng GDP của quý 1/2020 giảm 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy rằng cú sốc kinh tế do Covid-19 gây nên đối với các lĩnh vực kinh tế hoàn toàn không giống nhau nhưng theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tính chung có khoảng 30% doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm nếu tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài theo chiều hướng xấu.

Một nguồn khác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cũng cho thấy, trong quý 1/2020, cả nước đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm 18.596 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 12.178 doanh nghiệp chờ giải thể; 4.115 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Giới chuyên môn đánh giá, đây là con số kỷ lục từ trước đến nay và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui lớn hơn số doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới (29.711 doanh nghiệp).

Phải nhấn mạnh rằng, dịch Covid-19 mới chỉ ảnh hưởng tới Việt Nam ở nửa cuối quý 1. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong các quý tiếp theo. Tính riêng tuần từ 30/3 - 4/4/2020, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh là 1.628 doanh nghiệp, tăng 277,7% so với tuần liền trước.

10,3 triệu lao động bị ảnh hưởng

Tương tự như số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường, khủng hoảng Covid-19 mới chỉ tạo tác động nhỏ đối với thị trường lao động Việt Nam trong quý 1.

Lịch sử từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây cho thấy, thị trường lao động phản ứng tương đối trễ. Lý do, các doanh nghiệp trước tiên luôn cố duy trì lực lượng lao động của mình lâu nhất có thể bằng cách cắt giảm sản lương, cho đến khi không còn tiếp tục duy trì được nữa. Nói cách khác, tác động của dịch bệnh Covid-19 đến thị trường lao động có thể sẽ rõ hơn trong quý 2/2020.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam vừa công bố báo cáo nhanh về tác động của dịch Covid-19 tới thị trường lao động Việt Nam, theo 2 kịch bản. Gồm kịch bản có mức độ tác động thấp hơn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng trong quý 2/2020. Kịch bản còn lại là mức độ tác động lớn hơn khi phần lớn các biện pháp kiểm soát vẫn được áp dụng.

Cụ thể, các chuyên gia ILO dự báo, đến cuối quý 2, khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6 - 10,3 triệu lao động. Người lao động bị giảm số giờ làm, giảm lương, hoặc trong trường hợp xấu nhất là mất việc.

Theo kịch bản có mức tác động lớn, sẽ có 3,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, 2,6 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn bán lẻ, sửa chữa xe gắn máy, xe máy và 1,4 triệu lao động làm các dịch vụ lưu trú và ăn uống bị ảnh hưởng...

Ở kịch bản có mức tác động thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến 1,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, 0,9 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ và 0,9 triệu lao động làm các dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp hiện đang sử dụng tổng cộng 18,9 triệu lao động được đánh giá có nguy cơ thấp nhưng các phân ngành phục vụ xuất khẩu cũng có thể phải đối diện với nhiều thách thức.

KH&ĐS trao đổi với một giám đốc dịch vụ tư vấn tuyển dụng nhân sự, vị này cho rằng, sự tác động bất ngờ của dịch Covid-19 đã trở thành bài toán khó cho các doanh nghiệp để có thể duy trì đội ngũ nhân sự và hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người lao động chịu trói chân và đợi hưởng trợ cấp từ các gói tài khoá của Chính phủ.

“Người lao động nên tận dụng thời gian để trau dồi kiến thức chuyên môn do nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao còn rất lớn. Thậm chí, khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp sẽ hướng tới nhân lực có chuyên môn vì không phải đầu tư chi phí đào tạo. Theo đó, lượng lao động chỉ chờ hưởng trợ cấp và đợi công ty gọi đi làm lại sẽ bị bỏ rơi. Hiện, một số doanh nghiệp nhận ra cơ hội nên đã xúc tiến hoạt động tuyển dụng trong thời gian này bởi nguồn cung lao động đang dồi dào và ứng viên khi nhận việc sẽ có nhiều thời gian để hòa nhập với công ty và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sau khi dịch bệnh qua đi”, vị giám đốc trên chia sẻ.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top