Tiêm văcxin Covid-19: Việt Nam tiêm tới đâu đảm bảo an toàn tới đó

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều nước đã đồng loạt hoãn sử dụng văcxin Covid-19 của AstraZeneca sau khi có báo cáo về tình trạng đông máu sau khi tiêm. Việt Nam đã có 15.865 người được tiêm ở 12 tỉnh/thành phố và cũng ghi nhận 15 ca sốc phản vệ sau tiêm. Kế hoạch của Việt Nam là vẫn tiếp tục tiêm. Vì vậy, cần phải theo dõi kỹ sau tiêm.

Các ca sốc phản vệ đã ổn định

Sáng 16/3, Bộ Y tế cho biết sau 1 tuần tiêm văcxin phòng Covid-19, đã có 15.865 người được tiêm ở 12 tỉnh/thành phố: Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, TPHCM, Gia Lai, Long An, Đà Nẵng, Hoà Bình và Khánh Hoà. Trong tuần này sẽ có thêm 3 địa phương mở điểm tiêm văcxin Covid-19 là: Quảng Ninh, Điện Biên và Đồng Tháp.

Theo báo cáo của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, sau 1 tuần đầu tiên triển khai tiêm chủng, đã ghi nhận khoảng 15 trường hợp gặp phản ứng nặng sau tiêm, trong đó có 14 người phản ứng phản vệ mức 2 (khó thở, kẹt huyết áp, phù mạch tại vị trí tiêm, tiêu chảy) và 1 trường hợp là nữ, tiêm chủng ngày 14/3 ở Hải Dương sốc phản vệ mức III, được coi là phản ứng nặng nhất trong tiêm chủng, với các các dấu hiệu nguy hiểm như chân tay co quắp, rét run, sốt, tê bì tay... Các dấu hiệu này xuất hiện ở 8 giờ sau tiêm. Cơ quan y tế cũng đã phát hiện và xử trí kịp thời, hiện bệnh nhân đã ổn định trở lại. 14 người gặp các phản ứng nặng khác cũng đều đã ổn định.

Tư vấn, sàng lọc trước khi tiêm văcxin Covid-19.

Tư vấn, sàng lọc trước khi tiêm văcxin Covid-19.

Tỷ lệ gặp phản ứng sau tiêm chủng thông thường với các dấu hiệu như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy… là 26%, tương tự như thông báo của nhà sản xuất văcxin AstraZeneca.

Điều khiến người dân lo ngại là nhiều nước như: Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Bulgaria, Hà Lan, Đức, Pháp, Ý... đã hoãn tiêm văcxin AstraZeneca dù hãng AstraZeneca nói không có mối liên hệ giữa văcxin của họ và sự cố đông máu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng kêu gọi các nước không đình chỉ việc tiêm văcxin trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay đã gây ra 2,7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng ban Điều hành Dự án Tiêm chủng cho biết: Không riêng văcxin AstraZeneca, hầu hết các loại văcxin khác cũng đều có phản ứng sau tiêm với một tỉ lệ nhất định. Điều quan trọng là có theo dõi, đánh giá. Bộ Y tế đã đề nghị tất cả địa phương ghi nhận trường hợp có phản ứng sau tiêm, thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá nguyên nhân.

Những người được tiêm văcxin phòng Covid19 đợt đầu tiên tại Việt Nam.

Những người được tiêm văcxin phòng Covid19 đợt đầu tiên tại Việt Nam.

Tiêm tới đâu đảm bảo an toàn tới đó

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tiếp tục triển khai tiêm văcxin phòng Covid-19 của AstraZeneca. Việc triển khai tiêm chủng phải thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, an toàn, hiệu quả... Người tiêm chủng được theo dõi tại chỗ 30 phút sau khi tiêm. Nếu có phản ứng thì được theo dõi tiếp tại phòng bệnh trong 24 giờ. Sau khi về nhà, tiếp tục theo dõi sức khỏe và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có bất kỳ phản ứng bất thường nào xảy ra để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Đây là quy trình được Bộ Y tế chỉ đạo hết sức chặt chẽ. Tiêm đến đâu bảo đảm an toàn đến đấy.

GS.TS Đặng Đức Anh cho biết, công tác tổ chức điểm tiêm đảm bảo an toàn tiêm chủng luôn được Chương trình Tiêm chủng mở rộng đặt lên hàng đầu. Trước khi đưa văcxin vào triển khai tiêm, tất cả các điểm tiêm chủng được Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật kiểm tra, giám sát chặt chẽ và đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Đặc biệt trong những ngày đầu mới triển khai, tất cả các điểm tiêm chủng đều có sự giám sát, hỗ trợ của Bộ Y tế và các Viện Vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur. Để đảm bảo xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm, các điểm tiêm chủng đều được trang thiết bị phòng chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng. Các đội cấp cứu lưu động thường xuyên túc trực để hỗ trợ các điểm tiêm trong trường hợp cần thiết.

Việc xử trí đối với các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng đã được các cơ sở tiêm chủng thực hiện tốt và đảm bảo an toàn cho đối tượng tiêm chủng. Thông tin về kết quả triển khai và tình hình phản ứng sau tiêm chủng được cập nhật và báo cáo hàng ngày.

GS.TS Đặng Đức Anh nhấn mạnh, trong quá trình triển khai tiêm văcxin phòng Covid-19, người đến tiêm chủng đều được khám sàng lọc trước tiêm và yêu cầu khai báo về tình trạng sức khỏe, bệnh nền và các mũi tiêm chủng trong thời gian gần đây để cán bộ y tế đưa ra chỉ định phù hợp. Đồng thời, người đến tiêm chủng được tư vấn đầy đủ về tác dụng và những sự cố bất lợi có thể xảy ra, những dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần thông báo cho cán bộ y tế. Tất cả các dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau tiêm đều được theo dõi và báo cáo.

Mỗi người tiêm sẽ được cấp một mã QR - theo mã số bảo hiểm y tế, sau đó liên thông với phần mềm hồ sơ sức khỏe để tiếp tục theo dõi và nhắc thời gian tiêm. Tất cả những người tiêm sẽ được theo dõi sức khỏe liên tục và đánh giá tính sinh miễn dịch sau khi tiêm văcxin.

Đặc biệt, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khai báo đầy đủ về tiền sử dị ứng và các bệnh đang mắc cho cán bộ y tế, chủ động theo dõi sức khỏe.

Theo KH&ĐS
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top